Xe gây tai nạn bị tạm giữ trong bao lâu?

Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan công an chỉ có thể giữ phương tiện gây tai nạn trong vòng 7 ngày; trong trường hợp phức tạp có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 30 ngày.

Anh Nguyễn Hải Nam (TP Hà Nội) hỏi: Do không chú ý quan sát, tôi điều khiển xe gắn máy chạy lấn tuyến và va chạm với một xe máy khác, gây thương tích nhẹ cho người ngồi phía sau xe. Tôi đã nộp phạt và cũng đã thương lượng, bồi thường xong cho phía bên kia nhưng công an vẫn giữ xe của tôi đến nay đã là 2 tháng. Thời gian tạm giữ xe như vậy có đúng với quy định của pháp luật không? Tôi cần làm những thủ tục gì để lấy lại xe của mình?

Cảnh sát giao thông Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội tạm giữ các phương tiện của người vi phạm. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Đối với các hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ tùy vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội mà sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định 46/2016/NĐ-CP hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 202 BLHS năm 1999.

Dựa trên những thông tin anh cung cấp có thể xác định được hành vi của anh là vi phạm hành chính. Theo đó, ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn có thể bị tạm giữ phương tiện, giấy tờ có liên quan người điều khiển và phương tiện vi phạm.

Theo khoản 8 Điều 125 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: "Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Thời hạn tạm giữ có thể được kéo dài đối với những vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, cần tiến hành xác minh nhưng tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ tang vật, giấy phép, chứng chỉ hành nghề.

Đối với vụ việc thuộc trường hợp quy định tại đoạn 2 khoản 1 Điều 66 của luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn việc tạm giữ; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày."

Như vậy, theo quy định trích dẫn ở trên, đến thời điểm này là 2 tháng kể từ ngày bị tạm giữ và anh cũng đã đóng phạt xong, bồi thường xong nên việc cơ quan công an giữ xe của anh là chưa đúng quy định pháp luật.

Trong trường hợp này, thời hạn giữ xe đã quá thời hạn theo quy định và anh đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt hành chính theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà cơ quan công an vẫn chưa trả lại xe, thì anh có thể làm đơn gửi khiếu nại lên cơ quan công an đang giải quyết hồ sơ vụ việc để yêu cầu xem xét, giải quyết việc trả lại xe cho mình theo luật định.

Nếu không được giải quyết đúng thời hạn anh có quyền khởi kiện hành chính về hành vi hành chính của cơ quan công an tại Tòa án có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hành chính 2015.
PV
Thí điểm lắp đặt camera kiềm chế tai nạn giao thông
Thí điểm lắp đặt camera kiềm chế tai nạn giao thông

Ngày 23/2, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản đề nghị Bộ Công an và Bộ Tài chính hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp cần thiết để giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số người chết, người bị thương và số vụ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN