Vụ Việt Á: Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh phạm tội của bị cáo

Chiều 8/1, tiếp tục phần tranh luận tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ Việt Á, các luật sư bào chữa đã đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm làm giảm nhẹ mức độ hành vi vi phạm của các bị cáo. Nhiều luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh phạm tội của các bị cáo trong giai đoạn dịch bệnh nguy cấp, có những thủ tục, công việc triển khai chưa từng có tiền lệ.

Chú thích ảnh
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Bào chữa cho bị cáo Phan Quốc Việt (Tổng Giám đốc Công ty Việt Á), luật sư cho rằng khi đưa tiền cho một số bị cáo trong vụ án, Việt chỉ suy nghĩ đây là những người đã có công giúp Việt Á được sản xuất test xét nghiệm COVID-19 phục vụ chống dịch, khi công ty có lợi nhuận thì trích ra để cảm ơn họ. Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh mà Phan Quốc Việt phạm tội bởi theo luật sư đó là hoàn cảnh cấp thiết, đặc biệt khi Việt Á có nhiều đóng góp cho việc chống dịch của cả nước. Quá trình điều tra, Phan Quốc Việt đã chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ của mình; tích cực hợp tác giúp cơ quan điều tra nhanh chóng làm rõ các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ... Do đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của mình.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát nhận định bị cáo Phan Quốc Việt đóng vai trò chủ mưu, đã xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Bị cáo có tình tiết tăng nặng là phạm tội hai lần trở lên. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, tại phiên tòa, bị cáo đã khai báo thành khẩn, nộp 200 triệu đồng và có đơn đề nghị được dùng tài sản bị phong tỏa để khắc phục hậu quả. Từ đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phan Quốc Việt tổng hợp 30 năm tù cho cả 2 tội danh “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.

Tương tự, luật sư của bị cáo Phan Quốc Việt, luật sư Trần Nam Long (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) cũng cho rằng, sai phạm của bị cáo Long và các bị cáo khác làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế đều nằm trong bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.

Theo luật sư, toàn bộ các sai phạm bị cáo buộc đều diễn ra vào thời điểm tháng 3/2020, khi mà tình hình dịch SARS-CoV-2 đã lan rộng ra nhiều nước và một số nước có diễn biến cực kỳ phức tạp. Liên quan đến sai phạm trong quá trình cấp phép tạm thời, tại thời điểm đó, bị cáo Nguyễn Thanh Long mới làm việc tại Bộ Y tế với tư cách là Thứ trưởng được khoảng 1 tuần. Do đó, tại thời điểm sự kiện cấp phép tạm thời diễn ra, bị cáo Long không hề tiếp cận hồ sơ cấp phép, không nắm được quy trình cấp phép.

Về vấn đề hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương, luật sư dẫn chứng sự phân công trong Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, trong lãnh đạo Bộ và trong Ban chỉ đạo Trung ương, việc hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đã được giao cho Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phụ trách. Với vị trí là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, bị cáo Long chỉ là người ký Quyết định thành lập tổ công tác hiệp thương giá.

Từ những luận điểm này, luật sư bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát xem xét lại cáo buộc cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long về hành vi “…không chỉ đạo xử lý, ban hành kết luận kiểm tra, rút đăng ký lưu hành”.

Liên quan đến số tiền 2,25 triệu USD bị cáo Nguyễn Thanh Long đã nhận từ Phan Quốc Việt, luật sư bào chữa phân tích bối cảnh, thời gian của việc nhận tiền và nhận định rằng bị cáo Long không có hành vi đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu. Theo luật sư, ở thời điểm việc cấp test xét nghiệm tạm thời, chỉ đạo hiệp thương giá và các sự kiện khác diễn ra, bị cáo Long đã thực hiện nhiệm vụ một cách không vụ lợi. Phan Quốc Việt đưa tiền là sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh sản phẩm test xét nghiệm có lợi nhuận. 

Về các tình tiết giảm nhẹ, luật sư nhấn mạnh việc gia đình bị cáo Long đã giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận ngay trong giai đoạn điều tra, thể hiện sự ăn năn hối cải, quyết tâm khắc phục hoàn toàn hậu quả và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được giảm nhẹ hình phạt so với mức đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa.

Trước đó, trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long mức án từ 19 - 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”. Theo Viện Kiểm sát, bị cáo Long đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho test xét nghiệm trái quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, công tố viên nhận định, quá trình điều tra và tại phiên tòa, Nguyễn Thanh Long đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo đã tác động gia đình nộp 2,25 triệu USD để khắc phục hậu quả; hợp tác tốt với cơ quan điều tra để làm rõ bản chất vụ án. Quá trình công tác, Nguyễn Thanh Long được tặng thưởng nhiều Bằng khen, Giấy khen về những thành tích xuất sắc; Bộ Y tế có văn bản đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho Nguyễn Thanh Long; gia đình có công với cách mạng… nên Viện Kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ khi lượng hình cho bị cáo Long.

Kim Anh (TTXVN)
Vụ Việt Á: Các bị cáo thông đồng cấu kết tham nhũng
Vụ Việt Á: Các bị cáo thông đồng cấu kết tham nhũng

Tại phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á, đại diện Viện Kiểm sát đã khẳng định đây là vụ án điển hình cho "lợi ích nhóm", "nhóm lợi ích" và "thông đồng cấu kết tham nhũng có hệ thống".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN