Vì sao các công trình thủy lợi không... sinh lợi?

Tỉnh Điện Biên hiện có 836 công trình thủy lợi vừa và nhỏ. Thực tế cho thấy khá nhiều công trình có hiệu quả khai thác rất thấp; nếu tính riêng những công trình do cấp tỉnh quản lý, chỉ khoảng 20% đạt hiệu quả thiết kế. Nguyên nhân của hiện trạng này là do người được thụ hưởng chưa khai thác hết hiệu quả công trình, do chất lượng thi công hoặc do đơn vị thiết kế “vẽ” thêm qui mô sử dụng để dự án dễ được phê duyệt.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh hiện có 34 công trình thủy lợi do cấp tỉnh quản lý với qui mô hồ chứa nước dung tích từ 500.000 m3, đập có chiều cao từ 12m hoặc công trình tưới tiêu tự chảy có qui mô tưới từ 50 ha trở lên. Trong số đó có 5 công trình mới xây dựng xong, 2 hồ chứa có chức năng điều tiết nước cho đại thủy nông Nậm Rốm. Như vậy trong 27 công trình đã thống kê được công suất thiết kế và thực tế khai thác, có tới 22 công trình có diện tích ruộng khai thác sử dụng được trong thực tế thấp hơn diện tích thiết kế.

Tuyến kênh tả Đại thuỷ nông Nậm Rốm thuộc địa phận xã Thanh Chăn- huyện Điện Biên đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.


Điển hình là hồ thủy lợi Hồng Khếnh tại xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), thiết kế để cung cấp nước cho 230 ha ruộng 2 vụ, song thực tế chỉ cung cấp được cho 40 ha. Trạm bơm Nậm Thanh ở xã Noong Luống (huyện Điện Biên) thiết kế cấp nước cho 270 ha ruộng 2 vụ, thực tế chỉ đạt 21 ha. Công trình thủy lợi Ảng Cang 2 xã Ảng Cang (huyện Mường Ảng) thiết kế cung cấp nước cho 69 ha ruộng 2 vụ, thực tế cấp được cho trên 23 ha. Thậm chí công trình thủy nông Pa Ham (huyện Mường Chà) thiết kế tưới cho 100 ha ruộng nhưng hiện tại không tưới được diện tích nào... Trạm bơm Nậm Thanh sau 2 năm bàn giao cho xã quản lý đã trở thành “đống sắt vụn”. Nhà nước đã phải tốn kém khá nhiều tiền để sửa chữa mới sử dụng lại được với công suất chỉ bằng gần 8% thiết kế ban đầu. Hồ chứa nước Hồng Khếnh với dung tích thiết kế ban đầu lên tới 2,1 triệu m3 nước; công trình xây dựng từ năm 2000 và có tới 2 đơn vị thi công phần đập. Khi 2 đơn vị này tổ chức đấu nối giữa thân đập, do chất lượng thi công không đảm bảo nên thân đập bị lún, không đảm bảo an toàn khi đưa vào sử dụng. Vì sự cố này, Ban quản lý dự án đã phải sửa lại thiết kế, hạ thấp ngưỡng tràn xuống 2 m, hệ thống cửa van điều tiết lại thiếu nên hồ không tích được nhiều nước. Hiệu quả sử dụng của công trình này chỉ đáp ứng 17% so với thiết kế ban đầu, diện tích gần 200 ha ruộng phía sau công trình không có nước tưới, phải chuyển sang trồng màu.

Đánh giá nguyên nhân của thực trạng này, ông Mai Thế Sử - Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Điện Biên cho rằng: Các công trình thủy lợi trên không đạt hiệu quả sử dụng như thiết kế bởi khi lập dự án, các đơn vị tư vấn đo đạc toàn bộ diện tích ruộng phía sau công trình. Thực tế, đây là diện tích của nhiều hộ sử dụng, người có đất có thể khai thác ruộng nước thì đã có đủ ruộng rồi nên không muốn khai hoang thêm; người có nhu cầu thì không có phần đất ở khu vực đó. Một nguyên nhân khác là khi khảo sát thiết kế, diện tích rừng còn nhiều nên nguồn cung cấp nước khá phong phú, khi hoàn thành công trình đưa vào sử dụng thì rừng đã cạn kiệt, khí hậu biến đổi nên các công trình này đều thiếu nước, hiệu quả sử dụng không đạt thiết kế ban đầu. Mặt khác nguồn kinh phí thu được từ các công trình này không đủ để chi trả cho việc quản lý điều hành, chưa nói đến duy tu, sửa chữa dẫn đến nhiều công trình xuống cấp mà không được sửa chữa. Cụ thể như hồ chứa nước Pa Khoang, 1 trong 10 hồ chứa nước quan trọng cấp quốc gia. Công trình này ngoài chức năng cấp nước cho toàn bộ cánh đồng Mường Thanh với lưu lượng 4,5m3/s, còn cung cấp nước cho 4 nhà máy thủy điện khác. Vậy nhưng chỉ có thủy điện Pa Khoang trả tiền sử dụng nước, còn thủy điện Thác Trắng chỉ trả phí tài nguyên môi trường. Hai công trình còn lại là thủy điện Thác Bay và Nà Lơi không trả khoản phí nào với lý do sử dụng nguồn nước của cả sông Nậm Rốm, trong khi mùa khô nguồn cấp chủ yếu lại từ Pa Khoang. Ngoài ra còn có nguyên nhân khác như độ dốc của miền núi lớn, khá nhiều diện tích sử dụng là ruộng bậc thang nên hệ số tổn thất lớn, tập quán canh tác của đồng bào vùng cao dùng nước theo kiểu dòng chảy tự nhiên, chưa có ý thức tiết kiệm...

Tuy nhiên, có một nguyên nhân mà nhiều cán bộ trong ngành quản lý công trình thủy lợi đều biết, song không muốn nói tới. Ngoài chất lượng một số công trình thi công không đảm bảo, còn có lý do khá “nhạy cảm” là chất lượng các hồ sơ thiết kế công trình. Trên thực tế, khi trình một dự án hồ chứa hay thủy nông lên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, để dự án có tính khả thi thì trong hồ sơ cần có tính thuyết phục với yêu cầu hiệu quả cao mà mức kinh phí vừa phải. Vì vậy, các đơn vị tư vấn và chủ đầu tư đã tìm cách “qua mặt” cơ quan quản lý bằng cách “khai vống” diện tích sử dụng từ công trình lên, khiến cho ruộng được tưới nước “trên giấy” bao giờ cũng cao hơn nhiều lần ruộng “trên đất”. Thực tế cho thấy, thông thường nếu một công trình thủy lợi đạt được đến 70% hiệu quả so với thiết kế là có thể “chấp nhận” được, tuy nhiên với những công trình mà hiệu quả sử dụng chỉ đạt tới dưới 50%, thậm chí không tưới cho được một ha nào như một số công trình của tỉnh Điện Biên hiện nay thì khó có thể chấp nhận.

Bài và ảnh: Chu Quốc Hùng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN