TP Hồ chí Minh: Nan giải ô nhiễm trong khu dân cư

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM ngày càng diễn biến phức tạp. Cơ quan chức năng nhiều lần đến xử phạt, nhưng tình trạng ô nhiễm đâu lại vào đấy. Nhiều hộ dân sống trong vùng ô nhiễm đang hoang mang lo sợ, muốn đi cũng khó mà ở cũng không xong.

Ba năm kêu cứu

Bà Trần Anh, ngụ tại 28 Phong Phú, phường 12 quận 8, bức xúc cho biết: “Gia đình tôi có 3 người, trong đó có mẹ già đã 80 tuổi, trước đây đều sống khỏe mạnh bình thường. Tuy nhiên, từ khi cơ sở sản xuất bánh mỳ Tiến Phát mở bên cạnh (3/2009) thì trong nhà lúc nào cũng nồng nặc mùi bánh mì, dầu mỡ và chất độc hại, khiến mọi người thường xuyên bị các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm họng và ho kéo dài.

Ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng.


Lúc nào cũng phải đóng chặt cửa và đặt một chiếc quạt công suất lớn trước cửa để thổi khí nóng từ lò bánh mì phả vào nhà, nếu tắt quạt khoảng 30 phút thì không chịu nổi...”. Bà Trần Anh cho biết thêm, mặc dù nhà nằm ở vị trí mặt tiền thuận tiện nhưng vì ô nhiễm như vậy nên không ở được, không cho thuê được và cũng không buôn bán gì được. Từ tháng 4/2010 đến nay, gia đình bà phải thuê nhà trên Bình Dương để ở. Mấy năm ròng rã đi khiếu nại, kể cả gửi đơn cầu cứu đến lãnh đạo thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Tương tự, tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở in ấn, giặt tẩy thuộc các khu phố 4, 5 phường Đông Hưng Thuận (quận 12) cũng diễn ra rất nghiêm trọng. Anh Nguyễn Văn Tịnh ở khu phố 4, cho biết: “10 năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh cứ 1–2 tiếng là nền nhà lại bám đầy bụi than đen. Nhiều gia đình phải căng bạt trước nhà để ngăn bụi, quần áo giặt phải phơi trong nhà, nước sinh hoạt luôn phải đậy kĩ... không tất cả sẽ biến thành một màu đen. Nhiều người đã rao bán nhà vì không thể chịu nổi cảnh sống ở đây, nhưng người đến xem nhà không trở lại lần thứ hai”.

PGS - TS Nguyễn Lê Ninh - Viện Khoa học Xã hội TP.HCM cho rằng, nguyên nhân chính là do nền kinh tế TP.HCM chưa phát triển đồng bộ, quy hoạch và quản lý chưa cân đối. Cụ thể, trong khu dân cư vẫn tồn tại nhiều các cơ sơ sản xuất, từ các loại mặt hàng chế biến lương thực, thực phẩm cho đến hàng tiêu dùng trong gia đình; từ gia công chế tạo các mặt hàng cơ khí nhỏ đến việc tân trang sửa chữa, cơ khí tiêu dùng... Vì thế, về lâu dài khó có thể giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường do các nơi này gây ra.

Chế tài chưa đủ sức răn đe

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường (TN&MT) TP.HCM, tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất trong khu dân cư đang là bức xúc và hiện đang là mối đe dọa nghiêm trọng môi trường sống nói chung, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt hàng ngày, sức khỏe của người dân, đặc biệt là trẻ em.

Trong khi đó, lượng di dân ở các tỉnh vào TP.HCM ngày càng tăng cao, kéo theo mật độ các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp ngày càng nhiều. Chưa kể, tình trạng xử phạt khó do thiếu chế tài, mức độ phạt không đủ sức răn đe. Thống kê của Sở TN&MT TP.HCM cho thấy, năm qua Sở đã xử phạt gần 30 công ty, đơn vị sản xuất trên địa bàn với số tiền tổng cộng 2,5 tỷ đồng, nhiều đơn vị bị phạt đến 2 - 3 lần nhưng phạt xong lại đâu vào đấy.

Mặt khác, công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường của cơ quan chức năng đối với cơ sở sản xuất dường như vẫn mang tính hình thức. Trong đó, công tác thanh, tra, kiểm tra về môi trường trước khi cấp phép cho cơ sở sản xuất trong khu dân cư không được quan tâm đúng mức. Khi dân khiếu nại, cơ quan chức năng chỉ có thể xử phạt, nhưng không thể di dời. Vì thế, tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vẫn tiếp tục tồn tại.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội luật gia TP.HCM cho biết, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2005, khi bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu các đối tượng vi phạm bồi thường thiệt hại cho mình. Do đó khi có thiệt hại phát sinh về tài sản, sức khỏe, tính mạng... người bị thiệt hại cần nắm rõ các quy định để yêu cầu đối tượng vi phạm bồi thường cho mình thông qua con đường khởi kiện hoặc thương lượng với đối tượng gây ô nhiễm.

Dù vậy, PGS. TS Nguyễn Lê Ninh cho rằng, nếu không di dời các cơ sở gây ô nhiễm, người dân vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng sức khỏe và môi trường sống xung quanh. Do đó, cơ quan chức năng cần siết chặt quy định của pháp luật về khoảng cách an toàn về môi trường đối với khu dân cư, đồng thời đưa những kiến thức về an toàn lao động và bảo vệ môi trường đến từng cơ sở sản xuất, từ chủ cơ sở đến người làm, kể cả những người có trách nhiệm quản lý liên quan và hãy coi đó là kiến thức nghiệp vụ phổ thông.

Bài và ảnh: Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN