Thực hiện chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 trong ngành Tòa án nhân dân

Chiều 10/4, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và một số nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chủ trì Hội nghị.

 

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Các nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng đầu năm 2014, đã được Tòa án nhân dân các cấp triển khai thực hiện có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực, như: Triển khai thi hành Hiến pháp; tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp và những chỉ tiêu, yêu cầu mà các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra liên quan tới công tác Tòa án, nhất là nâng cao hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án.

 

Trong thời gian tới, Chánh án Trương Hòa Bình đề nghị, các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao cũng như Tòa án nhân dân các cấp cần xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động; tích cực tham gia xây dựng Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và các luật tố tụng tư pháp, đảm bảo thể chế hóa đầy đủ, toàn diện những quy định mới của Hiến pháp và các quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp. Tòa án nhân dân các cấp tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo những phán quyết của Tòa án phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội; đồng thời kiên quyết không để xảy ra việc kết án oan người không có tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Tòa án nhân dân các cấp phải tăng cường tranh tụng tại tòa, bảo đảm để bên thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, kết hợp với thực hiện cuộc vận động “Nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án nhân dân các cấp”, gắn với phong trào thi đua “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”...

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Lâm Khánh – TTXVN.

Đại biểu tham dự Hội nghị tại các điểm cầu đã nghe quán triệt những nội dung Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kế hoạch của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về việc triển khai, thực hiện Kết luận này của Bộ Chính trị. Các đại biểu tập trung đánh giá những ưu điểm, khuyết điểm trên tất cả các mặt công tác những tháng đầu năm 2014 của Tòa án nhân dân tối cao; đề xuất những giải pháp khắc phục hạn chế và xác định các số nhiệm vụ trọng tâm những tháng còn lại của năm nay.

 

Hội nghị đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm công tác những tháng cuối năm 2014 của ngành Tòa án nhân dân là tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác tư pháp và cải cách tư pháp; đẩy mạnh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, đảm bảo các phán quyết của Tòa phải đúng pháp luật, thực sự mang lại công lý cho xã hội. Tòa án nhân dân các cấp sẽ xây dựng cơ chế và thực hiện tốt các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; tăng cường và mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế; tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính – tư pháp nhằm đảm bảo công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi giải quyết công việc tại Tòa án...

 

Báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ, những tháng đầu năm 2014, công tác xét xử các vụ án hình sự luôn đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các vụ án trọng điểm, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đều có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết và được Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận đồng tình. Các loại tội phạm về tham nhũng đều được Tòa án nhân dân các cấp xét xử nghiêm minh, đặc biệt đối với người chủ mưu, cầm đầu và lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của nhà nước. Ngoài ra, Tòa án nhân dân các cấp đã chú trọng làm tốt việc tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; triển khai xây dựng và hoàn thiện 3 dự án Luật: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Luật Phá sản (sửa đổi), Luật tố tụng lao động; chủ trì xây dựng và ban hành 2 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và Luật tố tụng hành chính về thủ tục giám đốc thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao...

 

Tuy nhiên, hoạt động ngành Tòa án nhân dân vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như: Chưa khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán tuy có giảm nhưng chưa mạnh; việc tổng kết kinh nghiệm xét xử và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ những vướng mắc về áp dụng trong thực tiễn công tác xét xử.

 

Nguyễn Cường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN