Yếu kém trong thi hành án dân sự ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh

Thủ tục hành chính còn rườm rà, các công tác cải cách hành chính chưa đạt hiệu quả cao nên việc thi hành án dân sự kéo dài đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Đó là nhận xét của ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương khi nói về việc giải quyết các thủ tục liên quan đến cải cách hành chính, thi hành án dân sự tại Việt Nam.

Ông Phan Đức Hiếu dẫn chứng: Luật quy định thời gian đăng ký kinh doanh không quá 3 ngày nhưng TP Hồ Chí Minh mất 5 ngày để cấp phép, điều này cho thấy việc thực thi pháp luật khá chậm chạp.

Bên cạnh đó, tại Nghị quyết 19/2015 yêu cầu các cơ quan phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao trong quá trình hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến việc tranh chấp thương mại và phá sản doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy định; đồng thời rút ngắn thời gian giải quyết tranh chấp thương mại xuống còn tối đa 200 ngày (hiện là 400 ngày) và 24 tháng (hiện là 60 tháng).

Đến Nghị quyết 19/2017, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Bộ, ngành liên quan cải cách hướng đến các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh đạt mức trung bình của nhóm các nước Asean 4. Theo đó, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng tối đa 300 ngày (hiện nay là 400 ngày); thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp xuống tối đa còn 30 tháng, thay vì 60 tháng như hiện nay.

Cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tăng sức cạnh tranh cho Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài. Ảnh: Người dân nộp thuế tại Chi Cục thuế quận 9

Nguyên nhân của việc cải thiện môi trường kinh doanh chưa hiệu quả phải kể tới chậm giải quyết các tranh chấp thương mại và chậm cải cách hành chính. Luật sư Nguyễn Quang Hưng, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho hay, thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng ở Việt Nam còn dài (400 ngày), đặc biệt là giai đoạn thụ lý đơn khởi kiện (13% tổng số thời gian) và thi hành án (37% tổng số thời gian ).


“Việt Nam không thay đổi về thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng trong 10 năm, mặc dù Việt Nam đã có thay đổi về các quy định tố tụng dân sự, thi hành án qua các năm. Việt Nam chỉ cần thay đổi một chút, quy định tác động lên thực tế là có hiệu quả khác ngay”, ông Hưng cho biết thêm. 


Chẳng hạn sự chậm trễ trong giải quyết phá sản doanh nghiệp, ông Quang Hưng cho biết, thời gian giải quyết phá sản ở Việt Nam mất 5 năm nhưng Ireland chỉ hết 4 tháng; chi phí 15% nhưng ở Nhật Bản chỉ mất 0,6%; tỷ lệ thu hồi là 22% còn Na Uy là 93%. Tóm lại, hệ số hiệu quả Luật phá sản ở Việt Nam chỉ được 7,5 điểm trong khi các nước khác đạt mức điểm gấp đôi. “Việt Nam còn nhiều dư địa để thực hiện cải cách vì chất lượng tòa án ảnh hưởng đến doanh nghiệp cả về vi mô lẫn vĩ mô", ông Hưng cho biết.


Để giải quyết những khó khăn trong việc nâng cao hiệu quả thi hành án nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Văn Lực, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, cho biết sắp tới cơ quan thi hành án phải thực hiện nhanh chóng hơn, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam. 


Ngoài ra, cần rút ngắn thời gian thi hành án và công khai quá trình thực hiện thi hành án. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp, liên thông cho việc xử lý án phí với thụ lý vụ án. Sớm ban hành cơ chế phối hợp giữa cơ quan thi hành án, tòa án, quản tài viên để giải quyết tốt các vụ việc phá sản cho doanh nghiệp.


Hoàng Tuyết/Báo Tin Tức
Chưa bãi bỏ ngay nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch, nuôi con nuôi
Chưa bãi bỏ ngay nhiều thủ tục hành chính về hộ tịch, nuôi con nuôi

Theo Bộ Tư pháp, để có thể đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính theo Nghị quyết 58/NQ-CP của Chính phủ phải hoàn thành việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (theo quy định của Luật hộ tịch dự kiến chậm nhất đến ngày 1/1/2020).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN