“Than tặc” đất mỏ - Lẽ nào không thể phá?

Chính quyền đánh sập mỏ hôm trước, “than tặc” đào lại vào hôm sau. Chính quyền ra quân truy quét ban ngày, “than tặc” làm ban đêm và khi chính quyền làm mạnh thì “than tặc” đe dọa, uy hiếp cán bộ. Vấn nạn khai thác than trái phép ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) nở rộ như “nấm mọc sau mưa” khiến các cơ quan khó bề kiểm soát.

Các lực lượng thanh tra, bảo vệ kiểm tra ban đêm các lò khai thác than trái phép trên núi Bạt Giang, huyện Đông Triều.

Thủ đoạn tinh vi, hành động liều lĩnh

40 điểm mỏ, lò than khai thác trái phép ở 9/20 phường của TP Hạ Long vẫn liên tục hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi và liều lĩnh hơn trước, bất chấp sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng địa phương. Từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày các lực lượng chức năng của TP Hạ Long xóa bỏ được một đến hai lò khai thác than trái phép, song việc làm trên vẫn như... muối bỏ bể.

Ông Đào Xuân Đan, Chủ tịch UBND TP Hạ Long cho biết, lực lượng chức năng dùng mìn đánh sập, hay đổ cả xe bê tông lấp miệng hầm lò khai thác than trái phép hôm trước, thì hôm sau các đối tượng lại bới đất, hay đào hầm mới để tiếp tục khai thác. Các điểm nóng nhất về vấn nạn trên vẫn tập trung ở các phường Việt Hưng, Đại Yên, Hà Khánh, Cao Xanh, Cao Thắng, Hà Trung, Hà Lầm, Hà Tu và Hà Phong.

Để khai thác than, “than tặc” giờ đã sử dụng các phương tiện máy móc hiện đại với công suất lớn. Các điểm khai thác nằm trong đất vườn hay trong nhà dân được ngụy trang xây nhà kín, bên ngoài có tường cao bao che chắn. Các trường hợp này khi lực lượng chức năng phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các chủ lò kiên quyết chống đối, cố thủ, cương quyết không mở cửa, mở cổng.

Để ngăn chặn công tác kiểm tra, xử lý của chính quyền địa phương, “than tặc” có những hành vi chống đối, sử dụng phương tiện ô tô chặn đường, dùng máy xúc cắt đường. Ngoài ra, chúng còn cài chông để đánh bục lốp xe không cho các phương tiện của lực lượng kiểm tra đến được địa điểm khai thác than trái phép, nhất là ở các địa bàn phường Đại Yên, Việt Hưng.

Gần đây, các chủ lò thường đứng sau, xúi giục người dân (người có lợi nhuận liên quan) lăng mạ lực lượng chức năng trong quá trình kiểm tra, xử lý, cố tình gây mâu thuẫn tạo xung đột gây bất lợi cho lực lượng làm nhiệm vụ. Đặc biệt, cách đây vài tuần, “than tặc” còn liều lĩnh đe dọa trực tiếp gia đình một lãnh đạo cấp cao thành phố, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.

Đối với các hoạt động xuất than trái phép tại các bến bãi thông qua đường thủy và đường bộ, “than tặc” “vô hiệu hóa” lực lượng chức năng bằng cách tổ chức tập kết, vận chuyển vào những thời gian bất lợi nhất của lực lượng chức năng là ban đêm và giờ nghỉ.

“Than tặc” hoành hành tất yếu dẫn đến hậu quả khôn lường. 26 hộ dân của phường Cao Xanh cuộc sống bị đe dọa do nạn khai thác than gây ra khiến tường và nền nhà bị rạn nứt lớn. Còn ngành điện lực TP cũng phát hoảng và lo âu thực sự bởi cột điện cao thế 110 kV, thuộc khu vực đồi rừng khu 3 phường Khánh Hạ, cấp cho toàn TP có nguy cơ bị đổ bất cứ lúc nào.

Vì sao không chặn nổi?

Cả TP Hạ Long chỉ có 40 điểm mỏ khai thác trái phép, nhưng đã qua nhiều năm chính quyền không thể nào triệt phá tận gốc. Theo ông Đào Xuân Đan, thiếu một chế tài đủ mạnh và sự quản lý chồng chéo về đất đai, tài nguyên khiến công tác phòng chống khai thác than trái phép ở TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung không đạt hiệu quả.

Ông Đan lý giải: “Hiện nay mức phạt 3 triệu đồng đối với vi phạm lần đầu và 5 triệu đồng lần thứ 2 là không đủ sức răn đe đối với “than tặc”. Nếu được phép tịch thu phương tiện vận chuyển than trái phép, chỉ cần lập các trạm kiểm soát ở các đường ra của các điểm mỏ thì có thể ngăn chặn hiệu quả vấn nạn trên, song tiếc là luật lại không cho phép làm vậy".

Hành vi xử lý hình sự chỉ được áp dụng khi giá trị than vượt ngưỡng 100 triệu đồng, trong khi các lực lượng chức năng chỉ bắt được một vài ba xe than, hoặc bắt quả tang số than tập kết tại các hầm lò cũng chỉ vài ba chục tấn nên “than tặc” nhờn với các khung hình phạt và càng coi thường pháp luật.
Một thực trạng khác, đa số các điểm mỏ khai thác than trái phép hiện nay đều nằm trong ranh giới quản lý của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) nhưng chưa được cấp phép khai thác. Cũng vì chưa nằm trong kế hoạch khai thác, một diện tích không nhỏ là nhà ở của dân, hay đất rừng xen kẽ, nên về lý đất này vẫn thuộc quyền quản lý của chính quyền địa phương hoặc ngành lâm nghiệp. Như vậy, một mảnh đất có tới 3 cơ quan quản lý chồng chéo, song vẫn để tình trạng khai thác than trái phép diễn ra hàng ngày.

Một lãnh đạo của ngành lâm nghiệp cho rằng, than có ngay ở dưới gầm giường, trong mỗi khu vườn của người dân thì sao dân không đào lên bán? Còn Chủ tịch UBND TP Hạ Long lại đề xuất: Nếu Vinacomin di dời dân sinh sống ra khỏi ranh giới mỏ và tổ chức quản lý đất đã được giao thì công tác ngăn chặn nạn khai thác trái phép sẽ bớt khó khăn.

Trong khi chờ một chế tài đủ mạnh mới, UBND TP Hạ Long thành lập một đội cơ động và một đội chuyên trách trong 6 tháng đầu năm để kiểm soát tình hình. Đồng thời, áp dụng “thiết quân luật”, cách chức chủ tịch phường nơi xảy ra nạn khai thác than trái phép. Điển hình hồi tháng 3 vừa qua, ông Bùi Ngọc Phương, Chủ tịch UBND phường Hà Khánh đã bị đình chỉ chức vụ vì lý do trên.

Văn Đức

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN