Thách thức pháp luật, “băm nát” chân đê ở Ứng Hòa

Hơn 3.300 công trình vi phạm hành lang an toàn đê điều tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) diễn ra từ nhiều năm nay... nhưng không được chính quyền xử lý dứt điểm.

Luật Đê điều tại Ứng Hòa đã bị vi phạm nghiêm trọng.

Thậm chí, mới đây có những công trình ngang nhiên băm nát chân đê, thách thức pháp luật, gây nguy cơ lún sụt đê tả sông Đáy khi mùa mưa lũ đang cận kề, khiến dư luận bức xúc. Phóng viên đã “mục sở thị” hiện trường vi phạm trên địa bàn huyện Ứng Hòa để thông tin đến bạn đọc và các cơ quan liên quan.

Cơ quan chức năng “bất lực”

Có mặt tại xã Phù Lưu (Ứng Hòa, Hà Nội) những ngày này, người dân vô cùng bức xúc trước việc hộ gia đình ông Trần Đức Thể (đội 5, thôn Phù Lưu Thượng) ngang nhiên thuê người đào mặt đê và mái đê tả sông Đáy, thách thức chính quyền địa phương, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều.

Sự việc trở nên "nóng" hơn khi hộ gia đình ông Thể có hành vi đẩy ngã Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Phạm Văn Biển trong lúc tham gia ngăn chặn máy xúc đang "băm nát" đê ngày 19/3, thách thức pháp luật và lực lượng thực thi công vụ tại đây.

Cụ thể, vào 17 giờ ngày 19/3, hộ gia đình ông Trần Đức Thể đã tự ý thuê máy xúc đào, san gạt mặt đê và mái đê tại Km74+571 đến Km74+638 tuyến đê tả sông Đáy với kích thước vi phạm chỉ cách tim đê 3,4 m.

Biên bản vi phạm pháp luật về đê điều số 57/BB - VPĐĐ ban hành ngày 21/3 của Hạt quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức cũng ghi rõ: Kích thước, số lượng hiện trạng vi phạm chiều song song với đê là 67 m; chiều vuông góc với đê là 3,0m; chiều sâu trung bình khối đào 0,35 m.

Trước sự việc trên, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu đã huy động toàn bộ lực lượng kết hợp với Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa và Hạt quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức có mặt ngay tại hiện trường để ngăn chặn vi phạm, đồng thời rút chìa khóa máy xúc để chủ máy không tiếp tục đào xúc đê, thì bất ngờ bị đối tượng Trần Văn Tùy (em trai ông Trần Đức Thể) lao vào cản trở rất hung hãn. Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Phạm Văn Biển đã bị đẩy ngã từ trên máy xúc xuống đất, gây chấn thương ở tay.

Ông Phạm Văn Biển cho biết: Hành vi của anh em ông Trần Đức Thể có dấu hiệu cản trở người thi hành công vụ, UBND xã Phù Lưu đã báo cáo ngay với UBND huyện Ứng Hòa. Ngay lập tức, Công an huyện Ứng Hòa đã điều động 10 chiến sỹ xuống Phù Lưu phối hợp giải quyết sự việc, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Tuy nhiên, lúc này anh em ông Thể đang bị say rượu nên phải sang ngày 20/3, lực lượng chức năng mới có thể lập được biên bản xử phạt; đồng thời yêu cầu hộ ông Thể khắc phục, trả lại hiện trạng đê ban đầu trước ngày 28/3. Nhưng không những không chấp hành chỉ đạo của chính quyền địa phương, tối 28/3, ông Thể tiếp tục đổ đá, chất thải hỗn hợp lên toàn bộ diện tích vi phạm trên mặt và mái đê.

Ngày 29/3, ông Thể còn thuê người đào mái đê tại Km74+635 (chiều dài 15m, rộng 2,4m, sâu trung bình 0,35m). Mặc dù UBND xã Phù Lưu và Hạt quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức liên tục yêu cầu hộ ông Thể dừng thi công, dỡ toàn bộ phần đá thải hỗn hợp thay thế bằng đất cấp 2, song đến nay vi phạm vẫn chưa được khắc phục.

Trước đó, ngày 24/3/2015, UBND xã Phù Lưu đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai đối với ông Trần Đức Thể. Biên bản vi phạm nêu rõ, hộ ông Thể sử dụng đất sai mục đích, xúc đất, đào ao, đắp bờ, bồi nền trên diện tích đất nông nghiệp nhận dồn của gia đình và diện tích đất thầu của Hợp tác xã nông nghiệp tại đồng Bến Chúa với chiều dài 195m, chiều rộng 106m, tổng diện tích vi phạm 20.670m2; yêu cầu ông Thể lập tức chấm dứt vi phạm và san lấp, trả mặt bằng, khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Tuy nhiên, hơn một năm trôi qua kể từ ngày UBND xã Phù Lưu ban hành quyết định xử phạt hành chính, việc khắc phục vi phạm vẫn chưa được thực hiện. Quan sát tại đồng Bến Chúa, khu đất của hộ ông Thể đã được quy hoạch bài bản, nhiều ao đã được đào sâu, đắp bờ gọn gàng và thả cá.

Sai phạm nối tiếp sai phạm, cho đến nay công tác xử lý vi phạm đối với hộ gia đình ông Trần Văn Thể mới chỉ dừng lại trên "giấy" với hàng loạt các biên bản xử lý vi phạm xếp chồng từ xã cho đến huyện. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan huyện Ứng Hòa đang "bất lực" trước những sai phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hành lang an toàn đê tả sông Đáy?!

Thiếu kiên quyết trong xử lý vi phạm - hệ lụy khó lường

Theo ghi nhận, tuyến đê tả sông Đáy đi qua huyện Ứng Hòa có chiều dài 36,322km, điểm đầu của tuyến đê từ K43+700 (giáp huyện Thanh Oai) đến điểm cuối tại K80+022 (chợ Dầu, Kim Bảng, Hà Nam). Trong đó với 14,7 km là đê kết hợp làm đường đường giao thông, nhiều đoạn đi qua khu dân cư, nên các hộ dân sống ở ven đê xây dựng công trình trên mặt đê, mái đê để kinh doanh, buôn bán.

Hiện tuyến đê đi qua địa phận 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ứng Hòa (đi qua 28 thôn, khu dân cư) ở lâu đời dọc theo đê. Mặc dù hàng năm, UBND huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tích cực ngăn chặn vi phạm, nhưng tình trạng vi phạm Luật Đê điều vẫn xảy ra.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội tại Quyết định số 4862/QĐ-UBND ban hành ngày 25/9/2015 về kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi..., UBND huyện Ứng Hòa đã yêu cầu Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Hạt quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức và Đội Thanh tra xây dựng huyện cử cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tiến hành kiểm tra, phân loại các trường hợp vi phạm Luật Đê điều; xác minh, làm rõ nguồn gốc đất đai đối với những trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, dù giải tỏa 824 trường hợp vi phạm (hàng quán, mái che, mái vẩy, nhà tạm, nhà bán mái…) trên địa bàn 13/13 xã, nhưng số công trình kiên cố vi phạm còn tồn tại rất lớn.

Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, tổng số vụ vi phạm từ trước đến ngày 13/12/2015, nằm trong phạm vi mái và hành lang đê là 3310 vụ, trong đó nhà bê tông, công trình kiên cố là 1281 vụ; nhà cấp 4, móng, công trình phụ là 1734 vụ; công trình khác là 355 vụ. Đặc biệt, tổng số vụ vi phạm phát sinh mới trong 3 tháng đầu năm 2016 đã lên đến 20 vụ.

Sai phạm đã rõ, với hàng ngàn trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, nhưng chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan của huyện Ứng Hòa lại thiếu kiên quyết xử lý, gây bức xúc dư luận tại địa phương. Minh chứng là vụ việc vi phạm nghiêm trọng hành lang an toàn đê của hộ gia đình ông Trần Văn Thể trong thời gian vừa qua, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý đê điều tại huyện Ứng Hòa còn nhiều bất cập.

Đê tả sông Đáy đoạn đi qua địa bàn huyện Ứng Hòa đang "kêu cứu", trách nhiệm không chỉ ở việc thiếu ý thức của người dân ven đê mà còn ở công tác quản lý, xử lý vi phạm của UBND huyện Ứng Hòa, Hạt quản lý đê điều Ứng Hòa - Mỹ Đức và chính quyền địa phương các xã.

Mùa mưa lũ năm 2016 đang cận kề, báo hiệu có những diễn biến phức tạp về dòng chảy, những trường hợp vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều diễn ra trên địa bàn huyện Ứng Hòa, cần được UBND thành phố Hà Nội, cùng các ban, ngành chức năng liên quan vào cuộc khẩn trương xử lý nghiêm, nhằm đảm bảo an toàn hành lang đê tả sông Đáy, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra đối với người và tài sản của nhân dân.

Tin, ảnh: Nguyễn Thắng - Mạnh Khánh (TTXVN)
Sở Xây dựng Hà Nội đổ lỗi "khách quan" vụ “bức tử” Đầm Hồng
Sở Xây dựng Hà Nội đổ lỗi "khách quan" vụ “bức tử” Đầm Hồng

Văn bản giải trình về vụ “bức tử” Đầm Hồng của Sở Xây dựng Hà Nội vẫn còn chưa thuyết phục, không có đơn vị nào nhận trách nhiệm và chủ yếu đổ lỗi cho khách quan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN