Tây Ninh: Cưỡng chế thu hồi trên 212 ha đất và tài sản trên đất

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh vừa ra quyết định cưỡng chế, thu hồi trên 212 ha đất và tài sản trên đất tại huyện Tân Châu.

Ðại diện Cục Thi hành án dân sự tỉnh tiến hành các thủ tục trước khi cưỡng chế đối với ông Nguyễn Minh Dũng. Ảnh: baotayninh.vn

Cục Thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh vừa ra quyết định cưỡng chế, thu hồi trên 212 ha đất và tài sản trên đất (cây cao su, các cây khác, tài sản khác trên đất) tại huyện Tân Châu của các ông Nguyễn Minh Dũng (sinh 1960, ngụ ấp Bàu Bền, xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, là con, thừa kế tài sản của ông Nguyễn Văn Sỹ đã chết); Nguyễn Ngọc Thạnh (sinh 1956,  ngụ ấp Long Thời, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành); Trần Hoàn Kiếm (sinh 1951, ngụ khu phố 1, phường 3, thành phố Tây Ninh). Đây là Quyết định của bản án sơ thẩm số 81/2009/HSST, ngày 28/10/2009 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Diện tích đất sau khi thu hồi sẽ giao cho UBND huyện Tân Châu quản lý, tài sản trên đất thanh lý được, nộp vào ngân sách nhà nước. Dự kiến đến cuối năm 2017, việc cưỡng chế thi hành án sẽ thực hiện hoàn tất, giải quyết vụ việc dứt điểm theo quy định của pháp luật.

Đây là bản án hình sự có hiệu lực pháp luật nhưng do vướng mắc liên quan đến việc xử lý tài sản trên đất nên đến nay đã gần 8 năm bản án vẫn chưa được thi hành dứt điểm, tạo dư luận không tốt và khiếu kiện kéo dài.

Ngay sau khi có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình ngày 5/6/2017 giao Bộ Tư pháp chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Tây Ninh ban hành quyết định thi hành bản án đối với nội dung chưa thi hành án (phần dân sự) để giải quyết dứt điểm vụ việc này.

Phó Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Tây Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phân loại, thống kê tài sản trên đất phải thi hành hành án theo từng đối tượng cụ thể và chỉ xem xét, giải quyết bồi thường, hỗ trợ đối với trường hợp có tài sản hợp pháp theo đúng quy định của pháp luật.

Về vụ việc này, Tổng Cục thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cũng có Công văn đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh giải thích rõ cho chính quyền địa phương và các đương sự chịu thi hành án trong việc xử lý tài sản trên đất theo tinh thần nội dung của bản án 81/2009/HSST để việc thi hành án được thực hiện thuận lợi.

Ngày 12/7/2017 Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có văn bản số 61/GTBA-HS do Thẩm phán Nguyễn Văn Tông ký giải thích bản án, khẳng định tài sản trên diện tích trên 212 ha đất (theo quyết định thu hồi của tòa án) như cây cao su, các cây khác, tài sản khác trên đất do các bị cáo đã sử dụng đất trái pháp luật đã nhiều năm, thu lợi nhuận trên đất bằng việc trồng mía và lấy lợi nhuận này trồng cao su, cây khác, tạo tài sản khác trên đất trái pháp luật. Vì vậy, cây cao su và tài sản khác trên đất do phạm tội mà có phải giao lại toàn bộ tài sản nói trên để sung vào công quỹ nhà nước. Trường hợp đương sự không tự nguyện giao sẽ bị cưỡng chế.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, nguồn gốc 212,7445 ha đất trên do Nhà máy đường Nước Trong mượn của Sở Nông lâm Tây Ninh (nay là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và UBND huyện Tân Châu (toàn bộ tiểu khu 41).

Trong thời gian từ năm 1993 đến năm 1997, các đối tượng Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Ngọc Thạnh và Trần Hoàn Kiếm lợi dụng chức vụ quyền hạn, thông qua tổ sản xuất của Nhà máy đường Nước Trong để khai hoang, đền bù, quản lý và sử dụng đất trong tiểu khu 41 và các vùng lân cận ngoài tiểu khu 41.

Cụ thể: Đối tượng Nguyễn Văn Sỹ thông qua tổ sản xuất khai hoang, đền bù, quản lý và sử dụng 22,7557 ha. Năm 1994 Nguyễn Văn Sỹ đã chuyển nhượng trái phép 71,1656 ha đất của Xí nghiệp đường 22/12 mượn của Lâm trường Tân Châu, với số tiền 48 triệu đồng. Như vậy Nguyễn Văn Sỹ quản lý, sử dụng đất mượn là 93,9204 ha.

Đối tượng Nguyễn Ngọc Thạnh thông qua tổ sản xuất khai hoang 8,8390 ha và thu hồi 20,9008 ha đất thuộc tiểu khu 41 và bồi hoàn 16 triệu đồng cho Nguyễn Trọng Hiếu.

Như vậy Nguyễn Ngọc Thạnh quản lý, sử dụng đất mượn là 29,7398 ha. Trần Hoàn Kiếm từ năm 1993 đến năm 1994 đã khai hoang cho cá nhân là 26,6758 ha, từ năm 1996 đến năm 1997 sang nhượng trái phép của 12 người diện tích 62,4085 ha. Như vậy Trần Hoàn Kiếm quản lý, sử dụng đất mượn là 89,0843 ha.

Ngày 28/10/2009, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử vụ án hình sự và tuyên các bị cáo Nguyễn Văn Sỹ 30 tháng tù, Trần Hoàn Kiếm 36 tháng tù, Nguyễn Ngọc Thạnh 18 tháng tù cho hưởng án treo.

Tòa cũng tuyên phạt hình thức bổ sung là thu hồi trên 212 ha diện tích đất đã mượn trước đây của 3 bị cáo kể trên để giao lại cho UBND huyện Tân Châu quản lý.

Lê Đức Hoảnh (TTXVN)
Khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm ở huyện Krông Pa
Khó khăn trong việc thu hồi đất rừng bị lấn chiếm ở huyện Krông Pa

Việc buông lỏng quản lý đất rừng tại huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai đã khiến hàng trăm hộ dân lấn chiếm, xây dựng nhà ở và canh tác nông nghiệp từ nhiều năm nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN