Hàng trăm lá đơn đã được gửi đi, hàng chục buổi họp đã được tổ chức, vậy nhưng hơn 4 năm qua, thực trạng khai thác khoáng sản ở Hưng Thịnh vẫn không có gì thay đổi. Nhà vẫn nứt, ruộng vẫn bị lấp, đường vẫn bị cày xới đến tan nát. Trong khi đó, nguy cơ tai nạn thương tích, đe dọa đến tính mạng của người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn hiện hữu đe dọa hàng ngày, hàng giờ.
Chính quyền bất lực!
Tiếp phóng viên với thái độ buông xuôi, ông Phạm Văn Kha (thôn Yên Thành) trần tình: “Chúng tôi nói mãi rồi cũng chán. Từ ngày mỏ quặng đi vào khai thác, tôi đã đón không biết bao nhiêu phóng viên, nhà báo để thông tin rồi. Nhưng nói mãi cũng chỉ có thế thôi, không thay đổi được gì”. Nói rồi ông lật giở đống tài liệu chất đầy trên kệ bàn, từ đơn khiếu nại, công văn trả lời, phúc đáp…
Hàng chục lá đơn đã được gửi đến cơ quan chức năng, nhưng tất cả chỉ như “đá ném ao bèo”. |
Về phía chính quyền, ông Nguyễn Đình Văn, Phó Chủ tịch xã Hưng Thịnh giải thích: “UBND xã đã nhiều lần có công văn yêu cầu Công ty Cổ phần khoáng sản Hòa Yên phối hợp giải quyết, thế nhưng công ty đều khước từ. Thật sự, việc quản lý hay phối hợp khắc phục hậu quả do việc khai khoáng gây ra rất khó khăn vì phía công ty không có thiện chí. Thậm chí, UBND xã muốn lên thăm, kiểm tra hoạt động khai thác cũng phải thông báo cho công ty cả tuần trời, mà có khi còn không được chấp nhận”.
Theo lời ông Văn, hiện nay ngoài Công ty Cổ phần khoáng sản Hòa Yên còn có 10 công ty được cấp phép, trong đó có 8 công ty đang chuẩn bị thăm dò chuẩn bị đưa vào hoạt động. Thông thường, mỗi công ty được cấp phép khai thác trong vòng 5 năm với diện tích từ 60 -100 ha. Riêng Công ty Khai khoáng Minh Đức được cấp phép tới 500 ha. Trong khi đó, dân mất đất, tuy được đền bù nhưng giá đền bù cũng chả đáng là bao. Mỗi mét vuông được đền bù chừng 5.500 đồng, tính ra sau vài bận mua sắm là hết. Mất đất, hàng trăm hộ dân phải đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm miếng cơm manh áo. Nguy cơ tái nghèo, cũng vì thế mà luôn hiện hữu.
Ông Văn cũng thừa nhận, việc mỏ quặng đưa vào khai thác đã gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân.
Do quá bức xúc, hồi tháng 2/2012, hàng trăm hộ dân tại thôn Yên Thành chặn đoàn xe chở quặng giữa đêm để biểu tình, yêu cầu phía công ty phải cải thiện môi trường, tu sửa đường sá, bồi thường thiệt hại cho dân… Thế nhưng, rốt cuộc, chẳng có một sự thay đổi nào ở đây cả.
“Đá ném ao bèo”
Đơn từ thì nhiều, các buổi tiếp xúc làm việc với các bên cũng không ít. Thế nhưng, đâu vẫn hoàn đó. Công ty thì khất lần khắc phục hậu quả, mà có khắc phục cũng như không vì họ toàn làm theo kiểu đối phó, nửa vời. Lời nói, kiến nghị của dân chỉ như “đá ném ao bèo”.
“Chúng tôi phận dân nghèo, thấp cổ bé họng. Đơn thư gửi đi hoặc là bị lờ đi, hoặc là được trả lời nhưng trả lời kiểu nửa vời, chưa thỏa mãn lòng dân. Nhiều vụ có phúc đáp, giải quyết hay bồi thường nhưng có cũng như không” - ông Kha bức xúc.
Dân chúng tôi chỉ mong công ty khai thác đảm bảo môi trường trong sạch, an toàn để chúng tôi còn sinh sống, làm ăn, các cháu còn được đến trường”.
Với mong ước ấy, gần 100 người dân đại diện cho bà con ở các thôn thuộc xã Hưng Thịnh đã có đơn kiến nghị lên xã, lên huyện, rồi lên tỉnh, đề nghị Công ty Cổ phần khoáng sản Hòa Yên phải mở đường riêng để vận chuyển và phục hồi lại đường dân sinh để dân còn có đường đi lại. Ngoài ra, công ty cũng cần nạo vét kênh mương, xây kênh dẫn chất thải không để bùn đá tràn xuống ruộng đồng ảnh hưởng tới sản xuất.
Thế nhưng, hơn 1 năm đã trôi qua kể từ khi những lá đơn này được gửi đi, đến giờ mọi việc vẫn chưa có gì đổi khác. Đường vẫn bụi, vẫn đầy ổ gà, nhà vẫn nứt hỏng, nguồn nước vẫn ô nhiễm nghiêm trọng, còn ruộng đồng thì đang dần trở thành bãi hoang hóa.
Quang Anh