'Sổ đỏ' phải có tên vợ chồng để phụ nữ không trắng tay sau ly hôn

Sau hơn 10 năm có quy định, đến nay việc thực hiện quy định Giấy chứng quyền sử dụng đất (thường gọi là Sổ đỏ) phải được ghi tên của cả vợ và chồng đến nay vẫn chiếm tỷ lệ rất thấp. Điều này khiến không ít phụ nữ gặp không ít thiệt thòi, thậm chí trắng tay sau khi li hôn khi Sổ đỏ chỉ ghi tên chồng.

Quy định “Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (GCN) phải được ghi tên của cả chồng và vợ” đã được cụ thể hóa tại Luật Đất đai 2003 và đến Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2013 lại tiếp tục đề cập đến vấn đề này. Đây được xem là bước tiến bộ, cải thiện sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc tiếp cận và quản lý đất đai. Quy định này cũng đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ quyền nếu 2 bên xảy ra mâu thuẫn, ly dị, và phân chia tài sản…

Tuy nhiên, trong thực tế, sau thời gian dài luật đi vào cuộc sống thì tỷ lệ GCN có tên của phụ nữ là khá thấp. Thực tế, khi tiếp xúc với các chị em phụ nữ tại một số địa phương mới nhận thấy việc đứng tên trong sổ đỏ cùng chồng với đa số chị em vẫn còn khá xa vời.

Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2 tên vợ và chồng ở nhiều địa phương vẫn thấp.

Chị Nguyễn Hằng (Thanh Sơn, Phú Thọ) đến nay không hề biết về vấn đề sổ đỏ 2 tên. Đến khi hai vợ chồng li dị, không có con cái, chồng và gia đình chồng cho rằng căn nhà mà hai vợ chồng chị ở là đất của tổ tiên nhà chồng để lại, chị Hằng không có quyền nhận quyền lợi. Do thiếu thông tin, cũng không dám đứng lên đấu tranh, chị Hằng đành phải về nhà bố mẹ đẻ để ở.

Tương tự, bà Lưu Thị Khôi, xóm La Cút, xã La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên) đã mất gần 3 năm vẫn chưa hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ mảnh đất của gia đình. Bởi sổ đỏ nhà bà trước đây chỉ mang tên chồng, chồng bà đã chuyển hộ khẩu và không ở địa phương nhiều năm nhưng đến giờ làm thủ tục sang tên mất rất nhiều thời gian và hồ sơ khá phức tạp. “Tôi không hề biết đến sổ đỏ 2 tên cho đến năm 2014, tôi lên xã hỏi về vấn đề sang tên sổ đỏ thì được cán bộ xã tư vấn. Đến nay thủ tục hồ sơ cơ bản đã hoàn tất nhưng sổ đỏ nhà tôi phải làm sau vì còn nhiều vấn đề cần xem xét”, bà Khôi cho biết.

Bà Hứa Thị Châu Giang, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ tỉnh Thái Nguyên cho biết, thực tế tỷ lệ sổ đỏ có cả tên vợ và chồng ở Thái Nguyên còn khá thấp, đặc biệt ở những vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số. Có nơi tỷ lệ sổ đỏ 2 tên chỉ đạt 5%, do đa số phụ nữ chưa nhận thức được quyền lợi của mình, nhiều người còn tự ti cho rằng chủ hộ bao đời nay là nam giới nên không dám lên tiếng.

Kết quả cuộc khảo sát do Liên minh Đất đai (Landa) thực hiện năm 2014 tại các tỉnh Hòa Bình và Ninh Thuận cho thấy, tỷ lệ GCN có tên phụ nữ là rất thấp. Ví dụ đến năm 2014, tại huyện Tân Lạc và Lạc Sơn của Hòa Bình chỉ có 0.8% và 10% số GCN có cả hai tên vợ và chồng. Theo kết quả khảo sát, có nhiều lý do dẫn đến sự chậm trễ là do người dân thiếu thông tin về vấn đề này, một phần do cơ quan chính quyền địa phương chưa thực hiện nghiêm túc về Luật đất đai trong cấp sổ đỏ 2 tên. Đặc biệt, còn có tình trạng phụ nữ tự ti và rào cản tâm lý nên cảm thấy miễn cưỡng trong việc yêu cầu cấp GCN mới, nhất là phụ nữ là đồng bào dân tộc thiểu số nên đã có những trường hợp, chị em phụ nữ trắng tay sau khi li hôn.

Trước thực tế trên, được sự tài trợ của Quỹ Canada dành cho các sáng kiến địa phương, Trung tâm nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD), Hội Làm vườn Việt Nam đã phối hợp với một số địa phương thực hiện chương trình Nâng cao nhận thức cộng đồng để Bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ trong tiếp cận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn cho biết, trung tâm đã thực hiện nâng cao nhận thức cho cả phụ nữ và nam giới và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện cho người dân được cấp đổi sổ đỏ mới. Hiện dự án đã được thực hiện tại 3 xã: La Bằng, Mỹ Yên, Hoàng Nông (Thái Nguyên) và nhận thức người dân tại 3 xã này đã được cải thiện đáng kể.

Hội thi tìm hiểu về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hai tên tại xã La Bằng (Đại Từ, Thái Nguyên).

Bà Trần Thị Nhung, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã La Bằng chia sẻ, xã có 8 dân tộc gồm: Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Kinh, Ngái, Mường, Cao Lan. Đa số nhận thức của bà con về “sổ đỏ 2 tên” vẫn còn hạn chế. Một số hộ khi chồng mất đi thì khó khăn trong chuyển đổi sổ đỏ cho vợ vì giấy tờ phức tạp hơn. Đồng thời, chị em nông thôn ít biết đến thủ tục hành chính nên khi nói đến giấy tờ rất ngại làm. Thế nhưng đến nay nhận thức của người dân đã nâng cao hơn, tại xã La Bằng, hiện đã có trên 600 hộ gia đình đứng tên cả hai vợ chồng trong Bìa đỏ (chiếm tỷ lệ hơn 60%).

GS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho biết, việc cấp đổi GCN từ 1 tên sang ghi cả tên vợ và chồng là điều đã được quy định ở Luật Đất đai nhưng vẫn nhiều địa phương chưa thực hiện được. Thời gian tới, các địa phương cần có những tuyên truyền sâu rộng hơn để phụ nữ có thể nhận thức rõ về quyền lợi của mình.

Khi muốn đổi GCN cũ chỉ có tên vợ hoặc chồng sang sổ đỏ mới 2 tên, có cả vợ và chồng thì người dân có thể đến UBND xã gặp cán bộ địa chính xã làm thủ tục hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (thuộc UBND cấp huyện). Ngoài các khoản phí chính thức cho việc cấp đổi GCN theo quy định của UBND tỉnh thì người dân đi làm thủ tục cấp đổi GCN không phải trả thêm bất kỳ một loại phụ phí nào.


Thu Trang
Đất chỉ có giấy 'viết tay', thủ tục cấp sổ đỏ thế nào?
Đất chỉ có giấy 'viết tay', thủ tục cấp sổ đỏ thế nào?

Gia đình ông Bùi Văn Thắng (tỉnh Hòa Bình) hiện đang sinh sống trên mảnh đất mua lại của 1 gia đình từ ngày 26/9/1986 đến nay (chỉ có giấy tờ viết tay giữa hai bên) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Thắng hỏi, gia đình ông có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không? Thủ tục như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN