'Sa tặc' lộng hành trên sông Lô

Cát sỏi dưới dòng sông Lô, đoạn chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ đã bị khai thác kiệt quệ. Hầu hết các chủ tàu bắt đầu tấn công vào bờ múc đất nông nghiệp bới tìm cát bất chấp pháp luật, tính mạng và hoa mầu của người dân. Nhiều chủ tầu thuê cả các đối tượng bảo kê tranh giành địa giới trộm cắp cát sỏi, sẵn sàng đánh chém, chống đối, hù dọa người dân gây mất trật tự xã hội.


“Sa tặc” lộng hành


Tuyến sông Lô chạy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ thuộc các huyện Đoan Hùng, Phù Ninh, thành phố Việt Trì, có chiều dài hơn 63 km, là tuyến sông có trữ lượng lớn tài nguyên cát sỏi.


Hiện nay dọc tuyến sông Lô từ địa bàn xã Hữu Đô, Chí Đàm Đoan Hùng đến xã Sông Lô (Việt Trì) có 18 đơn vị được tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác cát sỏi, trong đó có 4 doanh nghiệp đã làm thủ tục đóng cửa mỏ do khai thác hết cát.


Kè chỉnh trị đang bị uy hiếp và có nguy trôi sông do khai thác cát sỏi. Ảnh Tạ Văn Toàn


Theo đánh giá, cát sỏi trên dòng sông Lô có chất lượng tốt, có độ kết dính cao, chỉ tiêu chất lượng đạt yêu cầu mục đích sử dụng nên được thị trường ưa dùng. Mỗi ngày trên tuyến sông này có tới 300-400 tàu, thuyền trọng tải lớn qua lại vận chuyển mua bán cát sỏi...


Bên cạnh đó, địa bàn khai thác cát rộng, các tàu hoạt động di chuyển từ nơi này sang nơi khác nên là địa điểm lý tưởng cho các đối tượng xấu hoạt động, gây rối trật tự xã hội.


Mặc dù đã khai thác hết cát sỏi nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp tiếp tục tận thu, khai thác trái phép cát sỏi ngay dưới trụ cầu, chân kè, múc cả đất nông nghiệp của dân để lấy cát, uy hiếp chân đê, sạt lở bờ sông nghiêm trọng, bất chấp pháp luật, tính mạng và tài sản của dân.


Công ty TNHH THT, được tỉnh Phú Thọ cho phép khai thác với diện 93,29 ha, thuộc khu các xã Vụ Quang, Hùng Long, Phú Thứ, Đại Nghĩa thuộc huyện Đoan Hùng. Mặc dù đã khai thác hết cát sỏi trong địa giới cho phép, bất chấp pháp luật, doanh nghiệp vẫn ngang nhiên cho 4 tàu quốc lao vào bờ đào bới trộm đất nông nghiệp khai thác trái phép cát sỏi bất chấp sự ngăn cản của người dân, uy hiếp chân kè chỉnh trị Quốc gia.


Anh Lê Xuân Thủy, khu 12 xã Đại Nghĩa (Đoan Hùng) cho biết: Công ty TNHH THT đã cho tàu quốc vào múc hết ruộng ngô của gia đình, vợ chồng anh cùng con trai Lê Anh Tiến chạy ra bảo vệ ruộng ngô đã bị chủ tàu lao thẳng vào tấn công khiến cháu Tiến bị gãy xương đùi.


Không dừng lại ở đó, đối tượng côn đồ còn dùng dao chém tới tấp cả hai cha con và vợ anh Thủy khi chị ra can ngăn, khiến cả nhà anh Thủy phải nhập viện. Qua giám định: Anh Thủy bị thương tật 4%, vợ anh 6%, cháu Tiến bị nặng nhất 30%. Đến nay vụ việc vẫn chưa được điều tra làm rõ và trừng trị những đối tượng côn đồ trước pháp luật.


Công ty TNHH Việt Anh đã khai thác hết cát từ lâu, Sở Tài nguyên và Môi trường Phú Thọ đã đình chỉ khai thác từ năm 2011, nhưng doanh nghiệp này vẫn tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp đã mua đất bãi sông, bãi nổi của dân được giao canh tác hoa mầu tiến hành khai thác cát trái phép.


Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nhiều hộ dân tại xã Tử Đà, Tiên Du, Hạ Giáp, Trị Quận (Phù Ninh) đã bán đất bãi trái phép với giá từ 15-20 triệu đồng/sào, có chỗ bán tới 50-60 triệu đồng/sào, nhiều bãi còn được mua bán trao tay tới 4-5 lần.


Không chỉ dừng lại ở việc mua bán đất nông nghiệp để khai thác cát trái phép, nhiều doanh nghiệp đã khai thác tận thu theo kiểu “hủy diệt” dòng sông. Tại các điểm đã khai thác xong và cả những điểm đang khai thác, nhiều mỏ đã khai thác vượt độ sâu tới 20-30 mét, tạo thành những hố sâu “tử thần” để vừa lấy đất bùn bán cho các chủ lò gạch, vừa chờ lũ kéo cát về hố để tận thu, vi phạm cao trình cho phép cả chục lần, làm mực nước sông giảm xuống, biến đổi dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, mất đất canh tác.


“Côn đồ” bảo kê cho chủ tầu


Lợi nhuận mang lại cho mỗi chủ mỏ (thuyền) từ việc khai thác cát sỏi là rất lớn, theo tính toán một mét khối cát khi khai thác lén lút có giá từ 70.000 - 80.000 đồng nhưng khi cập bến, bán ra có thể kiếm gấp 3 - 5 lần. Do vậy, “cát tặc” sẵn sàng tìm mọi cách để nơi khai thác được cát, thậm chí thuê cả các đối tượng có tiền án, tiền sự bảo kê, đánh chém.


Đại tá Hà Minh Tân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Tình trạng lộn xộn trong khai thác cát sỏi trên tuyến sông Lô đang là điểm nóng về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh. Đoạn sông Lô chảy qua địa bàn tỉnh Phú Thọ nằm tiếp giáp với các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang thường xuyên xảy ra tranh chấp khai thác cát giữa các doanh nghiệp.


Lợi dụng chanh chấp, một số doanh nghiệp đã thuê cả số đối tượng hình sự ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Quảng Ninh đến địa bàn chia thành tổ, nhóm để hoạt động. Nhiều chủ tàu đã cấu kết thuê một số đối tượng lên tàu quốc để bảo kê cho tàu khai thác trộm cát sỏi.


Điểm nóng về mất trật tự xã hội là đoạn sông Lô giáp ranh của xã Trị Quận, Phú Mỹ (Phù Ninh) với xã Bạch Lưu, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), ngoài tình trạng sạt lở bờ sông gần chân đê đã trở nên báo động, đây còn là điểm gây mất trật tự xã hội nhất.


Gần đây đã xảy ra vụ tranh chấp cát sỏi giữa hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Thanh Đạt (Phú Thọ) và Công ty TNHH Việt Thắng (Vĩnh Phúc) gây mâu thuẫn nhiều lần. Hai công ty này đã thuê các đối tượng hình sự dùng súng hoa cải và vũ khí thô sơ cố ý gây thương tích làm 4 người bị thương nặng. Hiện Công an huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và Công an huyện Sông Lô đang điều tra làm rõ.


Sáu tháng đầu năm, Phòng Cảnh sát giao thông đường thuỷ Công an tỉnh Phú Thọ đã phát hiện 47 phương tiện khai thác cát trái phép, lập hồ hơ xử lý 44 phương tiện, phạt 325 triệu đồng. Tình trạng khai thác cát sỏi trái phép không chỉ gây mất trật tự xã hội, mà còn thất thu nguồn thuế lớn.


Qua kiểm tra, phần lớn các doanh nghiệp không có hợp đồng thuê mặt nước nhưng vẫn được tỉnh cho phép hoạt động bình thường. Theo quy định của tỉnh, đối với dự án sử dụng mặt nước cố định mức thuê từ 20.000.000 đồng/km2/năm đến 60.000.000 đồng/km2/năm; đối với dự án sử dụng mặt nước không cố định mức giá thuê 60.000.000 đồng/km2/năm đến 150.000.000 đồng/km2/năm. Hiện nhiều doanh nghiệp khai thác cát sỏi trên sông Lô được tỉnh cho phép khai thác cả trăm ha. Như vậy nguồn thuế thất thu từ mặt nước là không hề nhỏ!.


Theo báo cáo của Chi Cục thuế tỉnh Phú Thọ, nguồn thu thuế từ hoạt động khai thác cát sỏi trên sông Lô cả năm 2011 đạt 8,8 tỷ đồng, trong đó mới thu được hơn 7 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2012 thu được 4,5 tỷ đồng. Riêng nguồn thu thuế từ mặt nước đến nay hầu như chưa thu được doanh nghiệp nào.


Hoạt động khai thác cát sỏi trái phép trên sông Lô đã tác động xấu đến môi trường, gây sạt lở bờ sông, mất đất sản xuất, mất trật tự xã hội khiến nhân dân bất bình. Nguyên nhân chủ yếu do các cơ quan chức năng còn sơ hở trong thẩm định hồ sơ khai thác; việc thông báo cấp phép, gia hạn giấy khai thác, tạm dừng không được thực hiện đến chính quyền địa phương có mỏ.


Công tác quản lý buông lỏng, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành còn lỏng lẻo, nhất là sự phối hợp giữa Công an các tỉnh Vĩnh Phúc, Tuyên Quang chưa chặt chẽ thống nhất. Hoạt động bảo kê của các đối tượng hình sự ngày càng phức tạp. Việc xác định ranh giới giữa các tỉnh không rõ ràng, mỗi tỉnh có biện pháp quản lý riêng, do vậy các đối tượng xấu dễ lợi dụng hoạt động trái phép…


Ông Hoàng Dân Mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết: Để chấn chỉnh lại tình trạng khai thác cát sỏi lộn xộn hiện nay trên tuyến sông Lô, ngay trong thời gian tới tỉnh Phú Thọ sẽ rà soát lại chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về khai thác khoáng sản nói chung, cát sỏi sông Lô nói riêng của các ngành, các cấp để thực hiện lại quy trình cấp phép, gia hạn giấy phép khai thác; khâu nào, thủ tục nào thiếu, doanh nghiệp phải bổ sung, hoàn thiện cho đủ. Từ đó, đối chiếu với hoạt động khai thác của doanh nghiệp đang hoạt động, làm căn cứ xử lý vi phạm, truy thu thuế, phí.


Tỉnh Phú Thọ sẽ kiên quyết thu hồi giấy phép nếu doanh nghiệp vi phạm cam kết, hoạt động sai quy định. Khẩn trương hoàn thiện việc đánh giá trữ lượng nguồn cát sỏi sông Lô để quản lý theo hướng đấu thầu khai thác mỏ, hạn chế vi phạm pháp luật, thất thu ngân sách.


Các địa phương dọc tuyến sông Lô đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân và nghiêm cấm việc tự ý bán đất bãi ven sông phục vụ nhu cầu khai thác cát sỏi. Các ngành công an, giao thông, quản lý đường sông… phối hợp với các địa phương và tỉnh bạn có biện pháp lập lại trật tự trị an, kiên quyết xử lý các hiện tượng bảo kê, gây rối, vi phạm an toàn giao thông, nhanh chóng lập lại trật tự kinh doanh, khai thác cát sỏi trên sông Lô.



Lâm Đào An

Khai thác cát xâm hại cầu Giang Sơn - Đắk Lắk

Nạn khai thác cát xây dựng bừa bãi đang diễn ra trên các dòng sông Krông Ana, Sêrêpốk, Krông Nô, Ea H’Leo... của tỉnh Đắk Lắk, khiến cho diện tích đất canh tác, hoa màu, nhà cửa của đồng bào các dân tộc ở ven sông ngày càng bị xâm thực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN