Rừng phòng hộ đầu nguồn Khẩu Cắm bị “xẻ thịt”

Thời gian gần đây, tại rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc bản Khẩu Cắm, xã Mường Phăng, huyện Điện Biên xảy ra tình trạng lâm tặc ngang nhiên vào rừng lựa chọn cây to, đốn hạ. Điều lạ là, khi rừng ở bản Khẩu Cắm bị triệt hạ thì các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng “cắm” xã vẫn không hề hay biết.

 

“Tọa độ” nóng


Là 1 trong 47 thôn, bản của xã với 31 hộ dân tộc Thái sinh sống, bản Khẩu Cắm chỉ cách trung tâm xã chừng 4 km, nhưng để đến được cánh rừng phía sau lưng của bản Khẩu Cắm, chúng tôi phải mất gần nửa giờ đồng hồ vượt hành trình cả cây số qua những sống trâu, ổ gà, những vũng bùn lầy lội bằng xe máy. Vất vả vượt qua con dốc cuối cùng phía cuối bản, lối mòn lên núi trở nên hẹp dần và trơn trượt như đổ mỡ... chúng tôi đành phải giấu xe máy trong một bụi rậm rồi đi bộ, luồn lách rừng để vào sâu đại ngàn. Con đường mòn dẫn sâu vào rừng dần xuất hiện những dấu chân hằn sâu dưới bùn đất, những đường rãnh sâu trên, dưới 10 cm, dài hàng mét. Chúng tôi biết mình đã lạc vào “tọa độ nóng” mà lâm tặc đã “xẻ thịt” trong những ngày qua.


 

Một cây to đã bị lâm tặc chặt phá.

 

Điểm đầu tiên chúng tôi mục kích là một khoảng rừng rộng chừng 30 m2 đã bị cày xới, xáo trộn. Cây cối ngả nghiêng, thân, cành lớn bé gãy gục. Tại đây đã có 3 cây, đường kính gốc chừng 25 đến 30 cm bị cưa hạ, mủ và nhựa ứa ra nơi vết cưa trên các gốc cây vẫn còn đỏ au hoặc tím tái. Vỏ cây, tàn cưa, cành lá, nhiều tấm ván vỏ - những sản phẩm sau quá trình hạ cây, cắt xẻ, sơ chế gỗ thành phẩm của lâm tặc vung vãi, ngổn ngang khắp nơi. Cách đó chừng 20 m, giữa khoảng rừng trống, chúng tôi dễ dàng nhận ra một cây to có chu vi một người ôm đã bị cưa hạ. Điểm cưa cách mặt đất gần 1m, nơi vết cưa đang ứa nhựa, đỏ đòng đọc, có mùi thơm như nhựa thông. Tuy nhiên, phần thân cây đã bị tẩu tán, phần cành, ngọn đang nằm lại kềnh càng bên cạnh gốc.


Tiếp tục đi sâu vào vùng lõi của rừng, để tránh bị "lâm tặc" phát hiện, chúng tôi phải bám chặt vào những loại dây leo, men theo triền núi dốc để mục kích cảnh cây rừng bị triệt hạ. Trên đường đi, cứ khoảng chừng 20 đến 30 m, chúng tôi lại bắt gặp một, hai gốc cây đã bị cưa hạ, vết cắt sắc lẹm... Xung quanh là những lớp mùn cưa dày 4 đến 5 cm, ngổn ngang những tấm ván vỏ, cành, lá. Cả những tấm ván vuông thành, sắc cạnh dày gần 10 cm, rộng 20 đến 25 cm, dài trên 2 m minh chứng cho việc “xẻ thịt” rừng có chọn lọc, rất quy mô và quy trình đốn hạ, cưa xẻ rất hiện đại của lâm tặc cũng có thể dễ dàng nhận ra.


Sau gần 3 tiếng đồng hồ vượt hàng trăm mét chiều dài trong cánh rừng, chúng tôi đã tiếp cận được gần 10 điểm có cây rừng bị triệt hạ. Điểm cuối cùng có diện tích khoảng 300 m2 là cảnh rừng tan hoang, ngổn ngang cành, thân cây bị gẫy, đổ; gỗ khúc, ván thưng, vỏ cây bày la liệt. Trong số 4 cây bị cưa hạ, gốc cây to nhất có có chu vi một người ôm không xuể. Sơ bộ cuộc khảo sát này của phóng viên, đã có gần 30 cây gỗ bị triệt hạ, vô số những cây gỗ kích thước lớn, bé khác nhau bị gãy thân, bật gốc do cây rừng lâm tặc đốn hạ gây nên.

 

Chính quyền địa phương nói gì?


Rời cánh rừng sau lưng bản Khẩu Cắm, chúng tôi đã tiếp cận nhà ông Lò Văn Tun (người vừa thôi chức trưởng bản mấy tháng trước). Dưới gầm sàn nhà ông Tun hiện có dựng 13 tấm gỗ (kích thước dài khoảng trên 2 m, rộng trên 20 cm, dày chừng 5 cm). Ông Tun cho biết, số gỗ này ông vừa thuê người trong bản xẻ bằng cưa máy từ 1 cây to ở rừng bản Khẩu Cắm. Khi được hỏi việc “khai thác” gỗ rừng như thế, UBND xã có biết hay không, ông Tun cho biết là ông chỉ “tận thu” những cây gỗ lớn bị đổ trong rừng, thuê cưa xẻ để đem về sửa nhà. Nếu không lấy về thì cây cũng bị mục, hư hỏng. Việc tận thu gỗ rừng, ông cũng đã “đóng góp” một vài trăm ngàn đồng cho đội bảo vệ của bản.


Ngày 12/9, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Lò Văn Tinh, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng. Tại buổi làm việc này, ông Tinh nhận định: “Từ sau vụ phá rừng xảy ra vào tháng 4/2012 ở đỉnh Pú Tó Cọ, cho đến giờ phút này tôi thấy tình trạng phá rừng trên địa bàn giảm rất đáng kể, hình như là không còn”. Trước câu hỏi có hay không tình trạng rừng ở bản Khẩu Cắm bị “xẻ thịt”, ông Tinh trả lời: “Riêng tình trạng khai thác rừng trái phép ở bản Khẩu Cắm, hiện chưa có báo cáo, chưa có văn bản nào và cũng chưa có thông tin nào phản ánh về tình trạng rừng ở Khẩu Cắm bị khai thác trái phép”.

 

Ông chủ tịch xã còn khẳng định: “Khẩu Cắm làm gì có rừng quan trọng, nếu mà là rừng thì chỉ có tre nứa thôi, chứ làm gì có rừng. Khẩu Cắm cách Khu hầm Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ gần 2 km, làm sao gần thế mà tôi không biết, cái đó là thông tin không chính xác, hoàn toàn không có phá rừng ở bản Khẩu Cắm”. Cũng theo ông Tinh thì từ đầu năm đến nay, tại khu vực bản Khẩu Cắm, chỉ duy nhất một trường hợp bảo lâm xã phát hiện một hộ gia đình vận chuyển một khúc gỗ trẩu trái phép (không đủ thủ tục, giấy tờ hợp pháp) nên đã bị lực lượng chuyên môn tịch thu và xử lý.


Ông Tinh cho biết thêm: “UBND các xã đều ký cam kết với UBND huyện và tất cả 47 thôn, bản của xã đều ký cam kết với UBND xã về công tác bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng. Do vậy, nếu có vấn đề gì xảy ra, thì trước hết chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm với chủ tịch UBND huyện”.


Cũng cùng ngày, qua điện thoại, khi chúng tôi hỏi cán bộ bảo lâm xã Lò Văn Đôi về tình hình phá rừng ở bản Khẩu Cắm, xã Mường Phăng thì cán bộ này phủ nhận: “Không có đâu, làm gì có, hoàn toàn không có”(?).


Chiều 13/9, tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Khiên, Chi cục phó Chi cục kiểm lâm tỉnh, quyền Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên, cho biết, vụ việc rừng phòng hộ đầu nguồn ở Khẩu Cắm, xã Mường Phăng “anh em” cũng đã báo cáo. Qua rà soát, kiểm đếm đã có 16 cây gỗ, đường kính gốc dao động từ 25 cm đến 35 cm, mọc suốt chiều dài dọc theo khe Huổi Cắm bị lâm tặc triệt hạ. Trong đó đa phần là những cây gỗ ngứa, thuộc khoảnh 4, tiểu khu 707. Ở khoảnh 8, tiểu khu 709 thì 10 cây thông có độ tuổi gần 20 năm (trồng từ năm 1996) cũng bị lâm tặc “tận diệt”. Chỉ duy nhất 1 cây thông vẫn nằm lại hiện trường, còn lại, phần thân của 25 cây gỗ bị lâm tặc cưa hạ đều đã bị tẩu tán ra khỏi rừng.


Ông Khiên cho biết: “Chúng tôi đang cho xác minh, vận động quần chúng nhân dân tố giác đối tượng có hành vi vi phạm. Chúng tôi sẽ làm rõ vụ việc, tùy theo tính chất, mức độ để xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Khẩu Cắm là rừng phòng hộ đầu nguồn nên chế tài rất nghiêm minh”.


Cái khó trong công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Mường Phăng hiện nay là số lượng công chức ngành để tham mưu cho chủ tịch UBND về trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp trên địa bàn, đồng thời quản lý, nắm bắt tình hình của 5.000 ha rừng với 2 người là quá... mỏng. Phải có ít nhất 4 cán bộ mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc.


Ông Khiên cho biết, theo Nghị định 163 của Chính phủ, hiện rừng ở xã Mường Phăng đã giao cho hơn 900 cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng và một số tổ chức, các đối tượng được giao đất đã có bìa đỏ. Tuy nhiên, điều bất cập giữa việc giao sổ đỏ cho người dân với thực tế thực địa ở rừng thì hoàn toàn không rõ ràng. Trên sổ sách thì rừng có chủ, nhưng chủ rừng không biết được rừng của mình ở đâu, đến đâu nên không thực hiện được trách nhiệm của mình trên diện tích rừng được giao. Đó là những “rào cản” làm vướng công tác bảo vệ rừng ở địa bàn xã này.


Bài và ảnh: Xuân Tiến

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN