Quảng Ninh quyết liệt chống “du lịch mật gấu”

UBND tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện quyết tâm giữ hình ảnh một điểm du lịch thân thiện với môi trường thông qua văn bản chỉ đạo các ban ngành hữu quan lập chuyên án, điều tra và xử lý nghiêm các trang trại nuôi gấu cũng như những doanh nghiệp du lịch lữ hành cố tình đưa đón du khách tham quan các điểm nuôi nhốt, chích mật gấu trên địa bàn tỉnh.

Có động thái trên bởi địa phương này đã nhận được tổng hợp thông tin sau thời gian điều tra của Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) về tình trạng một số trại gấu tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vẫn ngang nhiên tiếp đón khách du lịch.

Hoạt động tinh vi

Quảng Ninh, bên cạnh danh tiếng là nơi sở hữu kỳ quan thiên nhiên kỳ ảo vịnh Hạ Long, từ lâu còn được du khách nước ngoài, nhất là du khách châu Á (chủ yếu là Hàn Quốc) rỉ tai nhau về các tour du lịch tới thăm, chứng kiến việc chích hút mật gấu và sau đó là mua mật gấu mang về Hàn Quốc. Hoạt động này vi phạm pháp luật của Việt Nam về bảo vệ các loài động vật hoang dã và luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước về Buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (Công ước CITES).

Bất chấp hàng loạt nỗ lực từ nhiều năm nay của các cơ quan chức năng và các tổ chức bảo tồn, một số trại gấu tại Hạ Long hiện vẫn ngang nhiên tiếp đón khách du lịch Hàn Quốc tới trang trại của mình. Theo điều tra của ENV, các trang trại này hoạt động hết sức tinh vi. Tất cả khách du lịch Hàn Quốc có nhu cầu “tham quan” trại gấu đều được theo dõi, giám sát (với bảng họ tên đầy đủ) từ Hàn Quốc. Do đó, ngay cả người Hàn Quốc nhưng đang sinh sống ở Việt Nam muốn vào các trang trại này cũng không có cơ hội.

Ngay trên các xe chở khách du lịch, lái xe và hướng dẫn viên cũng đều là người Hàn Quốc, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt. Việc “du khách hóa mọi khách tham quan” không nằm ngoài mục đích giữ bí mật cho các hành vi sẽ diễn ra tại các trang trại này. Hầu hết các nhà dân, hàng quán xung quanh các trang trại gấu đều trở thành “tai, mắt" cảnh giác cho các trại gấu.

Chưa nói tới hành vi chích hút mật gấu và buôn bán các bộ phận cơ thể của gấu cũng như các động vật hoang dã khác, chỉ nội hành vi đưa đón khách du lịch tới các địa chỉ trên đã vi phạm trực tiếp các quy định của pháp luật, mà rõ ràng nhất là của ngành Du lịch. Cụ thể là công văn 210/TCDL - LH ngày 11/3/2010 của Tổng cục Du lịch, công văn 282/SVHTTDL - TTr của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ninh về việc nghiêm cấm các hoạt động đưa đón khách du lịch tới các cơ sở có nuôi nhốt gấu. Không những vậy, hành vi này còn gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh một điểm du lịch tầm cỡ hàng đầu thế giới.

Cần giải pháp triệt để

Sau thời gian điều tra thực địa, ngày 23/12/2011, Trung tâm giáo dục thiên nhiên trực thuộc Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng du lịch trại gấu tại Hạ Long.

Ngày 30/12/2011, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng TP Hạ Long, lập chuyên án kiểm tra, bắt giữ và có biện pháp xử lý nghiêm, đúng các quy định hiện hành đối với các đơn vị lữ hành cũng như các trang trại nuôi gấu đã vi phạm trong việc đưa đón khách du lịch vào các trại nuôi gấu trên địa bàn thành phố.

UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh về việc không tổ chức các tour du lịch tới tham quan các điểm nuôi, nhốt, chích mật gấu trên địa bàn tỉnh (đã ban hành từ 9/3/2011), báo cáo kết quả xử lý về UBND tỉnh trong tháng 1/2012.

Động thái quyết liệt của UBNB tỉnh Quảng Ninh thể hiện sự quyết tâm của địa phương trong việc chấm dứt hoàn toàn và triệt để “điểm đen” không đáng có giữa trung tâm du lịch hàng đầu Việt Nam và thế giới này.

Tuy nhiên, điều mà Trung tâm giáo dục thiên nhiên cũng như nhiều tổ chức bảo tồn động vật hoang dã tại nước ta hiện nay đang mong đợi là cần có những quyết sách quyết liệt hơn nữa, từ Trung ương tới các địa phương, về việc chấm dứt hoạt động của các trang trại nuôi nhốt động vật hoang dã, bởi thực tế hầu như không có sự tách bạch giữa mục đích bảo tồn động vật quý hiếm, với việc kinh doanh trên cơ thể, trên sự đau đớn và trên sự sống còn của các loài động vật hoang dã.

Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN