PVN xử lý xong tồn tại theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã và đang tập trung rà soát, kiểm điểm trách nhiệm và khắc phục các tồn tại, khuyết điểm theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý sau thanh tra tại PVN và kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại PVN. Hiện PVN đã cơ bản xử lý xong các tồn tại theo 9 kết luận và kiến nghị của TTCP.

Đây là thông tin được Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Phùng Đình Thực khẳng định tại giao ban trực tuyến của Tập đoàn này vào sáng 9/4.

Trả lời báo chí một số nội dung chủ yếu xung quanh kết luận của TTCP, ông Thực cho biết: Trong tổng số 1.922 tỷ đồng thu được từ cổ phần hóa các đơn vị thành viên của PVN chậm nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo kiến nghị của TTCP, đến thời điểm này, Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV Gas) đã hoàn thành nộp số tiền 1.903 tỷ đồng vào Quỹ, chiếm 99,43%. PVN sẽ tiếp tục đôn đốc yêu cầu Tổng Công ty Máy và Phụ tùng, Công ty Cổ phần Hóa Dầu Dầu khí nộp nốt số tiền còn lại vào Quỹ.

Về việc PVN ứng 622,2 tỷ đồng vốn cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang để xây dựng các công trình không phải công trình dầu khí, ông Thực khẳng định: Việc ứng trước vốn cho các địa phương, ngành thực hiện các hạng mục con trình ngoài hàng rào và công trình gắn với các dự án đầu tư của PVN (khi chưa có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho các dự án triển khai đúng tiến độ. Một số dự án tương tự đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép PVN ứng vốn trước cho các địa phương. Tuy nhiên, PVN sẽ ký Biên bản thỏa thuận với UBND tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình về việc hoàn trả tạm ứng của hai dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 và Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Vũng Áng (Hà Tĩnh) và Trung tâm Điện lực (TTĐL) Quảng Trạch (Quảng Bình). Số tiền PVN ứng trước cho tỉnh Sóc Trăng sẽ được khấu trừ vào tiền thuê đất hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất sau này của dự án TTĐL Long Phú-Giai đoạn 1. PVN cũng làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang để hoàn tất công tác đền bù giải phóng mặt bằng và quyết toán chi phí của dự án TTĐL Sông Hậu 1.



Hệ thống bồn chứa, đường ống dẫn gas của PV Gas. Ảnh: Hà Thái - TTXVN



Giải thích với báo chí về các gói thầu chỉ định thầu chưa đúng quy định cho các đơn vị không phải là thành viên của PVN theo kiến nghị của TTCP, Phó Tổng Giám đốc PVN Phạm Thu Hà cho biết: Các gói thầu được chỉ định cho những đơn vị không thuộc PVN đều là các gói thầu đặc biệt, mang tính chuyên ngành như cắm mốc ranh giới trong giải phóng mặt bằng, khảo sát biển, thẩm tra thiết kế dự án. Hơn nữa, việc chỉ định thầu này được thực hiện trên cơ sở Công văn 2006/VPCP-KTN ngày 29/3/2010, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Hội đồng Thành viên chủ động quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu. Mặt khác, việc chỉ định thầu đều do yêu cầu cấp bách về tiến độ của dự án, yêu cầu về giao diện giữa các hạng mục thuộc dự án và dựa trên kết quả đã được lựa chọn ở các dự án tương tự. Đặc biệt, việc chỉ định các gói thầu này không chỉ giúp đẩy nhanh tiến độ dự án, mà còn tiết giảm được hàng triệu USD và hàng tỷ đồng chi phí so với dự toán được phê duyệt. Hiện các gói thầu nêu tại kết luận của Thanh tra Chính phủ ngày 18/1/2012 đã hoàn thành, đáp ứng tốt chất lượng và đưa vào đúng tiến độ, góp phần vào hiệu quả chung của dự án. Sau kết luận của TTCP, PVN cũng đã chấn chỉnh hoạt động đấu thầu trong toàn ngành, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu không thuộc đối tượng được phép theo quy định nhằm nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, bà Hà nhấn mạnh.

Tại buổi họp báo, Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: Kết luận của TTCP số 124/KL-TTCP ngày 18/1/2012 là kết luận công bằng, trung thực và thẳng thắn; trong đó nêu bật được vai trò “đầu sóng ngọn gió” và các đóng góp to lớn của PVN trong sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền Việt Nam cũng như những hạn chế, khuyết điểm của PVN trong hoạt động sản xuất. Văn bản kết luận của TTCP sẽ là cơ sở để Đảng bộ PVN rà soát lại tất cả các hoạt động, từ đó quy ra trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Để dư luận trong và ngoài nước hiểu đúng bản chất sự việc, ông Kỷ đề nghị TTCP và PVN cung cấp đầy đủ các văn bản kết luận và giải trình chính thức của Tập đoàn (những nội dung không liên quan đến vấn đề thuộc bí mật quốc gia) cho các cơ quan báo chí để đưa tin công bằng và khách quan. “Không ai có thể bao che, bênh vực các khuyết điểm, vi phạm của PVN... Tới đây, kết quả rà soát, kiểm tra mà phát hiện ra những sai phạm của Chủ tịch PVN trước đây là ông Đinh La Thăng thì các cơ quan chức năng cũng không thể bỏ qua”, ông Kỷ nhấn mạnh.

Nguyễn Kim Anh
PVN tập trung vào 4 lĩnh vực mũi nhọn để phát triển bền vững
PVN tập trung vào 4 lĩnh vực mũi nhọn để phát triển bền vững

Bên lề hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện sắp xếp đổi mới doanh nghiệp và 5 năm triển khai mô hình Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), phóng viên Tin Tức đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc, Phó Trưởng Ban sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp của PVN Nguyễn Tiến Dũng...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN