Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế - Bài 2

Hàng nghìn vụ vi phạm bị xử lý hành chính, hàng trăm vụ bị xử lý hình sự, Nhà nước thu hồi cả ngàn tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm. Nhưng vì sao hoạt động tội phạm trong lĩnh vực thuế không giảm mà gia tăng với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, tác động xấu đến nền kinh tế và ảnh hưởng đến chính trị-xã hội?

BÀI 2: NHỮNG "LỖ HỔNG" ĐÁNG NGẠI

3 ngày thành chủ doanh nghiệp

Tiếp cận tài liệu của hai ngành Thuế - Công an Hà Nội về xử lý vi phạm pháp luật về thuế mới thấy thực trạng vi phạm đáng ngại. Các đối tượng tìm mọi cách "tấn công" những sơ hở trong cơ chế thông thoáng của Nhà nước nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh.

Điển hình “lỗ hổng” là việc quản lý doanh nghiệp. Theo quy định, việc lập doanh nghiệp phải qua khá nhiều khâu quản lý hành chính Nhà nước. Trước tiên, phải được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp, sau đó khai báo thành lập công ty rồi đăng ký mã số thuế. Cơ quan thuế phải có giải pháp, phải thẩm tra cấp mã số thuế, hàng tháng kiểm soát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp...

Ngành Hải quan tăng cường kiểm soát trên hệ thống thông quan tự động. Ảnh: TTXVN


Quy trình tưởng chặt chẽ như vậy nhưng thực tế đã bị "vô hiệu hóa". Các đối tượng “dựng” những trường hợp không đủ tư cách lên làm chủ doanh nghiệp, giám đốc “giấy”; hoặc những trường hợp cả nhà làm giám đốc doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp "ma" đã được cấp phép thì lợi dụng Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc in, phát hành, sử dụng, quản lý hóa đơn quy định: “Doanh nghiệp được trao quyền tự chủ trong việc đặt in hóa đơn, tự in hóa đơn; cho phép doanh nghiệp được tự in hóa đơn trực tiếp từ phần mềm máy tính; bổ sung hình thức hóa đơn điện tử…” đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp "ma" lộng hành.

Một cán bộ Thanh tra Chính phủ bộc bạch, từ 1/1/2015, Sở Kế hoạch Đầu tư phối hợp với Cục Thuế Hà Nội giải quyết hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp rút ngắn còn 3 ngày, cấp giấy chứng nhận trong 5 ngày làm việc. Thông thoáng cho doanh nghiệp nhưng như thế có kiểm soát chặt chẽ không hay tạo thêm những sơ hở? “Một trong những sơ hở ở đây là khi làm việc ở bộ phận một cửa của Sở Kế hoạch Đầu tư, những người thực sự có nhu cầu hoạt động kinh doanh không nhất thiết phải đến, chỉ cần chứng minh thư photo, công chứng, lấy tờ khai, chuyển đến bộ phận này cấp giấy phép thành lập công ty. Sau đó, từ giấy phép kinh doanh do cơ quan cấp phép chuyển đến đơn vị thuế trên địa bàn hoạt động xin mã số thuế là xong”, cán bộ này cho hay.

Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội Hoàng Kim Cảnh cũng nhận thấy những khó khăn, thời gian qua đã xuất hiện thủ đoạn tội phạm mới; đối tượng sử dụng chứng minh thư nhân dân bị mất, chứng minh thư nhân dân giả hoặc chứng minh thư nhân dân cũ ở các tỉnh khác chưa bị thu hồi.... để thành lập doanh nghiệp với mục đích sử dụng trái phép hóa đơn. Do chưa có biện pháp phòng ngừa cụ thể đối với thủ đoạn này nên cơ quan thuế gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm.

Doanh nghiệp "ma" trục lợi

Theo số liệu của Công an thành phố Hà Nội, năm 2013, Cơ quan công an phát hiện 7.432 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, năm 2014 tiếp tục có đến 8.150 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, trong 4 tháng năm 2015 có đến 1.591 doanh nghiệp bỏ kinh doanh.

Đánh giá vấn đề này, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46), Công an thành phố Hà Nội cho hay, những doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh này có dấu hiệu là doanh nghiệp “ma” với quy trình thành lập, mua hóa đơn, in hóa đơn xong là bán và cuối cùng chấm dứt hoạt động. Đáng lo ngại, tội phạm này không giảm mà có xu hướng gia tăng với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây thất thu lớn cho ngân sách Nhà nước, tác động tiêu cực đến kinh tế, chính trị, xã hội.

“Nếu trước đây, các đối tượng thường bán hóa đơn trị giá dưới 20 triệu đồng để không phải chịu trách nhiệm qua ngân hàng thì hiện có những nhóm đối tượng lại tổ chức bán hóa đơn với số lượng tiền lớn và có hoạt động chuyển tiền chính thức qua ngân hàng tạo thành bộ hồ sơ chứng từ đẹp, hợp pháp. Điển hình là vụ Nguyễn Trường cùng đồng bọn tổ chức trên 14 doanh nghiệp ma bán hóa đơn cho hơn 2000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khi bị cơ quan công an phát hiện, tất cả tài sản thông qua ngân hàng để chúng rút tiền và để hợp pháp hóa các hồ sơ chứng từ lên đến trên 5000 tỷ đồng. Quá trình khám xét, chúng tôi còn thu được 1500 các loại quyển hóa đơn chưa sử dụng đến”, Đại tá Hùng cho hay.

Thành lập doanh nghiệp "ma" để mua bán hóa đơn VAT nhằm chiếm đoạt tiền ngân sách chỉ là một trong những vi phạm. Trong 10 sắc thuế Nhà nước ban hành, một nửa số này bị các đối tượng tội phạm lợi dụng nhiều nhất, là thuế Giá trị gia tăng, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Xuất nhập khẩu và thuế Nhà đất. Con số 2.379 vụ việc vi phạm liên quan đến lĩnh vực thuế bị hai cơ quan Công an thành phố và Cục Thuế Hà Nội phát hiện, điều tra, xử lý trong thời gian qua cho thấy điều đó.

Một cán bộ công tác lâu năm trong Tổng cục Thuế bày tỏ lo ngại, tội phạm thuế có nhiều thủ đoạn mới "móc túi" Nhà nước như: gian lận hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; gian lận thuế trong các ngành kinh doanh bảo hiểm thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh internet, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể, thuế Xuất nhập khẩu, tội phạm thường dùng mánh "down" giá hàng hóa nhập khẩu, nghĩa là ghi giá trong hợp đồng thấp hơn giá trị thực tế, khai sai chủng loại hàng hóa, từ hàng giá trị cao, đời mới thành hàng giá trị thấp, đời cũ, biến hàng mới 100% thành hàng đã qua sử dụng, lợi dụng chế độ ưu đãi để nhập khẩu thêm nhiều hàng hóa…

"Nhưng đáng báo động là nạn chuyển giá, báo lỗ giả nhằm trốn thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân của các doanh nghiệp FDI. Đến thời điểm này, Hà Nội có khoảng 11 vạn doanh nghiệp; trong đó, hàng nghìn doanh nghiệp FDI và không ít trong số này chuyên lách luật, tìm kẽ hở để vô hiệu hóa các chính sách. Bài học vừa qua về những sai phạm thuế tại Công ty TNHH Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) cho thấy ngân sách nhà nước đã thất thu không nhỏ", cán bộ thuế này nói.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho biết: "Đang có quá nhiều sơ hở, thiếu sót trong quản lý doanh nghiệp. Cơ chế của chúng ta ngày càng thông thoáng, giao hết quyền cho doanh nghiệp nên công tác kiểm soát gặp khó khăn. Tôi nghĩ rằng đã đến lúc hệ thống pháp luật cần có những quy định cho hoạt động này trong tình hình mới", ông Hùng nói.

(còn tiếp)

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế - Bài 1
Phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế - Bài 1

Chưa bao giờ tình trạng doanh nghiệp sử dụng mọi thủ đoạn để lách thuế, trốn thuế, chiếm dụng vốn Nhà nước lại diễn biến phức tạp như hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN