"Những dự án lãng phí bạc tỉ": Đâu là sự thật?

Những ngày qua trên các phương tiện thông tin đại chúng rộ lên thông tin về "Những dự án lãng phí bạc tỉ" ở Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế). Phóng viên TTXVN tại Thừa Thiên - Huế đã gặp, trao đổi với ông Phan Thanh Hải (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế (Trung tâm BTDTCĐ Huế) để tìm hiểu về vấn đề này.

Với tư cách là người trong cuộc, ông có ý kiến gì về thông tin những dự án lãng phí bạc tỉ trong việc phục dựng, trùng tu lễ hội, di tích ở Cố đô Huế?

Đầu tiên xin nói về dự án mua voi ở Tây Nguyên. Đầu năm 2004, theo chủ trương của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế (gọi tắt là Trung tâm) đã tiếp xúc, đàm phán và mua thành công 4 chú voi từ tỉnh Đắk Lắk về với mục đích nuôi dưỡng lâu dài, phục vụ cho các kỳ Festival Huế và phát triển dịch vụ du lịch. Sở dĩ có chủ trương này là vì tỉnh đã cân nhắc rất kỹ đến việc đầu tư lâu dài cho sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch dịch vụ như là một mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong thời điểm mỗi lần mượn voi từ Tây Nguyên hoặc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam về phục vụ lễ hội thì chỉ tính riêng chi phí thuê mượn 2 chú voi trong 10 ngày đã tiêu tốn khoảng 220 triệu đồng. Vả lại việc vận chuyển voi thường xuyên trong điều kiện thời tiết mùa hè không phải là điều đơn giản. Xuất phát từ tình hình đó, tỉnh đã mua 4 chú voi (Thong Rang, Y Trang, Y Then và Y Khun) từ Tây Nguyên đưa về Huế với giá 362 triệu đồng. Riêng nguồn thu từ dịch vụ voi của Trung tâm từ năm 2005 đến nay đã đạt trên 1 tỷ đồng (1.006.110.000 đồng). Như vậy, ngoài việc chủ động phục vụ cho lễ hội, đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Việc mua voi để phục vụ lễ hội và phát triển dịch vụ du lịch không phải là một thương vụ thất bại và tiêu tốn bạc tỷ như thông tin đã nêu.

Còn đối với các dự án trùng tu lăng Gia Long, và việc đóng, cũng như sử dụng thuyền cung đình Long Quang thì thế nào, thưa ông?

Từ năm 2002, dự án "Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo quần thể di tích lăng Gia Long" bắt đầu được triển khai theo Quyết định số 3964/QĐ-BVHTT ngày 22/11/2002 của Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Dự án được xác định tổng mức đầu tư là 59,8 tỷ đồng dành cho hơn 50 hạng mục công trình thuộc 7 khu lăng mộ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. Việc nghiên cứu và triển khai dự án được tiến hành rất cẩn trọng, công phu. Ngay cả việc khơi lại dòng chảy của suối Kim Ngọc cũng phải vừa tính đến các yếu tố phong thủy, vừa đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư và những vùng đất canh tác lân cận mà nguyên xưa không có. Có thể khẳng định, các công trình kiến trúc thuộc khu vực lăng đã được tiến hành trùng tu phục hồi một cách bài bản, đúng quy chuẩn. Hệ thống hạ tầng được thiết kế và thi công đảm bảo chất lượng. Tháng 3/2006, phần hạ tầng hoàn thành, được nghiệm thu và đưa vào sử dụng đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện môi trường khu di tích và đời sống dân sinh quanh khu vực lăng Gia Long (chủ yếu là nhân dân thôn Định Môn, xã Hương Thọ). Tuy nhiên, cơn bão lớn Xangsane đổ bộ vào miền Trung trong 2 ngày 1-2/10/2006 gây ra lũ quét trên sông Hương đã gây sạt lở nhiều đoạn mái taluy hai bên suối Kim Ngọc, cuốn trôi toàn bộ đất đá và bờ kè hai bên Bến Lăng. Sau bão, Trung tâm đã cùng đơn vị thi công (Phân viện Khoa học Công nghệ Xây dựng Miền Trung) và Công ty CP Bảo hiểm Nhà Rồng - Hà Nội tiến hành khảo sát hiện trường, xác định tổng mức thiệt hại là 304 triệu đồng (biên bản xác lập ngày 14/10/2006). Riêng hệ thống đường vào lăng và hệ thống chiếu sáng đến nay vẫn hoạt động bình thường (riêng hệ thống bóng đèn do sử dụng từ năm 2006 đến nay có bị cháy, vỡ khoảng 10 bóng/tổng số 76 cột đèn), các phương tiện cơ giới có thể ra vào khu lăng một cách dễ dàng ngay cả trong mùa mưa.

Hiện nay, giai đoạn 2 của dự án đang được thực hiện ở những công việc cuối. Các công trình kiến trúc chính của lăng Thiên Thọ như nhà Tả, Hữu Vu, Tam quan khu vực tẩm thờ, sân chầu, lăng mộ, nhà bia… đã được trùng tu hoàn nguyên. Chất lượng trùng tu đã được các chuyên gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chuyên gia của UNESCO kiểm định và đánh giá cao. Trong hai năm qua, Trung tâm đã và đang phối hợp với Viện Di sản Thế giới thuộc Đại học Waseda (Nhật Bản) nghiên cứu để đưa ra giải pháp thích hợp nhằm vừa bảo tồn được các yếu tố phong thủy nguyên gốc của lăng Gia Long, vừa góp phần cải thiện môi trường tự nhiên và tạo điều kiện cho cuộc sống của cư dân địa phương. Dự kiến, các giải pháp sẽ được áp dụng một cách đồng bộ khi giai đoạn 3 của dự án được triển khai (với nội dung tu bổ 6 khu lăng còn lại và tôn tạo cảnh quan môi trường thiên nhiên tổng thể). Như vậy, có thể khẳng định, dự án trùng tu bảo tồn quần thể di tích lăng Gia Long là một dự án bảo tồn di sản được tiến hành bài bản và bước đầu đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực.

Riêng đối với việc đóng và sử dụng thuyền cung đình Long Quang: Thuyền Long Quang được Trung tâm đầu tư nghiên cứu và xây dựng bản thiết kế phục hồi thích nghi dựa trên cơ sở thuyền ngự Tế Thông của triều Nguyễn (chứ không phải thuyền Yến Như). Việc phục hồi thành công chiếc thuyền này (với tổng vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng) có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi nó mở ra khả năng phục hồi lại hệ thống thuyền gỗ truyền thống của Huế, phục vụ cho mục tiêu bảo tồn văn hóa truyền thống Huế và phát triển du lịch. Ngay sau khi hạ thủy và đưa về Huế, thuyền Long Quang đã đóng vai trò quan trọng trong việc làm nên thành công của lễ hội Huyền thoại sông Hương trong Festival Huế 2008. Từ cuối năm 2008 đến nay, đã có hơn 80 lượt đoàn khách quan trọng trong và ngoài nước đã được mời chiêu đãi và phục vụ biểu diễn nghệ thuật trên thuyền, tiêu biểu như đoàn Thái tử Nhật Bản, Thủ tướng Pháp, Tổng thống Cộng hòa Trung Phi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng 30 doanh nghiệp Cộng hòa Ba Lan, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trung Quốc, Hội người bạn Huế tại Đan Mạch… Trong 2 năm vừa qua, các nguồn thu từ dịch vụ của thuyền cũng đã đạt 869.200.000 đồng, góp phần đáng kể vào nguồn thu chung của đơn vị.

Trân trọng cảm ơn ông!

Quốc Việt - TTXVN (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN