Nhiều vụ án tồn đọng hàng chục năm được giải quyết dứt điểm

Năm 2016, Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) đã đưa ra giải quyết dứt điểm nhiều vụ án tồn đọng kéo dài hàng chục năm.

Vụ việc được coi là “đình đám” nhất là vụ tranh chấp lối đi chung giữa gia đình bà Nguyễn Thị Sinh với bà Chu Thị Thìn, kéo dài từ năm 1996 đến nay, đã qua 5 lần tòa án các cấp xét xử. Đáng chú ý, nội dung của vụ việc này xuất phát từ việc quy hoạch lại khu dân cư ở chân đồi A1 của chính quyền cấp tỉnh và cấp thành phố.

Do nguyên đơn không chấp nhận cách giải quyết của chính quyền địa phương, đã cố tình khiếu kiện từ chính quyền thành phố cho đến những người có diện tích đất liền kề trong nhiều năm, khiến cho chính quyền cấp tỉnh và thành phố không thể giải quyết được vụ việc dân sự, do liên quan đến kết quả xét xử của Tòa án các cấp.

Đến thời điểm này, vụ việc trên đã được giải quyết dứt điểm, nguyên đơn không có khiếu nại tiếp theo. Sau kết quả xét xử này, chính quyền các cấp có cơ sở để giải quyết dứt điểm vụ việc kéo dài suốt 20 năm qua, liên quan đến quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân trong khu vực.

Các vụ việc tiếp theo như vụ bà Hà Thị Bảy kiện đòi kho, nhà đất tranh chấp từ năm 2008 đến nay. Vụ việc trên khá phức tạp do có sự tiếp tay của một số cán bộ cơ quan Nhà nước, khiến cho cơ quan chức năng đã phải khởi tố, xét xử hình sự đối với một cán bộ thuế.

Hoặc như vụ việc ông Đào Xuân Hòa khởi kiện, tranh chấp tài sản với anh em trong gia đình từ năm 2010. Sau khi giải quyết dứt điểm vụ việc này, ngoài kết quả pháp lý, điều khiến các cán bộ công tác tại Tòa án nhân dân thành phố phấn khởi nhất, là tình cảm của các thành viên trong gia đình này đã được nối lại sau nhiều năm mâu thuẫn nghiêm trọng.

Theo Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ Phan Văn Khanh: Để đạt được kết quả này, các Thẩm phán thụ lý vụ việc phải nghiên cứu kỹ hồ sơ tài liệu, nắm bắt rõ tâm lý, tư tưởng, nguyện vọng của đương sự để họ cởi mở tấm lòng ra với người thụ lý vụ việc trước khi đưa ra xét xử.

Các Thẩm phán phải biết cân đối lợi ích của 2 bên để xử lý thấu tình, đạt lý và đúng quy định của pháp luật; đồng thời theo dõi sát sao diễn biến từ quá trình hòa giải cho đến khi đưa ra xét xử. Thẩm phán phải lập kế hoạch, phương pháp tổ chức phiên tòa và kết quả xử lý vụ việc phải căn cứ vào yêu cầu chính đáng do các đương sự đưa ra.

Lãnh đạo đơn vị cũng mạnh dạn đổi mới công tác tổ chức cán bộ, bố trí sắp xếp công việc phù hợp với khả năng từng người; đồng thời người đứng đầu cơ quan phải nắm bắt tư tưởng của từng cán bộ, nếu có biểu hiện lệch lạc, tiêu cực, cần kiên quyết chấn chỉnh kịp thời…

Kết quả mà Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ đạt được trong thời gian qua không thể không nhắc tới vai trò lãnh đạo của người Chánh án. Bởi trước đây đã qua nhiều thời kỳ, các lãnh đạo khác chưa thể giải quyết dứt điểm vụ việc do các nguyên nhân chủ quan, khách quan, thậm chí việc xét xử bị chi phối bởi các tác động từ bên ngoài.

Về vấn đề này, nữ Thẩm phán Bùi Thị Thu Hẳng, công tác tại Tòa án thành phố cho biết: Về nhậm chức từ tháng 5/2015, Chánh án Phan Văn Khanh đã tổ chức đổi mới hoàn toàn công tác thụ lý, xét xử các vụ việc theo phương pháp khoa học. Điển hình như việc đưa công tác tiếp nhận hồ sơ các vụ việc về cơ chế một cửa, từ đó lãnh đạo đơn vị phân công nhiệm vụ cho các Thẩm phán. Trước đây việc này do từng Thẩm phán trực tiếp thụ lý hồ sơ giải quyết.


Hoặc trong các vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, người Chánh án đã biết tập trung trí tuệ của tập thể đơn vị, tham gia đóng góp ý kiến của từng Thẩm phán, thư ký, từ đó tổng hợp các ý kiến, thống nhất phương pháp giải quyết, chứ không thiên về quan điểm giải quyết của từng Thẩm phán như trước đây. Qua cách tổ chức giải quyết này, Tòa án thành phố đã giảm đáng kể các khiếu nại sau xét xử do đương sự phản ứng việc Thẩm phán kéo dài thời gian, gây khó khăn cho đương sự; giải quyết không thấu tình đạt lý…

Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên Phủ hiện có 6 Thẩm phán, trong đó có 5 Thẩm phán nữ. Năm 2016, Tòa đã thụ lý 547 hồ sơ vụ việc các loại, tăng 75 vụ việc so với năm 2015; giải quyết xong 486 vụ, đạt tỷ lệ 88,8%; trong đó không có vụ nào quá hạn theo luật định, có 0,4% án bị hủy, 0,8% vụ án bị sửa.

Nhờ giải quyết dứt điểm những vụ án tồn đọng từ hàng chục năm qua gây bức xúc trong dư luận xã hội, Tòa án nhân dân thành phố đã lấy lại được niềm tin của nhân dân trên địa bàn, tin tưởng vào công tác xét xử nghiêm minh, thấu tình đạt lý đúng quy định của pháp luật.

Với kết quả thực hiện nhiệm vụ trên, năm 2016, có 8 cá nhân thuộc Tòa án nhân dân thành phố Điện Biên được Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh tặng giấy khen qua các đợt thi đua, 3 cá nhân được công nhận đề tài sáng kiến, 1 cá nhân được đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tặng bằng khen, 1 cá nhân được đề nghị tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua ngành. Tập thể đơn vị được đề nghị Chánh án Tòa án tối cao công nhận tập thể Lao động xuất sắc và Cờ thi đua ngành Tòa án nhân dân.

Chu Quốc Hùng (TTXVN)
Điện Biên xác nhận có sai phạm trong cấp hộ khẩu tại Mường Nhé
Điện Biên xác nhận có sai phạm trong cấp hộ khẩu tại Mường Nhé

Ngày 26/9, tỉnh Điện Biên có văn bản số 2930 gửi tới TTXVN, xác nhận có sai phạm trong việc cấp hộ khẩu cho những người dân di cư ngoài kế hoạch tại huyện Mường Nhé; đồng thời đã triển khai các biện pháp khắc phục sai phạm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN