Nhiều hộ dân ngang nhiên xâm lấn đất rừng ở Kon Tum

Suốt thời gian dài tại tiểu khu 726 trên địa bàn xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai (Kon Tum), hàng loạt hộ dân là công nhân của Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy đã tiến hành phá cây trên đất rừng ở cạnh nhà để trồng trọt. Sự việc chỉ dừng lại khi chính quyền phát hiện vụ việc vào đầu tháng 6 này.

Chú thích ảnh
Hiện trường việc xâm lấn đất rừng tại tiểu khu 726, xã Ia Đal. 

Tại hiện trường, sau hàng chục căn nhà vừa dựng bằng tôn ở dọc tuyến đường đi vào thôn 3, các diện tích đất rừng (có cây rừng) bị phá trắng. Hiện trường không thể đếm hết số gốc cây bị cưa hạ. Cá biệt, nhiều cây rừng rất lớn đã bị cưa đổ. Thân, cành bị đốt; cả một mảng đất rừng rộng hơn 17 ha bị phá trắng; cây bị cưa đổ nằm ngổn ngang, xen lẫn với các loại cây mới trồng, chủ yếu là mỳ (sắn) vừa trồng, cây điều (cao từ 50cm đến 1 mét). Qua quan sát, nhờ vụ việc sớm bị phát hiện nên ở phía trong, nhiều diện tích đất rừng có mật độ cây dày đặc vẫn chưa bị xâm lấn nhiều.
 
Ông Trịnh Quốc Hoàn, Chủ tịch UBND xã Ia Đal cho biết: Số hộ dân phá, lấn chiếm đất rừng chủ yếu là các hộ dân mới vào định cư. Tổng diện tích đất rừng bị phá, lấn chiếm rộng hơn 17 ha. Bước đầu điều tra, chính quyền phát hiện có 11 hộ tham gia phá rừng, tất cả đều ở thôn 3. Diện tích này thuộc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý. Chính quyền xã đã mời các hộ dân lên làm việc và ký cam kết trả lại diện tích này cho địa phương để khoanh nuôi, tái sinh lại rừng. 
 
Trong khi đó, làm việc với phóng viên, ông Đỗ Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy không thừa nhận diện tích bị phá thuộc công ty quản lý: "Đất không thuộc công ty nên chúng tôi không quản lý. Công ty không biết ai quản lý diện tích này". Tuy nhiên, ông Đỗ Thanh Nam thừa nhận diện tích tỉnh Kon Tum cho doanh nghiệp thuê trồng cao su có tiểu khu 726.

Khẳng định diện tích bị phá thuộc Công ty cổ phần cao su Sa Thầy, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia H’Drai cho biết thêm: Theo số liệu kiểm kê diện tích rừng năm 2014 và diễn biến rừng năm 2020, đơn vị xác định diện tích hơn 17 ha đất rừng bị lấn chiếm do Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy quản lý. Đơn vị đã có văn bản yêu cầu Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an huyện Ia H’Drai), Viện Kiểm sát nhân dân huyện phối hợp với Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra, xác minh cụ thể vụ việc và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Chú thích ảnh
Hiện trường việc xâm lấn đất rừng tại tiểu khu 726, xã Ia Đal. 

Để ngăn chặn tình trạng xâm lấn đất rừng, huyện Ia H’Drai đã chỉ đạo chính quyền xã vào cuộc. Ông Bùi Văn Nhàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết, trước mắt, huyện đã chỉ đạo xã Ia Đal thành lập tổ công tác thường xuyên quản lý, không để người dân khai thác, sản xuất tại vị trí rừng bị phá; lập danh sách các hộ tham gia lấn chiếm rừng và điều tra, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc.
 
Được biết, Hạt Kiểm lâm huyện cũng đã chuẩn bị sẵn cây keo lai giống để trồng lại, phục hồi hơn 17 ha rừng bị phá, xâm lấn.

Tin, ảnh: Cao Nguyên (TTXVN)
Xử phạt đối tượng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở Lâm Đồng
Xử phạt đối tượng lấn chiếm đất rừng phòng hộ ở Lâm Đồng

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quyết định xử phạt ông Kră Jăn  Biêl, trú tại tổ dân phố Bơ Nơr B, thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) 40 triệu đồng về hành vi chiếm đất rừng phòng hộ do Vườn quốc gia Bi Doup - Núi Bà quản lý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN