Nguyên tắc dự phòng tai nạn, thảm họa

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, rất hiếm khi nào có độ an toàn tuyệt đối. Ngoài ra, còn phải kể đến tác động của môi trường, hoặc do điều kiện thay đổi. Do vậy, cần phải tiên liệu trước những rủi ro, tai nạn, ốm đau, bệnh tật, thiên tai… có thể xảy ra để có những biện pháp dự phòng từ trước. Nguyên tắc dự phòng được thể hiện như sau: Bù đắp độ tin cậy không lớn của đối tượng bằng cách chuẩn bị trước các phương tiện báo động, ứng cứu, an toàn… Xuất phát từ quan điểm trên, nguyên tắc dự phòng được áp dụng rộng rãi và mang lại tác dụng rất lớn lao.

Trước hết, đó là việc lắp đặt thiết bị dự phòng cho những thiết bị có yêu cầu cao về tầm quan trọng, như: Trong sản xuất có lắp đặt bơm cấp nước dự phòng cho lò hơi, các công đoạn sản xuất. Sau nữa là các thiết bị an toàn mà đặc thù là các van an toàn cho các thiết bị có yêu cầu cao về an toàn, như: Lò hơi, máy lạnh, thiết bị khí nén. Các van an toàn này có tác dụng phòng ngừa, khi vì lý do nào đó, áp suất trong thiết bị tăng quá mức cho phép thì các van này sẽ tự động mở để áp suất được xả ra ngoài, nhằm tránh nguy cơ nổ vỡ, gây tai nạn. Trong kỹ thuật điện, đó là các cầu chì, áptomat nhằm cắt mạch điện trong trường hợp dòng điện tăng cao, bảo vệ được thiết bị điện, phòng tránh tai nạn điện. Trong vận tải hàng không, trên các máy bay người ta phải trang bị các áo phao, mặt nạ dưỡng khí đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra. Trong y tế, có chương trình tiêm chủng mở rộng nhằm phòng ngừa bệnh tật, chương trình tầm soát bệnh hàng năm để sớm phát hiện ra các bệnh tật. Các hoạt động bảo hiểm tài sản, tính mạng như bảo hiểm tài sản, cháy nổ, bảo hiểm phương tiện cơ giới, bảo hiểm nhân thọ nhằm khắc phục rủi ro trong hoạt động sản xuất và đời sống.

Mặc áo phao khi đi tàu thuyền là một cách phòng ngừa tai nạn sông nước.

Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể tin tưởng tuyệt đối vào các thiết bị dự phòng này mà ỷ lại vào chúng, vì nhiều khi chính các thiết bị dự phòng này lại cũng có thể bị hỏng. Thảm họa nhà máy điện nguyên tử Chernobyl của Liên Xô (cũ) xảy ra vào tháng 5/86 là một minh chứng cho điều đó. Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm xảy ra sự cố ở nhà máy điện hạt nhân: Động đất, thiên tai, hỏa hoạn, hư hỏng trong lò phản ứng, thậm chí cả những giả định hầu như không xảy ra trong thực tế như máy bay rơi trúng nhà máy điện cũng phải được trù liệu. Đặc biệt trong số đó, tai nạn thường xảy ra nhất là sự cố nổ vỡ đường ống của hệ thống làm nguội lò phản ứng. Để phòng ngừa, người ta đã lắp đặt thêm một hệ thống làm nguội dự phòng. Tuy nhiên, nhiều khi chính hệ thống làm nguội dự phòng này cũng bị trục trặc khi cần thiết. Kết quả điều tra tai nạn xảy ra tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl cho thấy: Đây là vụ nổ lò phản ứng cũng bắt đầu từ nguyên nhân tăng nhiệt độ trong lò phản ứng nhưng không kiểm soát được, do cả hai hệ thống làm nguội chính và dự phòng không làm việc hiệu quả, đã làm nổ tung nắp nhà lò và đã làm thoát ra môi trường xung quanh một lượng lớn nhiên liệu uranium. Tai nạn xảy ra đã gây hậu quả trước mắt là làm thương vong hàng trăm ngàn người. Nhưng hậu quả không xác định được cả về không gian, thời gian cũng như mức độ nguy hại là để lại di hại bi thảm cho bao đời sau đối với nhân dân các nước lân cận khu vực nhà máy bị bụi phóng xạ bao phủ, như: Nga, Ukraina, Bêlarút. Tại các nước này, nguồn nước, nguồn đất nông nghiệp bị ô nhiễm không sử dụng được, bệnh tật gia tăng một cách bất thường, đặc biệt là các bệnh ung thư, các khuyết tật bẩm sinh, quái thai, các bệnh đần độn do trẻ em được sinh ra từ những bà mẹ bị nhiễm phóng xạ.

Do vậy, để bảo đảm an toàn cho chính mình, hãy áp dụng một biện pháp đơn giản nhưng có hiệu quả cao trong phòng ngừa tai nạn, thảm họa, đó là biện pháp dự phòng. Nhưng lưu ý rằng, không được coi biện pháp dự phòng ấy là an toàn tuyệt đối, mà cần phải có biện pháp phòng ngừa tai nạn, thảm họa tổng hợp.

TS Lý Ngọc Minh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN