Nghệ An: Liên tục xảy ra các vụ tháo trộm phụ kiện đường sắt

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An liên tục xảy ra tình trạng tháo trộm phụ kiện, vật tư đường sắt. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2011, lực lượng chức năng đã phát hiện được hơn 30 vụ tháo trộm phụ kiện, vật tư đường sắt. Mặc dù giá trị tài sản mất cắp không lớn, nhưng nếu không được cơ quan chức năng phát hiện kịp thời thì hậu quả sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng hàng trăm con người.


Cần tuyên truyền nội dung bảo vệ đường sắt cho học sinh trong giờ học ngoại khóa.

Điều đáng nói, đối tượng tham gia phần lớn đều đang ở độ tuổi học sinh, chủ yếu là ở độ tuổi THCS, THPT. Cụ thể, liên tục từ ngày 12-27/8/2011, trên tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn qua xã Nam Cường, Nam Đàn, cơ quan chức năng phát hiện mất cắp 45/72 bộ phụ kiện trên một thanh ray. Sau khi nhận được thông báo của Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh, Công an tỉnh Nghệ An đã điều tra phát hiện 3 đối tượng đều là học sinh sinh năm 2000 ở trường THCS Phúc Cường, Nam Đàn. Cả 3 đối tượng đều khai nhận đã gây ra 4 vụ trộm phụ kiện, vật tư đường sắt tại địa phận xóm 8, Nam Cường. Sau khi tháo trộm xong, bọn chúng mang đi bán đồng nát, lấy tiền chơi điện tử.

Đó chỉ là một trong hàng chục vụ việc trộm phụ kiện, vật tư đường sắt được cơ quan Công an điều tra phát hiện. Hầu hết, tội phạm gia tăng trong độ tuổi này phần lớn là bởi đua đòi, cần tiền để chơi game, bi a, mua quà vặt. Bên cạnh đó là do thiếu sự quan tâm, dám sát của bố mẹ và nhà trường, do nhận thức còn hạn chế của nhiều học sinh.

Ông Kiều Đình Đông, Phó Phòng Kỹ thuật và An toàn giao thông đường sắt, Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh nhận định: Trước đây, công trình đường sắt được xếp vào danh mục công trình quan trọng có liên quan đến an ninh quốc gia. Nhưng mới đây, theo Nghị định 126/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 thì công trình đường sắt chưa được xếp vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nên hành vi tháo trộm phụ kiện đường sắt chỉ bị xếp vào hành vi trộm cắp tài sản. Các vụ mất cắp có giá trị tài sản không lớn nhưng tính chất vụ việc lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy hiểm đến tính mạng con người, nếu không phát hiện bổ sung kịp thời thì tai nạn trật bánh, lật tàu là điều không tránh khỏi và hậu quả là khôn lường.

Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh quản lý 147,5km đường sắt thống nhất và 30km đường sắt Cầu Giát, Nghĩa Đàn. Với công trình trải dài, đa dạng (đi qua núi rừng, cánh đồng, dân cư), Công ty lại không có định viên chuyên ngành bảo vệ đường sắt mà chỉ có 56 định viên tuần đường làm nhiệm vụ chính là kiểm tra, phát hiện, xử lý các sự cố mất an toàn. Các vụ trộm lại xảy ra lúc chập tối đến gần sáng nên rất khó phát hiện. Ngoài ra, việc điều tra các vụ án này cũng không dễ dàng bởi đây thường là vụ trộm cắp tự phát, nhỏ lẻ, đối tượng tham gia lại khá đa dạng. Hoặc khi phát hiện, bắt các đối tượng rồi nhưng cơ quan Công an không thể khởi tố vì đối tượng chưa đủ tuổi vị thành niên hoặc giá trị tài sản mất cắp chưa đến mức 2 triệu đồng. Thế nên, hình thức xử lý hành chính, bồi thường thiệt hại cho ngành đường sắt chưa đủ biện pháp mạnh để răn đe.

Để ngăn chặn tình trạng tháo trộm phụ kiện, vật tư đường sắt, Công ty quản lý đường sắt Nghệ Tĩnh đã ký quy chế phối hợp với Công an tỉnh Nghệ An về công tác bảo vệ an ninh trật tự đường sắt. Trong đó, các Cung trưởng mỗi tháng ít nhất một lần báo cao tình hình an ninh trật tự với Công an phường, xã, gắn trách nhiệm công tác bảo vệ đường sắt vào tiền lương tháng của Cung trưởng. Công ty cũng trích kinh phí duy tu để làm công tác tuyên truyền ở những địa phương thường xảy ra vi phạm như: Hưng Mỹ (Hưng Nguyên), Nam Cường (Nam Đàn), Nghi Long (Nghi Lộc), Quỳnh Lưu, Diễn Châu... Ngành quản lý đường sắt cũng đề nghị Chính phủ đưa danh mục đường sắt vào danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua cũng tổ chức giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh trật tự đường sắt; Phát động phong trào quần chúng ký cam kết với từng hộ gia đình trong công tác bảo vệ an ninh trật tự đường sắt đi qua địa bàn, giáo dục cho nhân dân có ý thức trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phạm tội.

Về phía các nhà trường, bên cạnh việc dạy văn hoá, cần tuyên truyền thêm nội dung bảo vệ an ninh trật tự đường sắt trong các giờ ngoại khoá, phát động phong trào “Em yêu đường sắt quê em”; cần cho học sinh biết việc tháo trộm phụ kiện, vật tư đường sắt là việc làm vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tài sản nhà nước, tính mạng con người./.


Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN