Ngăn lái xe sử dụng rượu, bia

Cảnh lái xe ngủ vạ vật trên xe, dưới bến, “chợp mắt” vài tiếng lại hành nghề, vừa ngủ vừa lái, tạt vào vệ đường ngủ 10 - 15 phút, rồi tiếp tục cầm vô lăng… không còn lạ đối với cánh lái xe đường dài sau khi uống rượu bia. Thực tế này quả rất đáng báo động khi nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian gần đây có tác nhân là do rượu bia khiến lái xe buồn ngủ.


“Được ngủ 10 - 15 phút, lại lái xe ngon”


Trung tuần tháng 12/2013, tại khu vực Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra một vụ TNGT nghiêm trọng làm 6 người bị thương, trong đó có một cháu nhỏ được cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Đống Đa hiện vẫn trong tình trạng nguy kịch. Theo chân các chiến sỹ cảnh sát giao thông (CSGT) Đội 7 xử lý vụ việc được biết, khi đang có tín hiệu đèn đỏ tại nút giao cắt Ô Chợ Dừa - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng, thì bất ngờ chiếc xe ô tô BKS 29A - 694.92 mất lái lao thẳng về phía các phương tiện đang chờ đèn đỏ, khiến nhiều xe máy bị hất tung lên phía trước. Khi CSGT có mặt xử lý, lái xe quyết không mở cửa, nồng nặc mùi rượu và có biểu hiện buồn ngủ.

Kiểm tra nồng độ cồn trong hơi thở của lái xe theo hình thức mới.


Anh Mạnh Tân, lái xe khách hãng xe Hải Vân chạy tuyến Hà Nội - Lai Châu trong bến xe Giáp Bát tâm sự: Hàng ngày, từ 15 - 16 giờ chiều, lái xe cùng phụ xe xếp khách trong bến, đến 18 giờ khởi hành, sau đó chạy liên tục 13 - 14 tiếng từ Hà Nội đến Lai Châu. Xe có hai người thay nhau lái và ngủ. Khách trống thì nằm, không còn chỗ thì ngồi hay ngủ gục dưới sàn. Xe đến Lai Châu, cơm rượu xong, lái xe ngủ tại bến khoảng 3 - 4 tiếng rồi lại quay đầu đi Hà Nội. Một ngày có 24 giờ, nhưng lái xe có đến 18 - 20 giờ trên xe. Do đó, chợp mắt được lúc nào là quý lúc đó. Tuy nhiên, lái xe không có chút bia, rượu rất khó cầm lái...


Chưa hết, theo chân những chuyến xe khách giường nằm chạy đêm từ Hà Nội đi miền Trung, Tây Bắc, ai khó ngủ cũng sẽ được chứng kiến lái xe đang chạy thường tạt vào vệ đường chỉ để “chợp mắt” khoảng 15 phút, sau đó lại lái tiếp. Trên chuyến xe đêm Hà Nội - Cao Bằng, phóng viên cũng có dịp trò chuyện với lái xe hãng xe Khải Huyền. Lái xe T. cho biết: “Chỉ cần chợp mắt trên vô lăng từ 10 - 15 phút, sau đó vã ít nước vào mặt là lại tỉnh rượu, lái ngon. Nghề này phải thế!”. Trong khi đó, phía sau xe, hàng chục hành khách vẫn ngủ thiếp, không hề hay biết...

Ủy ban ATGT quốc gia tuyên truyền phòng tránh TNGT do rượu, bia.


Thực tế trên cho thấy, lái xe lạm dụng rượu bia trước khi tham gia giao thông đang rất phổ biến, mặc dù pháp luật đã cấm hoàn toàn đối với người lái ô tô và chỉ cho phép lượng rất nhỏ đối với người đi xe gắn máy. Tuy nhiên, qua kiểm tra của các lực lượng chức năng cho thấy, số vụ lái xe uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện được phát hiện nhiều nhất trên quốc lộ với hơn 36%, đường đô thị 27%, huyện lộ gần 15%, tỉnh lộ 14%...


Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009 cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu, bia đối với lái xe ô tô. Lái xe gắn máy mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng. Lái xe ô tô nếu hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở bị phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải nghiêm túc chấp hành nhất thì lại là đối tượng bị phát hiện có vi phạm nhiều nhất. Đại diện Cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cho biết, không kiểm tra thì thôi, cứ kiểm tra là phát hiện lái xe vi phạm. Còn theo Phòng CSGT Hà Nội, càng gần Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, số vụ vi phạm và TNGT liên quan đến rượu bia càng có chiều hướng gia tăng. Để phòng ngừa, phòng đã triển khai Kế hoạch 18/PC67 tập trung kiểm tra, xử lý lái xe vi phạm về nồng độ cồn. Hơn 1 tháng qua, Phòng CSGT Hà Nội đã lập biên bản xử lý gần 3.000 trường hợp vi phạm, trong đó có hàng trăm trường vi phạm sử dụng rượu, bia khi lái xe.


Kết quả khảo sát tại Bệnh viện Việt Ðức và Xanh Pôn (Hà Nội) hàng năm cho thấy: Khoảng 60% số nạn nhân bị TNGT đường bộ có nồng độ cồn cao trong máu. Trung bình viện phí cho một tai nạn thương tích tại bệnh viện là khoảng 1,1 triệu đồng/người, thậm chí có trường hợp lên tới 25 - 30 triệu đồng. Còn theo Ủy ban ATGT Quốc gia, mặc dù số vụ TNGT đã giảm sâu trên cả 3 tiêu chí, số người chết vì TNGT giảm xuống dưới 10.000 người, nhưng vẫn còn khoảng 10% số ca tử vong do sử dụng rượu, bia. Những con số nêu trên cho thấy, việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông gây thiệt hại rất lớn về tính mạng và tài sản của người dân.


Siết quản lý buôn bán, sử dụng rượu, bia


Theo nhận định của các chiến sỹ CSGT, vi phạm về nồng độ cồn hiện nay là khó kiểm tra và xử lý nhất. Bởi việc phát hiện, kiểm tra và xử lý ở khung hình phạt nào phụ thuộc rất nhiều vào máy móc và sự hợp tác của người vi phạm. Điều này lý giải vì sao tỷ lệ người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn bị xử lý thời gian qua quá thấp so với thực tế. Ngoài những “chiêu trò” của các đối tượng vi phạm gây khó khăn cho lực lượng CSGT, thì việc nhân lực mỏng, thiếu trang thiết bị cũng cản trở quá trình xử lý.


Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết, thời gian tới Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành các quy định về buôn bán và sử dụng rượu, bia, để hạn chế tình trạng lái xe sử dụng tràn lan rượu, bia như hiện nay.
Mặt khác, Cục CSGT đường bộ, đường sắt ngay trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ này sẽ tiến hành thử nghiệm máy “ngửi mùi” để ngăn lái xe uống rượu, bia. Hình thức mới này không cần lái xe xuống xe, CSGT cũng có thể xác định được người cầm lái có sử dụng rượu, bia hay không. Dụng cụ này chỉ hoạt động sau 5 - 10 giây là có thể xác định được lái xe “có” hoặc “không” sử dụng rượu bia, để từ đó lực lượng CSGT đưa ra quyết định có tiếp tục kiểm tra bằng ống thổi hay không và đưa ra mức xử phạt chính xác.


Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Thiết bị này được Tổ chức Y tế Thế giới hỗ trợ trong thời gian đầu để thực hiện tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng trong dịp Tết này, sau đó sẽ tiến hành mua và áp dụng trong cả nước.

 

Tiến Hiếu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN