Mượn quy chế "cướp" tiền của người lao động

Căn cứ vào quy chế tự đặt ra, không theo Luật Lao động, Công ty cổ phần Hà Anh - doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì có trụ sở tại huyện Phổ Yên (tỉnh Thái Nguyên) đã "ăn cướp" hàng trăm triệu tiền đặt cọc của người lao động.


Tình trạng vi phạm Luật Lao động ở công ty này được đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Phổ Yên phát hiện đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến.

Theo quy chế tuyển dụng của doanh nghiệp, để được vào làm việc trong Công ty cổ phần Hà Anh, người lao động phải đóng một khoản tiền gọi là "tiền đặt cọc". Năm 2008, người được tuyển vào làm công nhân phải đóng tiền cọc là 10 triệu đồng, còn làm bảo vệ và kế toán là 12 triệu đồng. 


Sản xuất quần áo gia công tại xưởng may-Ảnh internet


Năm sau, số tiền đặt cọc được giảm xuống tương ứng là 3 triệu đồng và 5 triệu đồng/người. Sau khi đặt cọc, số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho người lao động sau ba năm làm việc liên tục nhưng trong quá trình làm việc nếu lao động vi phạm kỷ luật hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì không được trả lại tiền đặt cọc.

Quy chế là vậy nhưng có điều "lạ" là hợp đồng lao động giữa người lao động và doanh nghiệp được ký dài nhất cũng chỉ là một năm. Rõ ràng cái quy chế "tréo ngoe" này đã cố tình đẩy người lao động vào tình thế muốn đòi lại số tiền đặt cọc cho doanh nghiệp cũng không thể...


Thực tế hiện nay đang có hàng chục lao động từng làm việc tại doanh nghiệp này phản ánh: Số tiền đặt cọc của họ vẫn nằm lại công ty sau khi không còn làm việc ở đó nữa là trên 100 triệu đồng và không biết đến bao giờ mới được hoàn trả.

Anh Nguyễn Kim Cường, nguyên là bảo vệ công ty cho biết: Quyết định buộc thôi việc của anh rất vô lý, không dựa trên Luật Lao động, không rõ ràng mà chỉ vin vào cớ “vi phạm kỷ luật, gây mất trật tự an ninh trong công ty". Sau khi bị buộc thôi việc, số tiền 12 triệu đồng anh Cường đặt cọc để làm bảo vệ đương nhiên không được công ty trả lại.


Giống như anh Cường, chị Nguyễn Thị Mây ở xã Tân Hương, huyện Phổ Yên, sau khi đặt cọc 10 triệu đồng, chị được bố trí làm việc ở tổ may từ tháng 2/2009. Công ty không đủ việc làm, lương thấp, thời gian làm việc kéo dài căng thẳng đã khiến chị Mây từng bị sẩy thai buộc chị phải đi tìm việc ở nơi khác. Khi xin nghỉ việc, số tiền đặt cọc của chị cũng bị công ty khất lần và hiện vẫn chưa thể lấy lại... Có thời điểm, công ty ít việc nhưng vẫn bắt công nhân đến làm không tính công, công nhân phản ứng thì bị đình chỉ công việc và mất trắng tiền đặt cọc...



Vi phạm pháp luật lao động ở Công ty cổ phần Hà Anh đã khá rõ, các cơ quan chức năng của tỉnh Thái Nguyên cần nhanh chóng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN