Một quyết định “nhanh đến khó hiểu” của TAND tỉnh Quảng Nam

Một sự việc đang được thụ lý giải quyết thì Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam lại ra quyết định “khó hiểu” mà người trong cuộc cũng như giới doanh nhân cảm thấy có nguy cơ bị tẩu tán tài sản trong quá trình xử lý vụ việc.

Trụ sở Công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai.

Vốn là hai cổ đông sáng lập Công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai (trụ sở tại huyện Núi Thành, Quảng Nam), ông Nguyễn Thượng Đắt (Chủ tịch Hội đồng quản trị) và bà Nguyễn Thị Hòa (Tổng Giám đốc) xảy ra mâu thuẫn không thể thương lượng, chính vì vậy ông Nguyễn Thượng Đắt quyết định khởi kiện bà Nguyễn Thị Hòa ra Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam.

Theo tài liệu có được, từ năm 2009 đến 2014, Công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai mà Chủ tịch Hội đồng quản trị là ông Nguyễn Thượng Đắt (người đại diện 45.75% cổ phần) và Tổng Giám đốc điều hành doanh nghiệp là bà Nguyễn Thị Hòa (đại diện 40.75% cổ phần) làm ăn có lãi hàng trăm tỷ đồng.

Tuy nhiên, số tiền này đã bị bà Hòa chuyển vào tài khoản cá nhân hoặc công ty riêng của mình; đồng thời với vai trò Tổng Giám đốc, bà Hòa đã bán một số tài sản của doanh nghiệp cho các đối tác mà không thông qua Hội đồng quản trị.

Khi phát hiện vụ việc, ông Đắt đã yêu cầu tiến hành kiểm toán để xác định chính xác lợi nhuận, làm rõ việc chuyển tiền và bán tài sản. Tuy nhiên, bà Hòa và Ban Giám đốc (có cổ phần nhỏ còn lại) không chấp thuận.

Đồng thời, bà Hòa và Ban Giám đốc (chiếm 54.25%CP) tiến hành bãi miễn chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Đắt, bầu người Ban Tổng Giám đốc kiêm chức vụ Chủ tịch HĐQT; đồng thời nhanh chóng chấp thuận bán tài sản Công ty CP Khoáng sản Đất Quảng Ninh Thuận cho Công ty cổ phần Công nghiệp Khoáng sản Bình Thuận (KSA).

Vì vậy, ngày 20/5, ông Đắt đã khởi kiện bà Hòa và Ban Tổng Giám đốc tại tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam yêu cầu Công ty cổ phần Khoáng sản Đất Quảng Chu Lai thực hiện kiểm toán, ngăn chặn việc tiếp tục bán tài sản của Công ty và ngăn chặn việc bãi nhiệm chức vụ chủ tịch HĐQT của ông Đắt và bầu ông Bùi Tiến Dũng - Ban Tổng Giám đốc làm chủ tịch HĐQT.

Để tránh việc tài sản công ty bị tẩu tán trong khi tranh chấp và có thể gây thiệt hại cho các đối tác trong việc chuyển nhượng tài sản với vụ kiện đang thụ lý, ông Đắt đã yêu cầu Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Nam đã có Quyết định ngăn chặn các hoạt động này phù hợp theo quy định của pháp luật vào ngày 20/6.

Đến ngày 21/6, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2016/QĐ-BPKCTT về việc “Cấm thực hiện một số hành vi nhất định” đối với ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai với các nội dung theo yêu cầu trong đơn đề nghị của ông Nguyễn Thượng Đắt.

Trong thời gian tòa án đang thực hiện việc hòa giải theo quy trình tố tụng, thì ngày 11/8, Công ty cổ phần Đất Quảng Chu Lai mà bà Nguyễn Thị Hòa làm Tổng Giám đốc đã gửi bản cam kết với nội dung: Nếu việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông Nguyễn Thượng Đắt và các cổ động của Công ty cổ phần Đất Quảng Chu Lai thì Công ty cổ phần Đất Quảng Chu Lai chịu trách nhiệm bồi thường.

Tuy nhiên, chỉ sau một ngày nhận đơn khiếu nại, vào ngày 12/8/2016, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam Ngô Đình Bảy đã ký Quyết định số 42/QĐ-TA về việc “Giải quyết đơn khiếu nại”, qua đó chấp thuận đơn khiếu nại của Công ty cổ phần Đất Quảng Chu Lai do bà Nguyễn Thị Hòa, Tổng Giám đốc đại diện theo pháp luật; hủy bỏ Quyết định áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2016/QĐ-BPKCTT về việc “Cấm thực hiện một số hành vi nhất định” đối với ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Luật sư Quảng Nam cho biết: công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai mà bà Nguyễn Thị Hòa là Tổng Giám đốc chỉ có cam kết suông bằng văn bản, không có giá trị vật chất bảo đảm, không được ông Đắt chấp nhận nên văn bản cam kết đó không phải và không thể dùng làm căn cứ chấp nhận hủy bỏ áp dụng biện pháp ngăn chặn (nên lưu ý rằng đây chỉ là căn cứ xem xét chấp nhận khiếu nại hủy bỏ ngăn chặn).

Đặc biệt, theo Bản cam kết ngày 11/8, nếu thực tế ông Dũng, bà Hòa gây thiệt cho ông Đắt thì chỉ công ty ĐQCL chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp công ty cổ phần khoáng sản Đất Quảng Chu Lai bị bán, thua lỗ mất vốn thì lấy đâu ra tài sản để công ty bồi thường. Hơn nữa, công ty này có 45,75% giá trị tài sản thuộc phần vốn sở hữu của ông Đắt và vốn của một số cổ đông khác thì theo cam kết này, công ty sẽ lấy tiền từ túi ông Đắt và các cổ đông đó để bồi thường cho chính họ hay sao?

Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật và phải thượng tôn pháp luật. Trong kinh doanh cũng vậy, nhất là trong thời điểm đất nước đang đẩy mạnh phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Việc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và đóng góp nghĩa vụ với đất nước là một trong những điều kiện để phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn về những quyết định mà Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam đã ban hành trong thời gian vừa qua trong vụ tranh chấp về quyền lợi tại Công ty cổ phần Đất Quảng Chu Lai. Câu trả lời đang bỏ ngỏ để dành cho các cơ quan chức năng, nhằm sớm trấn an các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh một cách chính đáng.

Tin, ảnh: Nguyễn Sơn
Làm thất lạc giấy tờ kê khai đất, ai chịu trách nhiệm?
Làm thất lạc giấy tờ kê khai đất, ai chịu trách nhiệm?

Trong nhiều năm, một doanh nghiệp mòn mỏi chờ đợi tiền bồi thường đối với 133 ha đất bị thu hồi để xây dựng khu tái định cư cho người dân vùng lòng hồ Công trình Thủy điện Đồng Nai 3 từ chủ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN