Một luật sư bị tố lừa đảo

Dù biết mảnh đất của “thân chủ” đang tranh chấp và UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi giao cho một đơn vị xây dựng thi công dự án nhà chung cư nhưng một luật sư (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội) và một giám đốc công ty luật vẫn đứng ra làm đại diện, “bảo lãnh” cho việc mua bán giữa các bên để “ôm” 10 tỷ đồng của đương sự.

 

Khi vụ việc vỡ lở, bị hại đến đòi lại tiền thì luật sư và vị giám đốc công ty luật đổ vấy cho nhau...


 


Mảnh đất số 174 Lạc Long Quân đã được phê duyệt xây dựng chung cư
nhưng vẫn được luật sư và một giám đốc công ty luật bảo lãnh đem bán(?!)

 

“Kiếm” 10 tỷ đồng rồi quanh co



Theo đơn tố cáo của gia đình ông Nguyễn Văn Ngọc (trú tại phố Hàm Tử Quan, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi các cơ quan chức năng năm 2008, ông Ngọc quen Luật sư Lê Thị Như Hương (Trưởng VPLS Bách An, thuộc ĐLSTP Hà Nội). Sau đó, bà Hương giới thiệu, mời ông Ngọc mua mảnh đất tại số 174 Lạc Long Quân (phường Bưởi, quận Tây Hồ), có diện tích 1.080m3 với giá 55 tỷ đồng.



Để đảm bảo cho việc mua bán này, bà Hương và ông Đào Công Thiện - Giám đốc Công ty Luật Hoa Nam (là bạn của bà Hương) cùng đứng ra “bảo lãnh”. Bà Hương khẳng định, mảnh đất trên thuộc quyền sử dụng hợp pháp của 3 hộ gia đình là ông Đặng Văn Xuân (đã ủy quyền cho ông Nguyễn Nam Tấn), Phùng Văn Vang và Bùi Văn Chương, đều trú tại cụm 10, phường Bưởi, quận Tây Hồ, có giấy chứng nhận do Ủy ban Hành chính TP Hà Nội cấp từ năm 1956.



Tuy nhiên, do việc mua bán chưa đủ cơ sở pháp lý nên bà Hương và ông Thiện đã được 3 cá nhân trên ủy quyền đứng ra quyết định toàn bộ việc mua bán. Để làm tin cho bên mua trả trước 10 tỷ đồng (đợt 1), bà Hương đã “đặt” lại cho ông Ngọc 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) của 2 mảnh đất có tổng diện tích gần 150m2 ở tổ 47 và 22 (thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) là tài sản hợp pháp của bà Hương.



Cũng theo hợp đồng mua bán đất ở được lập ngày 22-6-2008 và bản phụ lục hợp đồng được lập ngày 26-12-2009, bà Hương cam kết, thời gian hoàn thành việc mua bán, làm đầy đủ giấy tờ, bàn giao đất có xây chỉ giới bao quanh nhà, GCN quyền sở hữu nhà ở và QSDĐ mang tên vợ chồng ông Ngọc trong vòng tối đa là 4 tháng (kể từ ngày ký hợp đồng mua bán). Nếu bên bảo lãnh không làm được thủ tục thì sẽ bán hai căn nhà trên trả lại tiền cho vợ chồng ông Ngọc, hoặc trả lại 10 tỷ đồng cộng thêm lãi suất 2%/tháng. Thế nhưng, sau khi gia đình ông Ngọc đã chuyển cho bà Hương số tiền 10 tỷ đồng và đến hết thời hạn thực hiện hợp đồng, bà Hương luôn đưa ra các lý do khác nhau để né tránh việc thực hiện các thủ tục bàn giao mảnh đất trên.



Đổ vấy cho nhau



Theo ông Ngọc, mảnh đất trên bà Hương được ủy quyền bán cho ông Ngọc hiện đang tranh chấp và UBND TP Hà Nội đã có quyết định phê duyệt cho Công ty Xây dựng số 1 Hà Nội (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội) xây dựng nhà chung cư. Tại thời điểm vào tháng 6-2008, khi đó bà Hương và ông Thiện chỉ là người được 3 hộ dân trên nhờ và ủy quyền để bảo vệ khiếu kiện đòi lại đất nên ông Ngọc đã đòi lại tiền. Biết vụ việc bị vỡ lở, nhiều lần vợ chồng ông Ngọc đến đòi tiền, bà Hương hứa hẹn và xin thêm thời gian, đồng thời đổ vấy cho đồng nghiệp khác cầm tiền, buộc ông Ngọc phải làm đơn tố cáo hành vi trên của bà Hương đến cơ quan chức năng.



Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, bà Lê Thị Như Hương thừa nhận, việc mua bán trên là có thật. Tuy nhiên, sau khi nhận số tiền 10 tỷ đồng của vợ chồng ông Ngọc, bà Hương đã chuyển cho ông Đào Công Thiện 8 tỷ đồng. Do vậy, ông Ngọc phải đi đòi ông Thiện, còn số tiền mà bà Hương cầm của ông Ngọc đã trả cho ông Ngọc gần hết(?!). Để tạo sự thuyết phục, bà Hương còn cung cấp cho phóng viên những giấy ký nhận việc chuyển tiền giữa bà và ông Thiện. Nhưng khi phóng viên đưa ra câu hỏi, việc bà nhận tiền của ông Ngọc thì phải có nghĩa vụ trả lại, còn tiền bà cho ai vay hay chuyển cho ai thì đó là quan hệ giữa bà và người khác chứ sao lại quàng vào như vậy, bà Hương lại không thể đưa ra câu trả lời.



Cũng nhằm làm rõ nội dung vụ việc, sau nhiều lần liên lạc với ông Thiện qua điện thoại không được, phóng viên đã đến trụ sở Công ty Luật Hoa Nam tại số 111 Bùi Thị Xuân (phường Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nhưng thấy cửa đóng im lìm. Một vài người dân sống cạnh đó cho biết, công ty này đã đóng cửa vài tháng nay, không thấy hoạt động gì. Thỉnh thoảng lại có người đến hỏi, đòi tiền. Còn theo Trung tá Đặng Ngọc Ân - Cảnh sát khu vực CAP Bùi Thị Xuân, công ty của ông Thiện đã đóng cửa hơn tháng nay, hiện ông đã chuyển về sống với vợ ở phố Hàng Phèn. Lần theo thông tin trên, phóng viên đã có mặt tại nhà số 33 phố Hàng Phèn, quận Hoàn Kiếm và đã tiếp cận được với ông Đào Công Thiện. Nói về vụ việc trên, ông Thiện vắn tắt, “tôi được bà Hương chuyển cho 8 tỷ đồng nhưng tôi cũng đã chuyển lại cho bà Hương 4 tỷ đồng rồi. Hiện còn 4 tỷ đồng tôi sẽ làm việc với ông Nguyễn Nam Tấn. Đất này còn đang tranh chấp với Công ty Xây dựng 1 Hà Nội đã xong đâu(?!)”, sau đó ông Thiện thoái thác bận việc không có thời gian tiếp chuyện, hẹn lúc khác.



Có thể thấy, việc một luật sư và một giám đốc công ty luật khi biết rõ mảnh đất đang có sự tranh chấp và đã được thu hồi giao cho một đơn vị thực hiện dự án nhưng vẫn đứng ra “bảo lãnh” chuyển nhượng thì chẳng khác nào “bán giời không văn tự”.

 

 

Theo anninhthudo

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN