Một doanh nghiệp vi phạm bản quyền phần mềm gần 4 tỉ đồng

Liên tục trong tháng 10 vừa qua, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao (Bộ Công an) đã tiến hành thanh tra hàng loạt doanh nghiệp tại các thành phố lớn trên cả nước. Trong số các công ty bị kiểm tra, doanh nghiệp có giá trị phần mềm vi phạm lớn nhất phải kể đến Công ty TNHH “Tiếng kêu vù vù” (ZOOM Co. Ltd) địa chỉ tại 6F Phan Kế Bính, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM.

Kiểm tra doanh nghiệp sử dụng phần mềm vi phạm.


Trong cuộc thanh tra đột xuất tại Công ty này, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện phần mềm hệ thống Discreet Flame của Autodesk, là phần mềm chuyên dụng để sản xuất hậu kỳ các chương trình truyền hình. Theo thông tin từ chủ sở hữu thì phần mềm chuyên dụng Autodesk Discreet Flame có giá trị tới 4 tỷ đồng (gần 200.000 USD). Cũng theo thông tin từ Đoàn thanh tra liên ngành, ZOOM Co.Ltd là một công ty có tiếng trong lĩnh vực sản xuất hậu kỳ, thiết kế chuyên dụng, nhiếp ảnh… do người nước ngoài điều hành. Như vậy, sau hàng loạt các vụ thanh tra bản quyền được thực hiện trên toàn quốc trong thời gian qua, vụ vi phạm được phát hiện tại ZOOM Co.Ltd tiếp tục phản ánh thực trạng bản quyền phần mềm máy tính vẫn chưa được tôn trọng đúng mức. Đối với doanh nghiệp chuyên về sản xuất hậu kỳ như ZOOM thì việc sử dụng phần mềm chuyên ngành “chùa” để phục vụ cho hoạt động kinh doanh của công ty mình đã thể hiện sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp cùng lĩnh vực hoạt động đã bỏ chi phí ra mua bản quyền phần mềm.

Cũng nằm trong chiến dịch kiểm tra này, Đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện số lượng lớn các phần mềm bất hợp pháp tại Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Xây dựng và Kiến trúc Á Châu (tầng 5, tòa nhà JSC 34, Lê Văn Lương, TX, Hà Nội). Trong cuộc thanh tra đột xuất tại công ty, Đoàn thanh tra đã kiểm tra 21 máy tính. Ngoài các phần mềm đã được mua bản quyền, Đoàn thanh tra liên ngành đã tìm thấy rất nhiều các phần mềm sao chép như Autodesk 3D MAX, AutoCAD; LacViet MTD 2002, Adobe Acrobat, Adobe Photoshop CS, Window XP và Window Office.

Trước những chứng cứ trên, đại diện hai doanh nghiệp là Công ty Zoom và Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ Xây dựng và Kiến trúc Á Châu đã ký vào biên bản thừa nhận hành vi sử dụng tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả (phần mềm máy tính) là vi phạm Luật về sở hữu trí tuệ. Cả hai doanh nghiệp đều cam kết tự xóa bỏ các phần mềm không có bản quyền và làm việc với chủ sở hữu để mua các phần mềm có bản quyền.

Phản ánh về những trường hợp vi phạm bản quyền phần mềm, Phó Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, ông Phạm Xuân Phúc cho biết: “Một số doanh nghiệp nước ngoài mặc dù hiểu biết về sở hữu trí tuệ rất đầy đủ (sản phẩm của họ bị làm giả, làm nhái là họ kiện ngay), có nhiều điền kiện thuận lợi trong SXKD, hiệu quả SXKD cao, nhưng vẫn cố tình trốn tránh mua bản quyền phần mềm máy tính, chỉ đến khi thanh tra phát hiện mới tiến hành mua bản quyền. Chúng tôi khuyến cáo các doanh nghiệp, các tổ chức và người dân hãy sử dụng những phần mềm máy tính có bản quyền, hợp pháp; cái gì thuộc sở hữu của mình hãy bán, cho, tặng; hãy tránh xa những phần mềm lậu, cài đặt không được sự cho phép của chủ sở hữu, không hợp pháp, nếu không sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”.

P.V

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN