Lĩnh án 17 năm tù vì lập 'dây hụi' ảo

Sáng 25/3, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận đã tuyên phạt 17 năm tù giam đối với bị cáo Bùi Thị Dần (sinh năm 1963, trú khu phố Nam Thành, thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a, khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, bị cáo Dần phải bồi thường hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 51 bị hại.

Theo cáo trạng, Bùi Thị Dần làm nghề buôn bán tạp hóa tại Chợ 28 (thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam) nên quen biết với nhiều người dân trong thị trấn Thuận Nam và các xã lân cận. Từ năm 2013, Dần đã lập ra nhiều dây huê (chơi hụi, chơi họ) do bản thân làm chủ. Ban đầu, việc chơi huê diễn ra bình thường, Dần thu tiền và trả đầy đủ cho những người chơi. Ngoài ra, Dần còn vay mượn tiền của nhiều người với lãi suất từ 2 - 6%/tháng để buôn bán. Sau đó do làm ăn thua lỗ, Dần phải vay tiền của người sau để trả tiền cho người trước. Đến khoảng tháng 5/2018, do không còn khả năng trả nợ, Dần đã lập ra các dây huê không có thật (huê ảo) để nhiều người dân tại huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và thành phố Phan Thiết tham gia chơi nhằm lấy tiền trả tiền vay.

Hình thức lập các dây huê của Bùi Thị Dần là mỗi dây huê có từ 12 - 17 phần, có dây huê không giới hạn số phần chơi. Do tin tưởng Dần, nhiều người đã tham gia. Thực tế, các dây huê này đều là dây huê ảo do Dần tự lập ra. Tháng 8/2019, Bùi Thị Dần không còn khả năng trả tiền huê nên đã đi khỏi địa phương. Đến ngày 22/8/2019, đối tượng đến cơ quan Công an trình diện. Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ các bị hại cung cấp, cơ quan Công an xác định, với hình thức đưa ra những dây huê ảo, Bùi Thị Dần đã chiếm đoạt của 51 bị hại với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng. Tại phiên xử, Bùi Thị Dần đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình.

Hội đồng xét xử nhận định, vào thời điểm phạm tội, bị cáo có đủ năng lực nhận biết hành vi của mình là sai trái nhưng vì lòng tham nên đã thành lập các dây huê ảo chiếm đoạt tiền của các bị hại để trả nợ và phục vụ việc kinh doanh của tiệm tạp hóa. Trong quá trình điều tra cũng như trong phiên xét xử, bị cáo không có động thái tác động gia đình khắc phục thiệt hại gây ra. Bị cáo Dần đã nhiều lần thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, mỗi lần đều cấu thành tội phạm nên thuộc trường hợp “phạm tội 2 lần trở lên”. Đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Theo Hội đồng xét xử, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình tội phạm về lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp với mức độ thiệt hại có chiều hướng tăng cao. Vì vậy, cần xử lý với một mức án nghiêm minh, bảo đảm tính răn đe đối với người khác. Sau khi xem xét các tình tiết có liên quan trong vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Dần mức án 17 năm tù giam và phải bồi thường số tiền hơn 10 tỷ đồng đã chiếm đoạt của 51 bị hại.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Cảnh báo chiêu trò mới của tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản
Cảnh báo chiêu trò mới của tội phạm nhằm chiếm đoạt tài sản

Theo Công an thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhiều người dân do điện thoại cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công đã bị các đối tượng chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản. Trong đó có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN