Lâm tặc chống người thi hành công vụ ngày càng gay gắt

Tại Hội nghị giao ban tình hình quản lý bảo vệ rừng các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tổ chức mới đây, một lần nữa, chuyện về hàng loạt vụ kiểm lâm bị đánh trả, bị tấn công quyết liệt với tính chất ngày càng phức tạp lại được nhắc đến.

Ra tay trắng trợn, có tổ chức

Năm 2011, Quảng Bình là một trong 4 tỉnh đứng đầu khu vực về số vụ kiểm lâm bị tấn công trong khi làm nhiệm vụ.

Kiểm lâm viên Hoàng Văn Quế thuộc Trạm kiểm lâm Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) bị lâm tặc bắt cóc, tấn công được điều trị ở bệnh viện với các vết thương vỡ xương bánh chè và chấn thương toàn thân. Ảnh: Mạnh Thành – TTXVN


Ngày 23/5/2011, trong khi cán bộ, công chức Trạm kiểm lâm Xuyên Á - Hạt kiểm lâm Tuyên Hóa đang làm nhiệm vụ tại trụ sở trạm, bất ngờ có 30 tên lâm tặc đi xe máy mang theo vũ khí (dao, gậy, đá) xông thẳng vào trạm chửi bới, đập vỡ cửa kính nhà ở của trạm, đánh đập dã man một số cán bộ của trạm, trong đó đồng chí kiểm lâm Phan Thanh Long bị thương nặng nhất, bất tỉnh ngay tại chỗ phải đi Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu. Vụ việc đã được Tòa án nhân dân huyện Tuyên Hóa điều tra, phạt tù các đối tượng vi phạm.
Sau đó không lâu, ngày 22/7, trong lúc tổ truy quét gồm 6 người của Trạm kiểm lâm Xuyên Á, Trạm bảo vệ rừng Ban quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa và UBND xã Thuận Hóa làm nhiệm vụ tuần tra, truy quét tại tiểu khu 29A, 29B và 30 đã phát hiện ba đối tượng đang dùng máy cưa xăng cưa xẻ gỗ. Tổ truy quét đã bắt giữ các đối tượng này, nhưng chúng chống cự quyết liệt bằng cách ném đá vào lực lượng truy quét. Bị tấn công nặng nhất là đồng chí Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Xuyên Á bị chấn thương cột sống.

Còn tại Đắk Nông xảy ra 9 vụ tấn công cán bộ kiểm lâm. Nghiêm trọng nhất là vụ việc xảy ra ngày 28/6/2011, đồng chí Phạm Văn Việt, cán bộ kiểm lâm địa bàn xã Đăk R’Tih, huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) đang phối hợp với đồng chí cán bộ địa chính xã Đăk R’Tih tiến hành kiểm tra, thống kê, rà soát diện tích rừng bị phá trái pháp luật tại khoảnh 5, tiểu khu 1491 thì bị 6 đối tượng dùng gậy gộc và dao phát bất ngờ tấn công hành hung. Đồng chí Việt bị một nhát dao chém vào đỉnh đầu, vết chém dài 7 cm gây chấn thương sọ não, nứt xương cánh tay trái và bị đa chấn thương phần mềm toàn thân.

Bên cạnh những vụ tấn công lộ diện, nhiều nơi, kiểm lâm bị đối tượng tấn công giấu mặt, hành động bất ngờ. Theo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa, trong 10 tháng đầu năm 2011, địa bàn xảy ra 5 vụ chống trả kiểm lâm và nghiêm trọng nhất là vụ xảy ra hồi tháng 8/2011. Trong đêm tối, đối tượng đã ném mìn tự tạo vào chỗ ở của các cán bộ Trạm kiểm lâm Mỹ Tân (huyện Ngọc Lặc) khiến 1 kiểm lâm viên bị thương. “May mà lúc đó chỉ có 1 đồng chí trú tại trạm, nếu không chưa thể lường hết thương vong”, đồng chí Việt - Trưởng phòng Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa nhớ lại.

Khó “đánh”, nhờn luật

Ông Phạm Thanh Lâm, Chi Cục trưởng Chi Cục kiểm lâm Quảng Nam: “Nên công nhận kiểm lâm viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ là liệt sĩ” Mấy năm trước, Chi cục Quảng Nam chúng tôi đã mất ba đồng chí kiểm lâm hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ. Mặc dù chúng tôi đã kiến nghị xét chế độ liệt sĩ cho các đồng chí này nhưng vẫn chưa được. Cơ quan chức năng cho rằng đó là những trường hợp tai nạn thông thường khi truy đuổi lâm tặc hoặc khi lặn để trục vớt gỗ trong quá trình truy quét. Theo chúng tôi, nên xem xét công nhận chế độ liệt sĩ cho các trường hợp kiểm lâm không may và hy sinh khi làm nhiệm vụ. Thế mới động viên được tinh thần anh em trong ngành mà gia đình, thân nhân, con cái của các đồng chí cũng được hỗ trợ và quan tâm xứng đáng.

Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có trên 13 triệu ha rừng. Nhiều năm qua, nơi đây được xem là trọng tâm về lâm nghiệp cả nước và cũng là nơi có nhiều vụ phá rừng, vi phạm lâm luật. Riêng tình trạng chống người thi hành công vụ, trong 10 tháng đầu năm, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên nghiêm trọng nhất cả nước, với 76 vụ, làm 42 người bị thương.
Theo đánh giá của Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hầu hết các vụ chống người thi hành công vụ đều có tổ chức, có biểu hiện xúi giục. Đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi chống trả lực lượng bảo vệ rừng chủ yếu là người dân bị đầu nậu kích động, mua chuộc, đồng bào dân tộc thiểu số bị các đối tượng khác kích động, xúi giục tập trung đông người tham gia.

Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị cho rằng, nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng trên là do hiện nay, gỗ và lâm sản quý hiếm đang có giá trị lớn trên thị trường. Trong khi đó, đời sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sống gần rừng còn khó khăn.

Về phần mình, lực lượng kiểm lâm cũng có những cái khó. “Phương tiện, trang bị phục vụ công tác chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao”, ông Triệu Văn Lực nói. “Việc đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các đối tượng chống người thi hành công vụ có lúc, có nơi còn chưa kiên quyết, kịp thời, không đủ sức răn đe, giáo dục phòng ngừa. Một số trường hợp, do giải quyết các vụ việc trước đó không nghiêm dẫn đến các đối tượng vi phạm “nhờn luật” và coi thường kỷ cương pháp luật”.

Trong khi đó, không ít cán bộ kiểm lâm cho rằng, đối tượng hiện nay chống người thi hành công vụ là những đối tượng rất khó xử lý. Thậm chí, có quan hệ xã hội rất lớn. Nếu kiểm lâm mà “đụng vào” thì ngay lập tức sẽ có can thiệp nọ, tác động kia. Đó là chưa kể, còn một lý do là việc thiết lập một trật tự trong quản lý bảo vệ rừng ở một số nơi trước đây làm không tốt dẫn đến chuyện “nhờn luật”.

Mạnh Minh

Không để kiểm lâm “đơn thương độc mã”
Không để kiểm lâm “đơn thương độc mã”

Muốn ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ, cần xác định đây không phải là trách nhiệm của riêng lực lượng kiểm lâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN