Làm rõ sai phạm trong đấu thầu Dự án xử lý chất thải công nghiệp

Liên quan đến những sai phạm của Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) trong quá trình khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), chiều 5/8, thông tin với báo chí tại cuộc họp do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, đại diện lãnh đạo Công ty này đã thừa nhận những tồn tại, thiếu sót trong công tác đấu thầu dự án, dẫn đến dự án bị chậm tiến độ.

 

Thiết bị nằm dầm mưa dãi nắng do chậm tiến dộ dự án. Ảnh: laodong.com.vn

 

Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải công nghiệp để phát điện tại xã Nam Sơn do tổ chức NEDO của Nhật Bản viện trợ (nằm trong chương trình hợp tác khoa học kỹ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản theo chương trình Viện trợ Xanh – GAP). Xác định đây là một trong những dự án môi trường quan trọng và là dự án mẫu đầu tiên tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội đã giao Công ty Urenco làm chủ đầu tư, dự án sau khi hoàn thành sẽ được nhân rộng ở Việt Nam và khu vực.

 

Tổng mức đầu tư của dự án lên tới hơn 612 tỷ đồng; trong đó, phía Nhật Bản cung cấp phần thiết bị chính của nhà máy với kinh phí tài trợ hơn 472 tỷ đồng, ngân sách thành phố cấp vốn đối ứng hơn 140 tỷ đồng để thực hiện toàn bộ phần xây lắp.

 

Theo ông Nguyễn Xuân Huynh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Urenco, hiện nay toàn bộ thiết bị phục vụ dự án đã được vận chuyển đến “chân” công trình và được bảo quản trong điều kiện tốt nhất để chuẩn bị đưa vào sử dụng. Cùng với đó, chủ đầu tư đã triển khai đấu thầu rộng rãi trong nước gói thầu số 1 về thiết kế kỹ thuật, cung cấp, mua sắm các thiết bị phụ trợ của nhà máy và xây dựng, lắp đặt, tổ chức đào tạo vận hành với tổng giá trị gần 108 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố. Liên danh Công ty cổ phần Lilama 691 và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn thiết kế Cimas đã trúng thầu gói thầu này.

 

Điều đáng nói là trong quá trình triển khai đấu thầu gói thầu số 1 này, chủ đầu tư đã vi phạm các quy định của pháp luật về đấu thầu. Cụ thể, theo kế hoạch đấu thầu đã phê duyệt thì hình thức hợp đồng là trọn gói, song do khối lượng công việc xây dựng nhà máy chưa đầy đủ, không phù hợp với hình thức này nên trong hồ sơ mời thầu phía tư vấn đưa ra hình thức hợp đồng theo đơn giá cố định.“Đúng quy định thì chủ đầu tư phải báo cáo thành phố để xin phê duyệt điều chỉnh hình thức hợp đồng trong kế hoạch, nhưng do sức ép về tiến độ nên chủ đầu tư “vội vàng” mở thầu mà chưa xin phê duyệt điều chỉnh”, ông Huynh nói. Do đó, trong quá trình thương thảo hợp đồng, chủ đầu tư và nhà thầu nhận thấy được cái sai giữa hồ sơ mời thầu với kế hoạch đầu thầu và thông báo trúng thầu nên rất lúng túng trong việc xử lý tháo gỡ.

 

Hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã rà soát, nghiên cứu kỹ toàn bộ hồ sơ trong quá trình đấu thầu của dự án và có văn bản báo cáo thành phố nêu rõ sai sót của chủ đầu tư và đề xuất hướng xử lý, giải quyết theo luật định. UBND thành phố Hà Nội cũng đã xem xét, chấp thuận về nguyên tắc cho phép chủ đầu tư thực hiện gói thầu số 1 theo nội dung hồ sơ mời thầu đã phê duyệt; giao chủ đầu tư có trách nhiệm kiểm tra quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu, thông báo trúng thầu đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, không để nảy sinh vướng mắc, khiếu kiện trong đấu thầu. Thành phố cũng yêu cầu chủ đầu tư làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể có liên quan đến gói thầu số 1, báo cáo thành phố.

 

Lý giải những thiếu sót trên của chủ đầu tư, ông Nguyễn Quốc Khánh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đồng thời là Tổ trưởng Tổ công tác (bao gồm đại diện các sở, ngành liên quan, tổ chức NEDO và Công ty Hitachi Zosen để giúp chủ đầu tư thực hiện dự án) cho biết: Đây là dự án chưa được đào tạo thường niên, quá trình lập dự án đầu tư của Hitachi Zosen cũng gặp nhiều vướng mắc và chậm báo cáo nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

 

Ông Khánh cho biết, chậm nhất là 20/8/2014 phía chủ đầu tư phải thực hiện xong việc điều chỉnh kết quả đấu thầu gói thầu số 1 theo đúng quy định pháp luật; hoàn chỉnh thương thảo, ký kết hợp đồng kinh tế. Đồng thời chủ đầu tư phải tập trung chỉ đạo nhà thầu và Công ty Hitachi Zosen đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành dự án trước 8/6/2016.

 

Minh Nghĩa

Hà Nội: Hầu hết dự án nhà ở cho thuê bị chậm tiến độ
Hà Nội: Hầu hết dự án nhà ở cho thuê bị chậm tiến độ

Kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương, đầu tư dự án, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố có khoảng 34 dự án đang triển khai nhưng chưa hoàn thành toàn bộ dự án để đưa vào sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN