Lái xe dịp Tết cẩn trọng: Uống rượu bia có thể bị phạt 18 triệu đồng

Ngoài bị phạt tiền, những người lái xe sau khi uống rượu, bia còn chịu hình phạt bổ sung khá nặng là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 4 đến 6 tháng.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/8/2016 quy định các mức phạt liên quan đến hành vi điều khiển xe khi lái xe đã uống rượu, bia cụ thể như sau:

Cảnh sát giao thông Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội tiến hành kiểm tra nồng độ cồn của điều khiển phương tiện tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Lê Thánh Tông. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Điều 5 quy định việc xử phạt đối với người điều khiển ô tô có các mức:

- Phạt tiền từ 2 triệu đến 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Ngoài ra, áp dụng thêm hình phạt bổ sung; tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng.

- Phạt tiền từ 7 triệu đến 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra, áp dụng thêm hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng GPLX từ 3 tháng đến 5 tháng.

- Phạt tiền từ 16 triệu đến 18 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra áp dụng thêm hình phạt bổ sung, tước quyền sử dụng GPLX từ 4 tháng đến 6 tháng.

Tại điều 6 quy định việc xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) với các mức cụ thể như sau:

- Phạt tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng đối với người Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra áp dụng thêm hình phạt bổ sung; tước quyền sử dụng GPLX từ 1 tháng đến 3 tháng;

- Phạt tiền từ 3 triệu đến 4 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Ngoài ra áp dụng thêm hình phạt bổ sung: tước quyền sử dụng GPLX từ 3 tháng đến 5 tháng.

Trong khi đó, đối với xử phạt người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng với các mức phạt từ 400.000 đồng đến tối đa 7 triệu đồng đối với từng trường hợp nồng độ cồn trong người, đi kèm với đó là mức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 2 tháng đến 4 tháng.
Thu Phương
CSGT có được rút chìa khóa xe máy của người vi phạm?
CSGT có được rút chìa khóa xe máy của người vi phạm?

Theo quy định về chức năng và quyền hạn của CSGT, đối với người vi phạm, CSGT phải cư xử chuẩn mực, không được phép rút chìa khóa xe máy của người vi phạm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN