Khu du lịch Bái Đính – Tràng An: Làm khó doanh nghiệp lữ hành

Đầu năm, các tour du lịch hành hương về Tràng An - Bái Đính (Ninh Bình) khá tấp nập. Tuy nhiên, theo phản ánh của các doanh nghiệp lữ hành, cách làm du lịch ở đây còn mang tính chộp giật, thiếu chuyên nghiệp. Thể hiện rõ nhất là việc vận hành tuyến xe điện của chùa Bái Đính.


 

Vé tham quan động Thiên Đường có ghi rõ mẫu công văn của cục thuế, đơn vị bảo hiểm.

 

Anh Nguyễn Hữu Bắc, Phó Giám đốc Công ty du lịch Thái Sơn (Nghệ An), Phó Chủ tịch CLB đường bộ Lào Thái cho biết: “Vừa qua tôi có dẫn đoàn khách đi chùa Bái Đính và mua vé xe điện để khách đi lại cho thuận lợi. Giá vé khứ hồi ghi là 50.000 đồng (đi: 30.000 đồng và về: 20.000 đồng), nhưng tại ga đi, nhân viên không chịu bán vé khứ hồi mà chỉ bán chiều đi vào: 30.000 đồng/khách. Đến lượt chiều về, giá vé ghi rõ là 20.000 đồng/khách nhưng nhân viên thu 30.000 đồng/khách. Khi chúng tôi thắc mắc rằng nếu thu 30.000 đồng thì theo quy định phải sửa lại giá và đóng dấu giá mới trên giá cũ, phải niêm yết ngay nơi bán, đồng thời phải kèm công văn của Cục Thuế Ninh Bình chấp nhận tăng giá và cho phép sử dụng mẫu biểu phí cũ, thì nhân viên bán vé trả lời không biết và chỉ thực hiện theo chỉ đạo từ trên”.


Phải thừa nhận việc đưa vào hệ thống xe điện giúp việc đi lại từ bãi xe vào chùa thuận tiện, tránh được tình trạng chen lấn. Tuy nhiên, theo phản ảnh của các doanh nghiệp lữ hành Hà Nội và khu vực Bắc Trung bộ, trong những ngày vừa qua, có ngày thu nghiêm chỉnh 50.000 đồng, nhưng nhiều hôm nhập nhằng thu 60.000 đồng vé xe điện khứ hồi. “Cách làm này cần phải chấn chỉnh, không để con sâu làm rầu nồi canh”, anh Nguyễn Hữu Bắc cho biết.


 

Vé tham quan KDL Tràng An.

 

Tuy nhiên, gây bức xúc nhất cho doanh nghiệp lữ hành là việc cả với vé xe điện tại chùa Bái Đính (in theo biểu mẫu cho phép của Cục Thuế) và vé khu du lịch (KDL) danh thắng Tràng An (vé tự in) đều không được trả lại sau khi đã kiểm tra. “Sau khi mua vé, khi xuống đò hoặc đi xe điện sẽ bị người điều khiển phương tiện thu lại. Trong khi mỗi vé tham quan chính là 1 hóa đơn VAT. Hiện tượng này đang làm khó cho việc thanh toán của hướng dẫn viên cũng như khó khăn cho doanh nghiệp lữ hành khi báo cáo thuế”, anh Nguyễn Hữu Bắc cho biết. “Đó là chưa kể vé tham quan của KDL Tràng An phát hành là vé nội bộ (chứng từ nội bộ), không có giá trị khấu trừ thuế. Trong khi đó, giá vé tham quan này có trị giá 100.000 đồng/khách. Để so sánh, nếu nhìn vào vé của động Thiên Đường tại Quảng Bình (ảnh 2) sẽ thấy dưới vé ghi công văn do Cục thuế cho phép phát hành. Đó là chứng từ hợp lệ để khách hàng, doanh nghiệp lữ hành khấu trừ thuế và là chứng từ đầu vào hợp lệ để xuất VAT đầu ra cho khách. Đồng thời KDL đó cũng phải căn cứ vào vé xuất ra để nộp thuế cho nhà nước. Vé này cũng ghi rõ mức bảo hiểm và tên đơn vị bảo hiểm cho khách tham quan. Nhưng ở KDL Tràng An là vé nội bộ nên không thể hiện trách nhiệm về bảo hiểm cho du khách, khiến khách nước ngoài khi cầm vé này sẽ thắc mắc hỏi có bảo hiểm hay không, trong khi tham quan tại KDL Tràng An có tiềm ẩn rủi ro khi đi qua hang động, sông nước”, anh Bắc cho biết thêm.


KDL Tràng An đang được quảng bá là điểm đến du lịch chính trong Năm du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng 2013, và hướng đến trở thành di sản thiên nhiên thế giới, do đó việc phát hành vé theo quy chuẩn cũng là việc phải làm trong quá trình hội nhập và minh bạch tài chính. Việc phát hành vé nhưng không trả cuống vé sau khi đã kiểm tra cho khách hàng đang làm khó các doanh nghiệp lữ hành trong việc quyết toán chi phí với cơ quan thuế. Ninh Bình đã bỏ nhiều tiền và công sức để quảng bá, xúc tiến điểm đến du lịch, đừng để việc làm thiếu chuyên nghiệp khiến du khách cảm thấy không yên tâm, hài lòng khi đến đây du lịch.


Bài và ảnh: Trường Giang - Xuân Minh

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN