Khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước

Chiều 8/1, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng Dương Tự Trọng và 6 đồng phạm cùng về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh Doãn Tấn - TTXVN


Tại phiên tòa, nhân chứng Dương Chí Dũng đã khẳng định việc nhận được thông tin từ một cán bộ của ngành công an về việc Dũng sắp bị khởi tố, bắt giam nên tạm lánh một thời gian.

Xét lời khai của Dương Chí Dũng và các bị cáo, Hội đồng xét xử nhận thấy đây là chuyên án được cơ quan nhà nước tiến hành điều tra, thuộc dạng thông tin tuyệt mật của nhà nước nhưng đã có dấu hiệu làm lộ thông tin.

Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát duy trì quyền công tố trước tòa, Hội đồng xét xử xét thấy có cơ sở để khởi tố vụ án hình sự về hành vi cố ý làm lộ bí mật Nhà nước theo quy định tại Điều 263 - Bộ luật hình sự.

Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử đã quyết định khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật Nhà nước ngay tại Tòa và giao cho Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức thực hiện, báo cáo với Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Tòa đã tuyên phạt bị cáo Dương Tự Trọng (52 tuổi, nguyên Phó giám đốc Công an thành phố Hải Phòng, nguyên Phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Tổng cục VII - Bộ Công an) lĩnh án 18 năm tù.

Các bị cáo khác gồm: Vũ Tiến Sơn (47 tuổi, nguyên Phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh 13 năm tù; Hoàng Văn Thắng (43 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh án 5 năm tù; Nguyễn Trọng Ánh (28 tuổi, nguyên cán bộ Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hải Phòng) lĩnh 6 năm tù; Đồng Xuân Phong (39 tuổi, nguyên cán bộ Cục Hải quan thành phố Hải Phòng) lĩnh 7 năm tù; Trần Văn Dũng (tức Dũng “Bắc Kạn”, 45 tuổi, ở Hạ Lý, Hồng Bàng, Hải Phòng) lĩnh 8 năm tù; Phạm Minh Tuấn (52 tuổi, nguyên Giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng) lĩnh 5 năm tù.

Hội đồng xét xử xác định bị cáo chủ mưu, cầm đầu tổ chức đưa nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài là Dương Tự Trọng (em trai Dũng). Vũ Tiến Sơn đóng vai trò tiếp theo, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, trên cơ sở xác định toàn diện lời khai của các bị cáo và các nhân chứng có mặt tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định: Hành vi phạm tội của các bị cáo như cáo trạng truy tố là có cơ sở pháp lý. Các bị cáo đã tham gia tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn. Lời khai của các bị cáo tại phiên tòa phù hợp với nhau, phù hợp với hành trình, thời gian, di chuyển của Dương Chí Dũng từ Hà Nội đi Quảng Ninh, đến thành phố Hồ Chí Minh, tới cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh), Campuchia.

Đối với bị cáo Dương Tự Trọng, mặc dù tại phiên tòa và tại cơ quan điều tra không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng căn cứ vào lời khai của bị cáo Vũ Tiến Sơn và các bị cáo khác thì thấy bị cáo Trọng và các bị cáo khác không hề có mâu thuẫn, lời khai của các bị cáo logic, phù hợp với lời khai của Dương Chí Dũng về hành trình đi trốn.

Mặc dù Dương Tự Trọng không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng Hội đồng xét xử vẫn đủ cơ sở nhận định Dương Tự Trọng là người khởi xướng, chủ mưu, chỉ đạo và giao cho Sơn cùng các bị cáo khác tổ chức đưa anh trai mình trốn ra nước ngoài. Cáo trạng truy tố bị cáo Trọng về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” là đúng người đúng tội. Việc luật sư bào chữa cho Dương Tự Trọng đề nghị tòa trả hồ sơ là không có căn cứ.

Thêm vào đó, bị cáo Trọng nguyên là cán bộ công an cấp cao, biết rõ hậu quả của việc tổ chức cho Dương Chí Dũng bỏ trốn nhưng vẫn cố tình thực hiện. Bị cáo Trọng chưa khai báo rõ ràng, mặc dù có nhiều thành tích trong công tác, gia đình có công với cách mạng nhưng vẫn phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới mang tính chất cảnh cáo, răn đe, phòng ngừa chung.

Hành vi của các bị cáo được Hội đồng xét xử đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng, gây dư luận hoài nghi về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng của Nhà nước. Nếu không bắt được Dương Chí Dũng sẽ gây thất thoát khoản tiền tham ô lớn của Nhà nước. Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội một cách chặt chẽ, chính xác, dùng các thủ đoạn tinh vi nhằm tránh sự truy xét của cơ quan điều tra.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bị cáo Dương Tự Trọng mong được xét xử, đánh giá đúng người đúng tội, xin được mở lượng khoan hồng để những người đứng trước vành móng ngựa có cơ hội làm lại cuộc đời. Cá nhân bị cáo Trọng chấp nhận thi hành bản án. Các bị cáo khác mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Dưới đây là một số hình ảnh phiên tòa:

Quang cảnh phiên tòa lúc tuyên án.



Hội đồng xét xử tuyên án.



Cảnh sát dẫn giải Dương Tự Trọng sau khi tòa tuyên án.


Xe dẫn giải Dương Tự Trọng rời khỏi phiên tòa.




Tin: Kim Anh; Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN