Khổ như di dân tái định cư thủy điện Lai Châu

Đường sá lầy lội, nguy cơ sạt lở cao, mặt bằng chậm tiến độ; hệ thống các công trình xây dựng cơ bản dở dang… là thực trạng tại những nơi ở mới của hàng trăm hộ dân tái định cư thủy điện Lai Châu, thuộc xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.


Nỗi khổ mùa mưa


Chúng tôi có mặt tại Mường Mô vào những ngày mưa như trút nước. Con đường dẫn lên mặt bằng nơi bà con đến tái định cư lầy lội, bùn ngập ngang bánh xe. Một thanh niên đi ngược chiều thấy chúng tôi đang đánh vật với “giao thông tái định cư” liền buông lời: “Đường như này chưa ăn thua gì. Phải đi lên trên nữa thì mới biết được hàng tháng nay người dân chúng tôi chuyển nhà cửa và đồ đạc lên khu tái định cư khổ đến mức nào”. Chỉ nguyên cái cảnh đi lại vậy thôi cũng đủ để ớn lạnh cả người. Hình ảnh xe ô tô chở gạch bị lật nhào, hay phải chèn những tảng đá cỡ lớn dưới bánh xe vì đường dốc quá trơn đã không còn quá xa lạ với bà con tái định cư nơi đây.

 

Mưa gây xói lở, không bảo đảm an toàn cho các hộ dân khi di chuyển về nơi ở mới.


Tại xã Mường Mô, chúng tôi liên hệ với bà Lù Thị Sen, Chủ tịch UBND xã thì chỉ nhận được những câu trả lời lộ rõ vẻ mệt mỏi và căng thẳng. Bà Sen vừa từ mặt bằng Trung tâm tái định cư về. Do đường quá trơn và lầy lội nên xe chở đồ đạc của bà con chết máy quay ngang dốc, gây tắc đường. “Phải huy động máy công trình ra kéo, mãi mới đi được. Mùa mưa khổ lắm. Hầu như ngày nào cũng thế, cứ phải có máy công trình trực, kéo gạt bùn đất mới đi được. Cũng may bà con đã chuyển lên mặt bằng Trung tâm gần hết, nếu không, có muốn chuyển chắc cũng không thể chuyển nổi nữa, bà Sen phàn nàn.


Xã Mường Mô có 8/9 bản thuộc diện phải di chuyển tái định cư, với khoảng 800 hộ dân. Nếu đúng theo kế hoạch ban đầu, đến nay toàn bộ việc di chuyển tái định cư của xã đã phải hoàn thành. Nhưng vì nhiều lý do nên mới chỉ có gần 300 hộ ở các bản Hát Mé, Mường Mô và bản Cang là đã di chuyển. Cụ thể Hát Mé đã hoàn thành di chuyển 45 hộ; bản Mường Mô trên 200 hộ và bản Cang 14 hộ.


Tại nơi ở mới, khoảng một nửa số hộ trên đã hoàn thành việc dựng nhà. Các hộ còn lại vẫn phải ở lán tạm và đang khẩn trương chuẩn bị cho việc dựng nhà mới. Do di chuyển vào đầu mùa mưa nên ngoài việc đi lại vất vả thì mưa gió còn làm bay nhiều lán tạm cùng mái nhà của người dân.


Thời điểm này, dù đã lên nơi ở mới nhưng gia đình bà Lò Thị Hạt, người dân tộc Thái ở bản Trung tâm đang phải dựng lều tạm vì nhà chính đang trong thời gian lắp và chờ lấy thêm gỗ. Trước kia nhà bà ở bản Mường Mô nay mới chuyển lên điểm Trung tâm này từ giữa tháng 6. Do có nhiều đồ đạc nên gia đình phải thuê 4 - 5 chuyến xe mới có thể vận chuyển hết. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi thì khoảng 2 - 3 tháng nữa mới có thể dựng xong nhà. Nói về những vất vả, bà Hạt phân trần, tháng 6 đúng vào mùa mưa nên vô cùng khó khăn khi tháo dỡ, chuyển nhà. Những ngày đầu tiên lên đây vào đúng dịp mưa lốc, nhiều nhà bay hết bạt và mái, hơn nữa nước sinh hoạt trên khu tái định cư này rất yếu và có nhiều hôm mất nước…

 
Ở điểm tái định cư Hát Mé, khi bà con mới di chuyển xong thì gặp phải đợt gió lốc khiến gần như toàn bộ mái nhà và lán tạm của bản bị cuốn phăng. Đến nay, dù hoàn thành di chuyển được gần 3 tháng nhưng Hát Mé vẫn chưa có điện lưới. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và cả việc dựng nhà của bà con. Nhiều người phải tự bỏ tiền thuê máy nổ và mua xăng để phục vụ việc gia công gỗ dựng nhà.


Chênh vênh mặt bằng tái định cư

 


Với các mặt bằng tái định cư, ngoài hệ thống cống rãnh thoát nước cơ bản đã hoàn thành, các công trình khác hầu như đều còn dang dở hoặc chưa được đầu tư. Thậm chí, một số mặt bằng còn chưa hoàn thành việc san gạt, phân lô; một số khác còn có nguy cơ sạt lở cực cao. Riêng ba điểm là Hát Mé, Trung tâm và bản Cang đã có dân chuyển lên thì có công trình nước sinh hoạt tạm. Điểm Trung tâm đã có điện lưới nhưng hệ thống này cũng chưa hoàn chỉnh.


Ghi nhận thực tế cho thấy, tại 6 điểm mặt bằng tái định cư của xã, có 4 điểm trường học đã được xây dựng, nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện chuẩn bị cho năm học mới. Các thầy cô giáo phải dỡ toàn bộ phòng học bằng gỗ ở trường cũ lên để dựng làm lớp học tạm. Do số lượng học sinh ở điểm này đông nên theo các thầy cô giáo, phương án tạm vẫn không thể đáp ứng đủ phòng học. Có thể những học sinh ở đây sẽ phải học trong những phòng lớp tạm một thời gian vì công trình trường lớp dù đang hoàn thiện cũng chưa chắc đã kịp vào đầu năm học mới. Đó là chưa kể đến những điểm bản chưa được đầu tư xây dựng như Nậm Hài và Trung tâm.


Có một nghịch lý nữa là ở các điểm đã được đầu tư xây dựng trường lớp thì mặt bằng di chuyển dân lại chưa được hoàn thiện, như điểm bản Nậm Khao, bản Giẳng. Điểm Nậm Khao chưa có đường để cho dân di chuyển lên, mặc dù mặt bằng đã xong; điểm bản Giẳng thì mặt bằng chưa hoàn thành san gạt.


Đáng quan ngại hơn là nguy cơ sạt lở ở các mặt bằng, nhất là những điểm như Nậm Hài, bản Cang và Trung tâm. Mặt bằng ở đây chỉ là đất mượn, đất san gạt được lu lèn, không có hệ thống kè nên khó tránh khỏi sạt lở. Quan sát các mặt bằng tái định cư mới thấy hết được mối nguy hiểm cận kề này. Những điểm sạt sụt hàm ếch lớn; những thớt đất bị rửa trôi, trượt xuống vài mét bởi nước mưa… Mặt khác, sự chênh lệch giữa các thớt mặt bằng là khá cao, có những điểm thớt trên cách thớt dưới đến 9 m. Điều này gây mất an toàn cho công trình khi được thi công, xây dựng. Với đa số bà con thuộc diện tái định cư khu vực này, đây chính là một trong những lý do họ không muốn chuyển lên nơi ở mới.

Sớm ổn định cuộc sống người dân


Sau nhiều lần liên hệ, chúng tôi “may mắn” gặp được ông Trần Văn Dũng, Trưởng Ban Quản lý dự án Di dân tái định cư tỉnh Lai Châu.


Trao đổi về những vấn đề trên, chúng tôi chỉ nhận được những câu trả lời không mấy rõ ràng. Ông Dũng cho biết, đến thời điểm này tất cả các hộ di chuyển lên các mặt bằng mới đều được kéo điện, kéo nước đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, bà con đang tích cực dựng nhà trên mặt bằng mới. Vấn đề khó khăn nhất bây giờ là giao thông đi lại, mặc dù thời tiết mưa dài nhưng Ban đã chỉ đạo các nhà thầu bảo đảm giao thông, tích cực tạo điều kiện cho người dân di chuyển đồ đạc.


Về việc sạt lở trên một số mặt bằng tái định cư, quan điểm thiết kế ngay từ đầu là tất cả các hộ dân đều được bố trí trong nền đất thổ ổn định. Duy chỉ có mặt bằng Trung tâm là nền đất đắp, nhưng do làm đúng các quy trình nên không có việc sạt lở. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, đất chủ yếu là đất cát pha, cát mái, sang mùa mưa, nước chảy đã thành các rãnh. Cuối mùa mưa, Ban quản lý sẽ cho các nhà thầu đắp, sửa và hoàn thiện lại.


Ở những chỗ sạt lở lớn, Ban quản lý sẽ cho xây khắc phục, vì theo thiết kế, ở những mặt bằng này không có hạng mục kè và nếu tiến hành xây dựng sẽ không được Nhà nước quyết toán. Cho đến nay, các mặt bằng đã ổn định và đang phân công các nhà thầu trực lũ.


Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý dự án di dân tái định cư tỉnh Lai Châu khẳng định: Những khó khăn trên cơ bản sẽ sớm được giải quyết khi mùa mưa kết thúc. Đến cuối năm 2014, Ban quản lý sẽ phấn đấu hoàn thành công tác di dân tại đây.


Trong lúc này, người dân tái định cư Mường Mô vẫn phải sinh sống hàng ngày trong bộn bề khó khăn. Chỉ người dân mới hiểu hết được cái khó, cái khổ của mình. Hơn nữa, hầu hết các công trình thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt đời thường của người dân vẫn đang được thi công dở dang, chưa rõ khi nào mới có thể hoàn thiện xong.


Bài và ảnh: Quang Duy

Thủy điện phải đạt nhiều mục tiêu ngoài điện
Thủy điện phải đạt nhiều mục tiêu ngoài điện

Đối với phát triển thủy điện, một số nơi đặt nặng lợi ích phát điện mà chưa chú trọng đúng mức lợi ích của các bên liên quan đến cấp nước, điều tiết dòng chảy phục vụ sản xuất, bảo đảm cuộc sống cho người dân vùng hạ du.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN