Khó khăn “chặn” sừng tê giác qua cửa khẩu

Là cơ quan kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, tạm nhập - tái xuất động thực vật hoang dã, Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Việt Nam hiện gặp không ít khó khăn khi thực thi nhiệm vụ chống buôn bán trái phép sừng tê giác.

Tang vật các vụ nhập khẩu trái phép sừng tê giác bị phát hiện tại Sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Ảnh: CITES Việt Nam

Cái chết thương tâm của tê giác một sừng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên (năm 2011), khiến trên lãnh thổ nước ta hiện nay không còn con tê giác nào. Tuy nhiên, thị trường sừng tê giác vẫn âm thầm hoạt động. Và theo nhận định của Cục điều tra chống buôn lậu (Tổng Cục hải quan), hầu hết số sừng tê này là từ nước ngoài tạm nhập vào Việt Nam qua đường hàng không (chủ yếu từ Nam Phi) sau đó tái xuất đi nước thứ ba.


“Đây là con đường đang diễn biến phức tạp”, ông Phạm Ngọc Việt, Phó Trưởng phòng Tham mưu Tổng hợp - Cục điều tra chống buôn lậu nhận định tại hội thảo chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức giảm cầu sử dụng tê giác” do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam (Tổng cục Lâm nghiệp - Bộ NN&PTNT) và Human Society International tổ chức ngày 27/8, tại Hà Nội.


Táo tợn, tinh vi


Theo thống kê của ngành Hải quan, từ đầu năm 2008 đến giữa tháng 8/2013, toàn ngành đã bắt giữ được 13 vụ vận chuyển trái phép, với gần 121,5 kg sừng tê giác. Nếu nhân với “giá chợ đen” khoảng 50.000 USD/gram sừng tê, thì giá trị của những chuyến hàng “chưa trót lọt” này thật khổng lồ.


Vì lợi nhuận lớn, các đối tượng buôn bán sừng tê giác sẵn sàng vận chuyển những “đơn hàng” có giá trị lớn. Tháng 2/2012, tại sân bay quốc tế Nội Bài, 2 hành khách nhập cảnh trên chuyến bay từ HongKong - NoiBai đã bị phát hiện vận chuyển trái phép 22 kg sừng động vật (nghi là sừng tê giác). Trước đó, tháng 1/2013, Cục Hải quan TP.HCM kiểm tra, phát hiện, bắt giữ 1 hành khách nhập cảnh đi từ Môdămbích quá cảnh qua hai địa điểm là Đôha (Quata) và Băngcốc (Thái Lan) đến Việt Nam. Tang vật thu giữ 16,5 kg nghi là sừng tê giác.


“Việt Nam đã bị đưa ra như là nước nhập khẩu sừng tê giác nhiều nhất thế giới”, theo Human Society International. Những lời thêu dệt về công dụng của sừng tê giác (đôi khi thiếu căn cứ khoa học) khiến một số người tin rằng đây là liều thuốc chữa bệnh hoặc đồ làm quà tặng giá trị.

Các đối tượng móc nối với nhau tạo thành các đường dây chặt chẽ có tổ chức, với quy mô xuyên quốc gia. Một số đối tượng là người Việt Nam mua bán, săn bắn tê giác tại Nam Phi sau đó vận chuyển về Việt Nam hoặc qua nước khác, rồi đưa sang Trung Quốc. Nhiều vụ buôn lậu, các đối tượng sử dụng chiêu thức “hàng một chuyến, người một chuyến”. Nhưng hiện nay, rất khó xác minh các doanh nghiệp trong nước đứng tên nhận các lô hàng vi phạm vì không đủ căn cứ xác định có sự thông đồng với người gửi hàng. Còn việc xác minh các đối tượng nước ngoài gửi hàng hoá vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về hệ thống pháp luật.


Thêm vào đó, là những khó khăn trong xử lý mẫu vật. Hiện nay, Việt Nam chưa có kho (quy mô quốc gia) để bảo tồn, lưu giữ những mẫu vật được phát hiện từ các vụ bắt giữ buôn lậu sừng tê giác. Mẫu vật thu giữ được các cơ quan Hải quan, công an... tạm giữ trong quá trình điều tra. Các sừng tê giác tươi vừa mới cắt rất dễ bị hỏng do không có kho chuyên dụng và kinh phí để bảo quản một cách đảm bảo. “Có khá nhiều mẫu vật bị mốc, mối mọt” - các lực lượng thực thi phản ánh về bộ phận tham mưu của Cục điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan. Điều này gây khó khăn cho quá trình tố tụng về sau, khi tang vật bị hư hỏng hết.


Bên cạnh đó, đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể các tình tiết định khung, tăng nặng với các hành vi buôn lậu sừng tê giác (hàng cấm có số lượng lớn, số lượng rất lớn, số lượng đặc biệt lớn). “ Do đó, việc đánh giá mức độ vi phạm của đối tượng trở nên khó khăn ” - một cán bộ Cục cho biết.


Mặt khác, trang thiết bị và phương tiện chuyên dụng phục vụ chống buôn lậu và gian lận thương mại ở nước ta nói chung còn ít, kinh phí cho nhiệm vụ này còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, các thủ đoạn cất giấu sừng tê giác ngày càng tinh vi. Lợi dụng việc chó nghiệp vụ hầu như chưa được huấn luyện để phát hiện loại hàng này, các đối tượng vi phạm đã sử dụng các chất liệu bao gói đặc chủng để máy soi không có tác dụng. “Việc phát hiện sừng tê vận chuyển lậu chủ yếu dựa trên kinh nghiệm của cán bộ hải quan” - ông Phạm Ngọc Việt cho biết. Nhưng lực lượng trực tiếp làm công tác đấu tranh chống buôn lậu động thực vật hoang dã vẫn còn mỏng. Tại các chi cục, mỗi tổ khoảng 5 người phải chịu trách nhiệm kiểm soát đấu tranh hành vi buôn lậu tất cả các loại hàng hóa.


Cần cơ chế phối hợp thông tin


Hiện nay giữa Việt Nam và Nam Phi (nơi được đánh giá là “điểm xuất phát” của các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép sừng tê giác) chưa có đường bay thẳng. Từ khi giữa Việt Nam và Nam Phi ký hợp tác để bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học (trong đó có việc đấu tranh chống săn bắt, buôn bán trái phép mẫu vật tê giác), con đường vận chuyển sừng tê giác “vòng vèo” hơn, qua một số quốc gia. Nhiệm vụ của lực lượng Hải quan trong đấu tranh chống buôn bán vận chuyển trái phép sừng tê giác càng nhiều khó khăn.


Trong khi đó, gần như không có thông tin từ “đầu dây” để phía Hải quan đón lõng các vụ buôn lậu này.


“Chúng tôi cần tăng cường thiết lập cơ chế phối hợp liên ngành hiệu quả, trong đó có vai trò của các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội... ở tất cả các khâu, từ tổ chức tuyên truyền vận động, đào tạo nhận biết các loài hoang dã cần được bảo vệ... đến phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý” - ông Phạm Ngọc Việt phát biểu. Việc xây dựng các đầu mối trao đổi thông tin thường xuyên về tội phạm trong lĩnh vực này ở các nước láng giềng và nước xuất xứ là vô cùng quan trọng, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về thông tin xác minh, điều tra.


Ngành Hải quan cũng kiến nghị: Cần xây dựng đầu mối điều phối hoạt động đấu tranh chống buôn bán trái phép sừng tê giác tại các địa bàn trọng điểm như sân bay quốc tế Nội Bài - TP Hà Nội, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất - TP.HCM.


Việc tập huấn nhận dạng loài, áp dụng Cites, các xu hướng và thủ thuật buôn lậu, luật pháp liên quan mới ban hành - những kiến thức về động thực vật hoang dã cũng rất cần được tổ chức thường xuyên cho các cơ quan thực thi pháp luật.


Thùy Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN