Khi học sinh mang dao đến trường

Học sinh lận dao đến trường gây án đang là một vấn nạn nhức nhối tại các tỉnh miền Tây. Mức độ vi phạm ngày càng thường xuyên, táo bạo và manh động. Những vụ án giết, truy sát nhau trên phố… bắt nguồn từ những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng.

Chỉ trong vòng một tháng, Công an phường 6, TP Trà Vinh (Trà Vinh) đã xử lý 3 vụ đánh nhau, có hung khí của nhóm học sinh Trường THPT Minh Trí 2. Nổi cộm là Trần Phước Sang, học sinh lớp 7, học sinh cá biệt thường lận dao trong cặp để gây hấn, chém bạn học gây thương tích.

Chiều 19/9/2011, nhóm của Sang bị nhóm của Thạch Hoàng Nam (13 tuổi, ngụ phường 9, TP Trà Vinh) chặn đánh trước cổng trường sau giờ tan học. Bị tấn công, Sang rút dao trong cặp chém Nam bị thương. Đang thất thế, bất ngờ nhóm của Nam xuất hiện thêm 2 đối tượng cầm thanh sắt, rượt chém nhóm Sang gây náo loạn trên đường phố.

Sự việc chỉ dừng lại, khi có sự can thiệp của lực lượng Công an phường 6 phát hiện, ngặn chặn. Tiếp đó, ngày 29/11/2011, nhóm của Sang lại gây náo loạn, rượt chém bạn học như trong phim, khiến Lưu Anh Tú (ngụ phường 1, TP Trà Vinh) phải nhập viện cấp cứu. Sau vụ ẩu đả, cơ quan Công an thu giữ 5 con dao, cùng một số tang vật liên quan.

Nguyên nhân vụ việc, là do giữa 2 nhóm Sáng và Tú có mâu thuẫn với nhau và đã nhiều lần hẹn ra công viên giải quyết nhưng bất thành. Tối cùng ngày, hai nhóm gặp nhau tại công viên, lời qua tiếng lại, 2 bên dùng dao và đèn neon xông vào tấn công nhau, gây náo loạn trong đêm.

Còn trường hợp của Nguyễn Hoài Nam - học lớp 10 (ngụ xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, Trà Vinh), mới 15 tuổi, đã có nhiều tai tiếng dữ dằn: "săm mình" và lận dao bấm đến trường, hành xử theo kiểu giang hồ. Là con Út, Nam được gia đình cưng chiều, nên không chịu học tập mà quan hệ với các thành phần bất hảo ngoài xã hội, thường xuyên tụ tập đánh nhau, gây rối trật tự công cộng.

Nhiều lần bị nhà trường kỷ luật nhưng Nam vẫn chứng nào tật nấy. Và sau đó, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ đã rút dao đâm chết bạn học. Sự việc xảy ra vào tối 17/12/2011, sau chầu nhậu Nam cùng một vài người bạn đến uống nước tại quán cà phê gần nhà.

Khi đó, trong quán có Trần Ngô Trung Tín và Nguyễn Minh Cảnh (cùng 15 tuổi, học sinh lớp 10, ngụ tại địa phương) đang ngồi uống nước. Cho rằng nhóm của Tín " nhìn đểu " nhóm mình, nhóm của Nam đã xông tới đánh Cảnh và bất ngờ Nam rút dao bấm đâm trọng thương Tín, khiến nạn nhân chết trên đường đi cấp cứu.


Cán bộ Công an Trà Vinh tuyên truyền về biện pháp phòng chống tội phạm, bạo lực học đường cho các em học sinh.


Trước đó, vào tối 6/12/2011, một vụ truy sát giữa băng nhóm là học sinh, sinh viên với nhau gây náo loạn trên đường Hòa Bình quận Ninh Kiều (Cần Thơ) làm Nguyễn Sơn Hải, bị thương tật vĩnh viễn 25% và Nguyễn Hoàn Tuấn, bị thương tật vĩnh viễn 12%.

Vụ truy sát trên bắt nguồn từ mâu thuẫn giữa 2 nữ sinh Trần Hồng Tâm và Phạm Hoàng Kim Ngọc cùng học tại Trường THPT Phan Ngọc Hiển (TP Cần Thơ). Tâm gọi cho bạn trai của mình là Lê Thanh Võ đến giải quyết. Trưa cùng ngày, sau khi tan học, Võ hẹn Ngọc ra quán trà sữa gần cổng trường để giải quyết.

Khi đó, trong quán nhóm của Võ có, Tâm, Tí và Khoa và nhóm của Ngọc có, Huỳnh Đức Duy (bạn trai Ngọc), Huy, Tài và Tí "lé". Nhập trận, hai bên vừa nói chuyện được vài câu, nhóm của Võ rút mã tấu chém vào đầu làm Tài gục tại chỗ rồi lên xe tẩu thoát. Đến 20h tối cùng ngày, Duy tập hợp được 11 người lên xe gắn máy mang theo dao, mã tấu… truy tìm nhóm của Võ để trả thù và ra "tối hậu thư" gặp đâu chém đó.

Khi phát hiện nhóm của Võ gồm: Tí, Nguyễn Hoàng Tuấn, Khoa, Nguyễn Sơn Hải và Võ nên nhóm Duy đã thẳng tay truy sát. Tí, Võ, Khoa chạy thoát, còn lại Hải và Tuấn chạy đến trước nhà số 6, đường Nguyễn Trãi (phường An Hội, quận Ninh Kiều) thì bị Kỳ dùng xe lao thẳng vào làm Hải, Tuấn té xuống đường, bị cả nhóm của Duy xông vào dùng dao, mã tấu, ống sắt đánh, chém trọng thương.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã tạm giữ 5 đối tượng liên quan, một trong hai nữ sinh có liên quan đến vụ truy sát đã nghỉ học. Thầy Nguyễn Văn Nhỏ - Hiệu trưởng Trường Phan Ngọc Hiển cho biết, trường có đến hơn 2.000 học sinh, nhà trường chỉ quản lý việc học tập, giờ giấc của học sinh trong giờ học. Còn các mối quan hệ ngoài xã hội của học sinh thì nhà trường không thể quản lý. Nguyên nhân xảy ra tình trạng bạo lực, học sinh sử dụng hung khí giải quyết mâu thuẫn là do phụ huynh thiếu quan tâm đến con mình, cũng như các mối quan hệ ngoài xã hội của học sinh… chỉ đến khi xảy ra chuyện mới tỏ ra hối hận.

Giữa năm 2009, Công an TP Cần Thơ, Hậu Giang phối hợp triệt phá băng cướp dùng hung khí tấn công người đi đường, cướp tài sản trên quốc lộ 1A (tuyến đường giáp ranh 3 địa phương là Sóc Trăng - Hậu Giang - TP Cần Thơ), bắt giữ 11 đối tượng gây xôn xao dư luận vì sự táo bạo của bọn chúng khi gây án. Kết quả điều tra xác định, chỉ trong vòng 3 ngày, băng cướp này đã gây ra 20 vụ cướp, giết hết sức dã man, làm 1 người chết, 4 người bị thương. Điều đáng nói, 2 trong 11 đối tượng bị bắt giữ là học sinh đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tại thời điểm, thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Đức Thuấn và Tô Khánh Chương (khi đó đang là học sinh 12, Trường THPT Nguyễn Việt Dũng), các trinh sát thu giữ trong cặp của đối tượng 2 con dao… trước sự ngỡ ngàng của nhà trường và các bạn học chung lớp.

Trước thực trạng thanh, thiếu niên sử dụng hung khí gây án diễn ra phức tạp, Công an các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực, nhằm kéo giảm các vụ phạm pháp hình sự do lứa tuổi thanh thiếu niên gây ra, bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Đầu năm 2012, Ban công tác thanh niên Công an tỉnh Trà Vinh đã triển khai mô hình "Tuyên truyền pháp luật, phòng chống tình trạng bạo lực học đường trong học sinh", góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường và hướng dẫn học sinh biết cách xử lý tình huống khi xảy ra. Sau khi thí điểm tại Trường THCS Lý Tự Trọng (TP Trà Vinh), mô hình đã mang lại những kết quả khả quan.

Còn tại Cần Thơ, từ năm 2007, Ban công tác thanh niên Công an thành phố đã triển khai mô hình "Mỗi chi đoàn nhận cảm hóa, giáo dục cho 1-2 thanh niên chậm tiến ở địa bàn dân cư", đến nay mô hình đã cảm hóa, giáo dục việc làm cho 26 thanh, thiếu niên chậm tiến. Tuy con số này còn khá khiêm tốn nhưng nó đã thể hiện sự nỗ lực rất lớn của các đoàn viên thanh niên tại các chi đoàn Công an cơ sở.


Theo cand.com.vn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN