"Hiệp sĩ đường phố" 17 tuổi với hơn 90 vụ truy bắt tội phạm

Gặp Nguyễn Hồ Thế Lộc trong Liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, "Sống đẹp vì cộng đồng" tỉnh Bình Dương năm 2011, chúng tôi thực sự bất ngờ về bảng thành tích mà anh lập được sau hơn 1 năm tham gia Câu lạc bộ phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (CLBPH), thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Bất ngờ là bởi anh còn rất trẻ, mới 17 tuổi, vóc dáng khá nhỏ bé cộng thêm chút thư sinh, khác với tưởng tượng của nhiều người về một “Hiệp sĩ đường phố” gân guốc, và trên hết là bảng thành tích “đáng nể” mà Lộc có được.

Là con một trong một gia đình có ba làm nghề buôn bán, mẹ đi giúp việc cho các xí nghiệp tại phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một, học hết lớp 7, Lộc nuôi ước mơ trở thành một thợ cắt tóc để kiếm tiền phụ giúp ba mẹ và tự nuôi sống bản thân. Đang học dở nghề tóc, Lộc bị “cuốn” vào “đam mê” săn bắt tội phạm lúc nào không hay. Hỏi ra mới biết, ngày nào anh cũng đọc báo, xem truyền hình nên hình ảnh các “Hiệp sĩ đường phố” dũng cảm truy bắt tội phạm cứ như một “ma lực” với sức hút ghê gớm đối với anh.

Anh Nguyễn Thanh Hải, Chủ nhiệm CLBPH cho hay, cũng vào thời điểm đang học dở nghề tóc, Lộc nghe theo bạn bè tụ tập đua xe, gây náo loạn phố phường mặc cho ba mẹ rầy la. Nhận thấy Lộc là một thanh niên có nhận thức tốt nhưng bị lôi kéo, anh Hải vừa răn đe, vừa động viên Lộc từ bỏ việc đua xe, tham gia Câu lạc bộ của anh để đóng góp cho xã hội. Được sự động viên của anh Hải cộng thêm đam mê ấp ủ bấy lâu, đúng dịp lễ Noel năm 2009, Lộc “trốn” gia đình xin tham gia CLBPH. Nói là trốn bởi ba mẹ anh ban đầu kiên quyết phản đối và ngăn cấm vì nhận thấy nghề săn bắt tội phạm tiềm ẩn quá nhiều nguy hiểm. “Nay ba mẹ em đã thoải mái hơn và chỉ nhắc nhở em phải cẩn thận trong từng hành động” - Lộc chia sẻ. Còn anh Hải chia sẻ đầy tự hào: “Là một thành viên trẻ nhất trong số tất cả các “Hiệp sĩ đường phố” trên địa bàn tỉnh và mới chỉ tham gia CLBPH được 1 năm rưỡi nhưng Lộc đã tham gia truy bắt hơn 90 vụ phạm tội. Điểm mạnh của Lộc là khả năng nhận diện đối tượng nghi vấn rất nhanh và chính xác”.

Hai tên trộm khuất phục trước các "hiệp sĩ SBC". Ảnh: Internet


Lộc cho biết, để trở thành một “Hiệp sĩ’ thực thụ, thời gian ban đầu không hề dễ dàng như anh nghĩ. Các thành viên có kinh nghiệm trong CLBPH yêu cầu Lộc học hỏi kỹ lưỡng cách theo dõi đối tượng, cách giữ khoảng cách, chạy xe, nhận xét đối tượng... Dần dà, anh được tham gia truy bắt nhiều loại tội phạm, từ trộm cắp xe máy, cướp giật, rải đinh đến sử dụng ma túy. Theo Lộc, những kẻ lưu manh khi bị truy đuổi đến cùng sẽ dùng mọi hung khí có được để kháng cự, thậm chí tử thủ. Nhẹ thì dùng mũ bảo hiểm, giày dép, côn gỗ đánh lại "Hiệp sĩ”, nguy hiểm hơn thì dùng dao, mã tấu, kể cả súng để chống cự đến cùng. Lộc cho chúng tôi xem dấu tích một vết thương khá dài và lớn trên ống chân để minh chứng cho những hiểm nguy mà các anh gặp phải. Lộc kể rằng, đấy là vết thương do anh bị 2 đối tượng trộm xe máy ép ngã ra đường khi anh bị mất tay lái trong vụ truy đuổi vào năm 2010.

Tuy nhiên theo anh, đối tượng khó “nhằn” nhất chính là các “đinh tặc”. Thường thì chúng bố trí nhiều tiệm sửa xe để đánh lạc hướng các “Hiệp sĩ”. Ngoài ra, chúng còn nhận sự trợ giúp của các “ăng ten” (những phần tử cảnh giới và đánh động cho các “đinh tặc” khi phát hiện có người theo dõi). Đã nhiều lần, Lộc cùng anh em trong CLBPH phân công nhau theo dõi từng đối tượng cả buổi nhưng đành ngậm ngùi về không do nhận diện nhầm. Sau thất bại, anh em trong CLB nhanh chóng họp lại rút kinh nghiệm để tiếp tục theo dõi, bắt quả tang bằng được các nhóm rải đinh. Có những vụ khó, các anh phải theo dõi cả nửa tháng trời mới bắt quả tang được “đinh tặc”. Bằng sự kiên trì của các anh, đến nay nạn rải đinh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã giảm hẳn, nhiều “đinh tặc” đã hầu tòa và nhận mức án thích đáng.

Chia sẻ chuyện tình yêu, Lộc kể rằng anh có cô bạn gái hơn anh 1 tuổi. Những ngày đầu khi biết anh tham gia CLBPH, cô ra “tối hậu thư”: “Hoặc từ bỏ Câu lạc bộ hoặc chia tay”. Câu trả lời của Lộc cũng “đanh thép” không kém: “Sẵn sàng chia tay nếu không chấp nhận cho anh tham gia CLBPH”. Ấy vậy mà rồi cô cũng nghe anh và chấp nhận, nghe ngóng tin anh và động viên Lộc trong từng giờ truy bắt tội phạm.

Chia tay chúng tôi lúc 22 giờ, Lộc lại vội vã quay trở về trụ sở tổ dân phố để cùng anh em trực an ninh đến tận sáng ngày hôm sau. Anh chia sẻ, mai mốt sẽ ráng đi học lại nghề làm tóc để kiếm thêm thu nhập nhưng nghề “Hiệp sĩ’ thì kiên quyết không bỏ. Anh bảo, nguy hiểm đã nếm trải nhiều và biết chắc sẽ còn không ít nhưng niềm vui từ những gì làm được đã “lấn át” tất cả. Chia tay anh, chúng tôi cứ mãi trăn trở: Phải chăng chính quyền nên có những chính sách đãi ngộ và bảo vệ rõ ràng hơn dành cho những “Hiệp sĩ” như anh. Bởi lẽ, sẽ không sai khi gọi những thanh niên như Nguyễn Hồ Thế Lộc là “các chiến sĩ công an không sắc phục”.

Vũ Hào

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN