Hà Nội xây dựng văn hóa giao thông: Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng

Để giảm ùn tắc, từng bước thiết lập kỷ cương trong giao thông, nhiều giải pháp đã được các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh xây dựng Văn hóa giao thông tại Hà Nội” do Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức chiều 6/1 tại trụ sở Sở Giao thông Vận tải Hà Nội.

Ùn tắc do chưa có văn hóa giao thông

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo khẳng định, một trong những nguyên nhân gây ra ùn tắc giao thông là do người tham gia giao thông chưa xây dựng cho mình văn hóa giao thông (VHGT). Từ công việc hàng ngày của mình, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an thành phố Hà Nội Phạm Văn Hậu cho biết, nguồn gốc của những vi phạm mà người tham gia giao thông mắc phải là họ không quan tâm đến việc họ có được đi hay không (theo đúng quy định của pháp luật) mà chỉ quan tâm đến việc họ có đi được hay không (theo ý thức chủ quan). Điều đó dẫn đến tình trạng “đi lấy được” và ùn tắc giao thông là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, người đi bộ vi phạm luật giao thông quá phổ biến như vi phạm tín hiệu đèn, đi qua đường không đúng nơi quy định mặc dù đã có cầu, hầm hoặc vạch sơn dành cho người đi bộ qua đường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm mà lỗi do người đi bộ.

Thiếu văn hóa giao thông là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc.

Thống kê năm 2011, trên địa bàn Thủ đô có khoảng 100 vụ TNGT và ùn tắc giao thông mà nguyên nhân do người tham gia giao thông không chấp hành đèn tín hiệu. Trong năm cũng xảy 41 vụ chống người thi hành công vụ. Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Nhung (Học viện Cảnh sát nhân dân) đã tiến hành một cuộc khảo sát và chỉ ra 8 nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT trên địa bàn quận Long Biên. Trong 3 năm 2008-2010 trên địa bàn quận này xảy ra 771 vụ TNGT, mỗi năm làm 50 người chết, hơn 230 người bị thương, nguyên nhân chính là do không làm chủ tốc độ, đi sai phần đường; tai nạn xảy ra nhiều vào tháng cuối năm, nạn nhân thường ở độ tuổi trẻ. Ở đây rõ ràng, ý thức của người tham gia không tốt, gây nên hậu quả khôn lường.

Tạo lập văn hóa giao thông

Hà Nội là một trong số ít địa phương đi tiên phong trong cả nước về xây dựng VHGT. Từ năm 2003 đến nay, Hà Nội đã có hơn 20 văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND và các sở, ngành về lĩnh vực an toàn giao thông, trong đó có vấn đề xây dựng VHGT. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Hoàng Long cho biết, sau một thời gian triển khai, nhận thức của đa số cán bộ, đảng viên và người dân Thủ đô về VHGT đã được nâng lên. Tình hình TNGT và ùn tắc giao thông kéo dài trên địa bàn thành phố đã được kiềm chế tích cực. Đặc biệt những năm gần đây, TNGT trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương đều giảm. Tuy nhiên, mỗi khi ra đường vẫn bắt gặp những hành vi chưa có văn hóa của những người tham gia giao thông.

Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi: Nội dung xây dựng VHGT được các ngành, các cấp tập trung tuyên truyền theo mục tiêu “3 cần, 3 không và 3 kiên”. Đó là cần tự giác thực hiện luật, cần tôn trọng trật tự và nhường nhịn nhau, cần tập trung lái xe; không uống rượu, không chen lách xô đẩy, không lấn chiếm vỉa hè; kiên quyết xử lý vi phạm, kiên quyết không để lấn chiếm vỉa hè, kiên quyết không để bất cứ ai mua chuộc. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhung, Học viện Cảnh sát nhân dân: Đấu tranh làm giảm TNGT không phải là trách nhiệm riêng của cảnh sát giao thông, đó còn là trách nhiệm chung của các ngành giao thông, giáo dục, xây dựng..., sự vào cuộc của cả xã hội. Tuy nhiên cảnh sát giao thông phải đi đầu, chỉ ra được những vị trí xung yếu, phân tích những bất cập trong giao thông để tập trung các giải pháp có hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí không cần thiết.

Để tạo lập được VHGT, nhiều đại biểu cho rằng, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung thành từng đợt, để giúp người dân nhớ lâu, ngấm sâu và thực hiện. Hệ thống tuyên giáo của thành phố và các ngành, các cấp cần đẩy mạnh giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo nên một phong trào sâu rộng tới cộng đồng dân cư, trong cơ quan, trường học, qua đó từng bước hình thành hành vi ứng xử văn hóa trong giao thông.

Là chuyên gia trong lĩnh vực an toàn giao thông, ông Nguyễn Văn Dư cho rằng, muốn xây dựng được “nền văn hóa giao thông” thì trước tiên, hãy bắt đầu từ những việc được coi là nhỏ như tuyên truyền người đi ô tô phải thắt dây an toàn, người đi xe máy đội mũ bảo hiểm, không uống rượu bia; từ bỏ thói quen tùy tiện (như đang đi xe máy dừng lại giữa đường mua ngô nướng… chẳng hạn). Ông Dư cho biết, vào những năm 60 của thế kỷ trước, Nhật Bản từng đối mặt với ách tắc và TNGT. Người dân Nhật khi đó ra đường có khẩu hiệu “mời bạn đi trước”, có nghĩa xem nhường đường là nét văn hóa hết sức cần thiết trong tham gia giao thông. “Hà Nội hãy bắt đầu từ việc nhỏ nhất như vậy để hình thành VHGT”, ông Dư nói. Bên cạnh đó, Hà Nội cũng cần đổi mới phương pháp tuyên truyền gắn với thực tiễn, nhất là các nhóm đặc thù như thanh niên, phụ nữ, nông dân; đề cao vai trò của gia đình, nhà trường, kết hợp đồng bộ hai biện pháp: xử phạt và giáo dục; xây dựng thói quen, hành vi ứng xử văn minh; bố mẹ, thầy cô phải là tấm gương sáng về thực hiện VHGT. Đồng thời chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành lang an toàn giao thông để tăng tính ngăn ngừa và răn đe làm cho ý thức người dân về VHGT ngày càng được nâng lên.

Thanh Bình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN