Gian nan xử lý tiêu thụ đồ gian

Mặc dù mua rất nhiều dây chuyền bị đứt của nhiều băng nhóm cướp giật song khi làm việc với cơ quan Công an, chủ tiệm vàng bảo rằng không hề biết mua phải tài sản.... do người khác phạm tội mà có. Thế là thoát tội!
 
Mỗi năm, ở TP Hồ Chí Minh xảy ra hàng ngàn vụ trộm, cướp giật, cướp tài sản… và tất nhiên tài sản trộm, cướp được thì đối tượng phạm tội đều đem bán cho người khác. Thế nhưng, những kẻ bị xử lý về hành vi mua bán đồ gian thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
 
Như trong 11 tháng của năm 2012, cơ quan tố tụng đã khởi tố 3.097 vụ trộm, 1.207 vụ cướp giật tài sản và 408 vụ cướp tài sản nhưng số vụ “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” thì chỉ vài chục vụ. Điều này cũng đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng chưa siết chặt đầu ra của đồ gian - một trong những mầm mống nuôi dưỡng tội phạm. Mà như vậy thì công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm này chưa thể mang lại hiệu quả tốt nhất…
 
Một trong những loại tài sản là đồ gian phổ biến nhất hiện nay là xe gắn máy. Tuy nhiên vì đây là loại tài sản khi mua bán, cầm cố phải chứng minh mình là chủ sở hữu nên kẻ gian khi trộm, cướp được xe đều bán lại cho đường dây tiêu thụ xe gian mà mình quen biết. Từ thực tế các vụ án cho thấy, sau khi mua xe, các đường dây này hoặc “chẻ” thẳng sang biên giới Tây Nam bán qua Campuchia hoặc “xẻ thịt” xe gian rồi bán sỉ lại cho các chợ bán phụ tùng xe gắn máy mà chủ yếu là chợ Tân Thành, quận 5. Một phần nhỏ khác thì làm giả giấy tờ rồi mang đi cầm cố hoặc bán lại cho những người có nhu cầu.
 

Vòng vàng và ĐTDĐ là hai loại tài sản mà kẻ gian dễ dàng mang đi tiêu thụ.

 

Mặc dù trong thời gian vừa qua, Phòng PC 45, Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá nhiều đường dây tiêu thụ xe gian với quy mô hàng ngàn chiếc như đường dây của Nguyễn Ngọc Hoàn (48 tuổi, ngụ phường 12, Gò Vấp); đường dây của vợ chồng Lữ Sỹ Tuấn (43 tuổi, ngụ quận Tân Phú)… thế nhưng những kẻ tiêu thụ xe trộm cắp chưa sa lưới pháp luật thì vẫn còn quá nhiều, bằng chứng là vấn nạn trộm, cướp xe gắn máy chẳng hề thuyên giảm.

 

Bên cạnh xe gắn máy thì các loại tài sản là vòng vàng, điện thoại di động, laptop… luôn được các đối tượng trộm, cướp giật chú ý vì rất dễ tiêu thụ. Để kiểm chứng, tôi ăn mặc khá bụi đời rồi mang một sợi dây chuyền vàng bị đứt đến nhiều tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, Thủ Đức, quận 9 để bán thử thì tất cả đều đồng ý mua. Nhưng chẳng nơi nào hỏi tôi có giấy tờ gì để chứng minh nguồn gốc (hóa đơn mua hàng trước đây) và chỉ mua với giá khoảng bằng 2/3 so với giá thị trường. Tương tự, khi tôi mang laptop, điện thoại di động đến cửa hàng mua bán máy tính, điện thoại di động để bán thì tất cả đều thu mua ngay với cái giá rẻ “bèo”.

 

Qua những lần bán này, tôi đúc kết được rằng, sở dĩ họ ép giá là do nghi ngờ đây là đồ gian. Mà đồ gian thì tha hồ ép giá vì những tên cướp giật gặp lúc “đói” ma túy thì kiểu gì cũng bán. Vì vậy mà không khó để nhận ra rằng rất nhiều cửa hàng mua bán đồ cũ nói chung “sống khỏe” là nhờ lượng hàng gian này. Rõ ràng là vì cái lợi trước mắt mà họ đã tiếp tay cho tội phạm, quên đi tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm của những người công dân.

 

Từ thực tế cho thấy, các đường dây, đối tượng mua bán xe gắn máy là đồ gian khi bị phát hiện thì “hết đường chối cãi”, chắc chắn bị xử lý hình sự. Ngược lại, các tiệm vàng, cửa hàng, tiệm cầm đồ… khi bị tố mua đồ gian mà họ không thừa nhận thì coi như… huề cả làng!

 

Một cán bộ Phòng PC45, Công an TP Hồ Chí Minh bức xúc cho rằng, có những nơi họ thừa nhận đã mua phải hàng gian nhưng bảo do mua “nhầm” thì phía Viện Kiểm sát rất ít khi phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can vì cho rằng “chưa đủ cơ sở”.

 

Điển hình nhất từ trước đến nay mà khi nhắc lại nhiều cán bộ điều tra còn bức xúc đó là việc không xử lý hành vi “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” của 3 chủ tiệm vàng dù hành vi của họ đã rõ mười mươi. Đó là chủ tiệm vàng K.T.S nằm trên đường Bà Hom thuộc địa bàn phường 13, quận 6. Mặc dù tiệm vàng này là nơi mua rất nhiều dây chuyền bị đứt của nhiều băng nhóm cướp giật, đã từng bị Công an quận cảnh cáo, nhắc nhở song vẫn tái phạm. Khi làm việc với cơ quan Công an chủ tiệm thừa nhận đã từng mua 10 sợi dây chuyền bị đứt của khách hàng nhưng bảo rằng không hề biết mua phải tài sản do người khác phạm tội mà có. Thế là thoát tội!

 

 

Theo cand

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN