Gian nan cuộc chiến chống "vàng tặc"

Tình trạng khai thác khoáng sản (chủ yếu là vàng sa khoáng) trái phép trên địa bàn huyện Đam Rông (Lâm Đồng) vẫn diễn ra khá rầm rộ và phức tạp. Dường như cơ quan chức năng vừa dẹp yên được chỗ này thì nơi khác lại bùng lên.

Trên địa bàn huyện Đam Rông hiện có nhiều điểm khai thác vàng trái phép như khu vực Đầm Voi (tiểu khu 212, 215, 216 xã Phi Liêng), khu vực tiểu khu 108, 109, 103, 104 (xã Đạ Tông giáp ranh với huyện Lạc Dương), khu vực Tây Sơn (tiểu khu 178, 179, 180 xã Liêng Srônh) giáp ranh tỉnh Đăk Nông … Theo UBND huyện Đam Rông, từ đầu năm đến nay huyện đã tổ chức hơn 20 đợt truy quét, giải tỏa các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đồng thời lập biên bản tạm giữ và dùng mìn phá bỏ hàng chục loại máy móc, phương tiện, lán trại của các đối tượng đào đãi khoáng sản trái phép.


Máy xúc được đưa vào phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép. Ảnh Báo Lâm Đồng online.

Mới đây, đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đam Rông đã tổ chức một đợt truy quét lớn vào khu vực Tây Sơn (tiểu khu 197 thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông giáp ranh với huyện Đăk Glong, Đăk Nông). Tại đây, đoàn đã phát hiện một “công trường” khai thác vàng khá lớn trên dòng suối Đạ Nhong với 4 lán trại và hàng chục công nhân đào đãi, các phương tiện gồm 6 máy múc, 5 máy nổ, 2 máng đãi… Sau khi đốt và phá hủy nhiều máy móc cùng các loại phương tiện khác, đoàn kiểm tra đã lập biên bản hành chính và tạm giữ 2 máy múc. Ông Nguyễn Ngọc Thanh (Phó phòng Tài nguyên Môi trường huyện Đam Rông) cho biết: “Tiểu khu 197 này chỉ là một phần đầu của khu vực Tây Sơn, còn đoạn dưới trong khu vực này hiện vẫn diễn ra tình trạng khai thác vàng trái phép nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với các ban ngành tiếp tục đi kiểm tra, giải tỏa”.

Tương tự, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhiều năm nay cũng diễn ra tại tiểu khu 108 và 109 (thuộc xã Đạ Tông giáp ranh với huyện Lạc Dương). Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần giải tỏa và tịch thu, tiêu hủy nhiều máy móc, lán trại nhưng tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn biến khá phức tạp. Ông Đà Cát Ha Bang, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Tông cho biết: “Do phương tiện đi lại khó khăn, địa bàn xa xôi nên mỗi lần tổ chức giải tỏa đoàn kiểm tra phải đi vòng lên Đà Lạt, sang Lạc Dương rồi mới tới điểm khai thác nên tình trạng này vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn”.

Không còn rầm rộ như thời điểm trước, hiện nay dọc hai bên suối Đạ K’Nàng (đoạn chảy qua thôn Đạ Mun và Đạ K’Nàng, xã Đạ K’Nàng) chỉ còn lại dấu tích của nơi đã từng là điểm nóng về tình trạng khai thác vàng trái phép. Đứng từ trên cao có thể thấy rõ một đoạn lòng suối dài hơn 3km bị đào xới nham nhở, những bãi đất ngổn ngang, hố cát bạc màu… mà những người khai thác vàng để lại. Ngồi bên bờ suối Đạ K’Nàng, ông Kon Sơ Ha Bê (64 tuổi) kể, gia đình ông ở cạnh con suối này, trước đây mỗi ngày gia đình ông vẫn ra suối tắm giặt, múc nước tưới cây. Thế nhưng vài năm trở lại đây, con suối trở nên đục ngầu, tan hoang với những hố nước, bãi đất bị đào xới dọc hai bên, ăn vào cả vườn cà phê của người dân trong vùng. Ông Ha Bê khắc khoải: “Trước kia con suối này trong xanh lắm. Từ khi người ta đưa máy móc vào khai thác vàng thì lòng suối bị bới tung, mùa mưa nước lũ về ngập hết vườn tược, nhà cửa của buôn làng”./.


Nguyễn Dũng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN