Gian lận để xin bảo hiểm thất nghiệp

Theo ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) TP Hồ Chí Minh: Cách xác định người lao động chưa tìm được việc sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động như trong các quy định hiện nay là chưa chuẩn xác, cần xem xét lại. Trên thực tế, nhiều trường hợp không phải thất nghiệp như khái niệm có trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), cụ thể là người hết độ tuổi lao động, người nghỉ việc nhưng không có ý muốn quay trở lại thị trường lao động nhưng vẫn làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thời gian qua, Sở đã ban hành quyết định thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp của 840 trường hợp vì khai báo không trung thực về tình trạng việc làm.


Trong khi đó, có nhiều lao động cứ đóng BHTN đủ 12 tháng rồi xin nghỉ để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi quay trở lại làm việc, dẫn đến lạm dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TP Hồ Chí Minh cho rằng: Quy trình xét duyệt BHTN hiện rất dài dòng, mất thời gian, thậm chí không chắc chắn khi mà Giám đốc Sở LĐ,TB&XH ký quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ dựa trên đề xuất của Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc quản lý của Sở rồi chuyển qua BHXH để BHXH thẩm định rồi chi trả tiền. Tình trạng người lao động lạm dụng BHTN diễn ra rất nhiều, họ nghỉ việc để hưởng trợ cấp nhưng sau đó thì quay lại làm ở chỗ cũ. Hiện nay chưa có hệ thống dữ liệu quản lý để có thể xác định tình trạng mất việc và có việc làm trở lại; ảnh hưởng đến quy trình xét duyệt và chi trả BHTN.


Theo báo cáo của Sở LĐ,TB&XH TP Hồ Chí Minh: Qua 4 năm thực hiện BHTN, tính đến ngày 21/12/2012, thành phố có gần 1,6 triệu người tham gia BHTN; trong đó 316.000 người đăng ký thất nghiệp, 258.000 người đã có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 105.000 người được tư vấn, giới thiệu việc làm và 1.600 người được hỗ trợ học nghề. Hiện thành phố có 8 đơn vị đăng ký và tiếp nhận hồ sơ BHTN nhưng các trung tâm này luôn trong tình trạng quá tải.

Theo đề xuất của ông Nguyễn Văn Xê, để tránh lạm dụng quỹ BHTN cần quy định mức trợ cấp được tính hưởng theo từng năm có đóng BHTN, khởi điểm đóng đủ 12 tháng sẽ được hưởng trợ cấp 3 tháng nhưng sau đó cứ mỗi năm đóng tiếp BHTN thì được tăng thêm 1 tháng trợ cấp, thời gian hưởng không quá 9 tháng. Ngoài ra cũng cần mở rộng đối tượng tham gia BHTN cho những đơn vị sử dụng dưới 10 lao động và những lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng vì đây là những đối tượng yếu thế, dễ bị thất nghiệp nhất. Cần sửa lại khái niệm về người thất nghiệp trong Luật BHXH.


Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: Hiện nay có nhiều ý kiến về việc thay đổi vai trò quản lý quỹ BHTN, tuy nhiên ngành nào thu tốt, chi tốt thì nên thống nhất và giữ lại. Cơ chế xét duyệt, thu chi quỹ này hiện đang được thực hiện một cách độc lập giữa ngành BHXH và ngành LĐ,TB&XH, trong đó thẩm quyền xét duyệt thuộc về ngành LĐ,TB&XH. Tại TP Hồ Chí Minh, sự phối hợp giữa 2 ngành này là thống nhất, nhưng ở nhiều địa phương lại khá mâu thuẫn và không đồng nhất quan điểm. Do vậy, có cần thiết phải tìm phương án tối ưu, thích nghi với các địa phương trên cả nước.


Trần Xuân Tình

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN