Giải tỏa các bãi trông giữ xe gầm cầu

Nhiều gầm cầu vượt tại Hà Nội đang được tận dụng để kinh doanh dịch vụ trông giữ xe máy, ô tô, trở thành những tụ điểm phức tạp gây mất trật tự an toàn giao thông, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Thực tế này cần sớm được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, trả lại cảnh quan cho đô thị.

Gầm cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hiện là bãi trông giữ hàng trăm ô tô, xe máy cả đêm lẫn ngày. Cả khu vực rộng hàng nghìn m2 được quây kín bằng những hàng rào thép kiên cố để trông giữ phương tiện. Bãi xe này do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội (Tổng Công ty vận tải Hà Nội) quản lý và khai thác, trong bãi còn dựng cả nhà cho nhân viên trông giữ xe.

Bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy gây mất mỹ quan đô thị.


Bãi trông xe này hàng ngày có rất nhiều ô tô, xe máy ra vào lưu trú, nên thường xuyên xảy ra ùn ứ phương tiện cho người tham gia giao thông trên tuyến đường. Không ít trường hợp do bị khuất tầm nhìn, các phương tiện từ trong bãi xe lao ra đường và va chạm với các phương tiện đang lưu thông, khiến người đi đường bức xúc. Thêm vào đó, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại bãi trông giữ xe chưa được chú trọng, cả bãi giữ xe sức chứa hàng trăm xe, nhưng chỉ có vài ba bình cứu hỏa. Nếu xảy ra cháy nổ, khó có thể chữa cháy kịp thời.

Tương tự như thế, từ năm 2013, Hợp tác xã Thành Công được Sở GTVT Hà Nội cấp phép sử dụng gầm cầu vượt Láng - Hòa Lạc làm điểm tập kết các xe chuyên dụng, xe chở rác. Nhưng thời gian qua, đơn vị này tự ý chuyển thành bãi trông giữ phương tiện, quay hàng rào sắt chạy dài hàng trăm mét bao phủ hết nửa chân cầu vượt.

Gần hai năm qua, điểm trông giữ xe này nhận trông giữ xe 24/24 giờ, giá vé từ 30.000 - 50.000 đồng/ô tô và 5.000 - 10.000 đồng/xe máy cho thời gian 120 phút và tăng dần nếu quá thời gian gửi. Do không còn chỗ cho xe chở rác tập kết, nên phần lớn xe rác tập kết trên vỉa hè các tuyến phố gần đó, khiến không ít người dân sinh sống ở khu vực bức xúc. Tại vị trí cổng ra vào điểm trông xe này cũng đã xảy ra không ít vụ va chạm giao thông. 

Đáng lưu ý, theo Quyết định số 47/2004/QĐ-UB (ngày 15/3/2004) của UBND thành phố Hà Nội quy định về việc thu phí trông giữ phương tiện trên địa bàn thành phố, thì phí gửi xe ô tô từ 10.000 - 20.000 đồng/xe/lượt dưới 120 phút, 2.000 đồng/xe máy/lượt dưới 120 phút. Tuy nhiên, hầu hết các điểm trông giữ xe dưới gầm cầu đều thu phí quá quy định và không có vé gửi. Nếu nhân với số lượng hàng trăm phương tiện các loại thường xuyên ra vào gửi tại các bãi xe này, trung bình mỗi bãi xe thu dôi dư hàng chục triệu đồng/ngày.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết: Việc khai thác các điểm trông giữ phương tiện hiện không chỉ có công ty, mà còn do nhiều cơ quan, doanh nghiệp, cấp phường của các quận, huyện cũng tham gia quản lý, khai thác.

Trong điều kiện giao thông tĩnh của thủ đô hạn chế nên tận dụng cả bãi đất trống, lòng đường, vỉa hè, bao gồm khu vực gầm cầu. Việc cấp phép sử dụng đất trống tại các khu vực này do Sở GTVT Hà Nội cấp phép chỉ mang tính tình thế, sử dụng với mục đích chủ yếu là tập kết các xe chở rác, thùng rác để tránh gây ô nhiễm môi trường và giải quyết nhu cầu gửi xe trước mắt cho người dân sở tại.

Năm 2013, điểm trông giữ xe dưới gầm cầu Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) đã xảy ra một vụ cháy xe ô tô 4 chỗ. Theo nhận định của cơ quan công an, vụ cháy là do chiếc bạt phủ kín xe ô tô bén lửa từ tàn thuốc lá và do để sâu trong bãi, có quá nhiều xe bên ngoài án ngữ, nên không thể dập lửa được. Chiếc xe đã bị cháy trơ khung.

Đặt vấn đề về công tác PCCC tại các điểm trông giữ xe gầm cầu rất sơ sài, nếu xảy ra cháy nổ rất khó khắc phục và tiền trông giữ phương tiện vượt quá quy định sẽ “chảy” vào túi ai, Bà Nguyễn Thị Thúy Hương, Phó Giám đốc công ty cho biết: Các điểm trông giữ phương tiện do công ty quản lý hiện nay đều thực hiện tốt công tác PCCC vì công ty thường xuyên kiểm tra định kỳ. Mức phí trông giữ xe theo quy định của thành phố cũng được niêm yết cụ thể.

Theo Quyết định số 54/2014/QĐ-UBND của TP Hà Nội, tổng số phí thu được của các bãi trông giữ xe này sẽ được thu nộp ngân sách Nhà nước từ 90 - 95% để phục vụ công tác giữ gìn trật tự đô thị, tái đầu tư, trả lương cán bộ công nhân viên và để lại từ 5 -10% cho các cơ quan thu phí phục vụ công tác vệ sinh môi trường đô thị.

Còn việc các bãi trông giữ xe thu quá giá rất khó kiểm soát, vì không có chứng từ và để xử lý thực tế này cần có sự phối hợp của các cấp chính quyền sở tại. Tuy nhiên, các trường hợp vi phạm bị phát hiện sẽ xử phạt theo Nghị định 109/2013/NĐ-CP và Thông tư 186/2013/TT-BTC.

Sau khi dư luận phản ánh về tình trạng lộn xộn của các bãi trông giữ xe gầm cầu, Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội đã giải tỏa bãi gửi xe gầm cầu Chương Dương (Hoàn Kiếm), Thanh Trì (Hoàng Mai)… trả lại nguyên vẹn hạ tầng và bàn giao cho chính quyền sở tại trồng cây xanh. Công ty cam kết phối hợp với chính quyền phường Vĩnh Tuy, tìm các điểm đỗ xe phù hợp để sớm giải tỏa bãi giữ xe gầm cầu Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng).    

Bài cuối: Thu hồi giấy phép khai thác gầm cầu sai mục đích


Bài và ảnh: Tiến Hiếu


Bãi trông giữ xe dưới lòng đường Thủ đô
Bãi trông giữ xe dưới lòng đường Thủ đô

Đó là chuyện Hà Nội thí điểm áp dụng tại hai tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. Dù gọi là thí điểm, nhưng thực tế đã có rất nhiều tuyến phố của Thủ đô thực hiện hình thức này...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN