Giải quyết tình trạng lao động trẻ em: Cần sự phối hợp liên tỉnh

Năm 2011 được TP Hồ Chí Minh chọn là “Năm vì trẻ em”. Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực rất nhiều trong công tác giải quyết tình trạng lao động trẻ em. Tuy nhiên, đây vẫn là bài toán khó giải nếu không có sự phối hợp đồng bộ giữa các tỉnh thành liên quan.

Trẻ em làm công việc bán vé số là một hình ảnh rất dễ thấy tại TP Hồ Chí Minh.

Thu nhập thấp

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB - XH TP.HCM, trên địa bàn TP có khoảng 90% số trẻ đường phố, làm giúp việc gia đình, làm thuê trong các cơ sở may tư nhân... đến từ 35 tỉnh, thành trong cả nước, chủ yếu là các tỉnh miền Trung và miền Nam. Cụ thể, tổng số lao động trẻ em trên địa bàn TP.HCM là 438 trẻ, trong đó số trẻ có hộ khẩu TP là 99 em còn lại 339 em có hộ khẩu ở các tỉnh khác. Trong số này có hơn 50% trẻ dưới 15 tuổi phải làm việc cật lực với các công việc như: May mặc, nài ngựa, dập khuy đồng, gò hàn, thủy tinh... để nuôi sống bản thân và gia đình, 100% trẻ em đang lao động phải bỏ học. Khi tham gia lao động, các em thường làm các công việc như: Đánh giày, bán báo, bán vé số, giúp việc trong các gia đình, nhà hàng, làm việc trong các cơ sở may tư nhân...

Theo ghi nhận của phóng viên, những khu vực tập trung nhiều lao động trẻ em nhất là thuộc các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, quận 12, quận 9... Đơn cử tại quận Bình Tân có một làng lao động trẻ em đến từ Thừa Thiên - Huế chuyên làm việc trong các cơ sở may nhỏ lẻ, chật hẹp, nóng nực với diện tích chỉ vài mét vuông. Còn tại quận 9, đa số lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại của khói bụi từ các lò gạch thủ công, các em đến từ các tỉnh thuộc miền Tây và phần lớn đến từ Sóc Trăng.

Theo thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, qua đợt kiểm tra tại 40 cơ sở sản xuất may gia công thuộc phường Bình Hưng Hòa (Bình Tân) cho thấy, các cơ sở này sử dụng 192 lao động trong đó có 77 lao động vị thành niên và 14 lao động trẻ em. Hầu hết các cơ sở này đều vi phạm các quy định như: Hộ gia đình, cá thể không đăng kí khai trình lao động, làm việc quá thời gian quy định...

Thực tế cho thấy, đa số lao động trẻ em phải làm việc trong môi trường độc hại, kéo dài nhưng tiền công của các em lại rất thấp. Theo khảo sát của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trẻ em làm việc trong các ngành may mặc, dệt, da giày, chế biến thủy sản... có thời gian làm việc tới 8 - 9 giờ/ngày, thậm chí là 12 giờ/ngày nếu vào vụ sản xuất, gần dịp lễ, Tết... Thế nhưng thu nhập bình quân của các em chỉ khoảng 500 ngàn đồng/tháng. Cụ thể, đối với nhóm trẻ phụ giúp bố mẹ, khoản tiền các em tiết kiệm được từ 300 - 500 ngàn đồng/tháng. Với nhóm trẻ làm thuê; trẻ từ 6 - 10 tuổi thu nhập chỉ bằng phần nhỏ so với người lớn; nhóm trẻ từ 11 - 14 tuổi thu nhập bằng nửa người lớn.

Tăng cường tuyên truyền và nâng mức phạt

Theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ và chăm sóc Trẻ em thuộc Sở LĐ-TB và XH TP.HCM: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em phải lao động trên địa bàn là do sự nghèo đói và nguyên nhân sâu xa là cơ hội và khả năng tiếp cận của trẻ em đối với hệ thống giáo dục và dạy nghề còn hạn chế. Vì nghèo đói nên nhiều gia đình không đủ tiền cho con đến trường lớp. Khi trẻ em không được học, các em cũng bị tước bỏ cơ hội đào tạo nghề. Cái vòng luẩn quẩn: Đói nghèo - thất học - lao động không kỹ thuật - thu nhập thấp - đói nghèo vẫn tiếp diễn. Bên cạnh đó là các chiêu “trá hình” để sử dụng lao động trẻ em như: Nhận trẻ là họ hàng, yêu cầu cha mẹ làm giấy ủy quyền giao trẻ cho các chủ sử dụng lao động... Mặt khác, hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh có sử dụng lao động trẻ em đều có quy mô kinh tế nhỏ lẻ, không đăng kí kinh doanh nên không có sự quản lý của các ngành chức năng, do đó không được phổ biến pháp luật về sử dụng lao động trẻ em.

Thực tế cho thấy, TP Hồ Chí Minh chỉ là “nơi đến” để kiếm sống của nhiều lao động trẻ em. Còn các tỉnh, thành phố khác là “nơi đi” của các em - đây là nơi nhận các em về với gia đình và giúp giáo dục, hỗ trợ, ổn định cuộc sống cho các em để các em không tiếp tục lang thang kiếm sống. Do vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề này cần có sự phối hợp liên ngành, liên tỉnh. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt quản lý và nâng cao mức phạt đủ sức răn đe. Vì đa số các vụ sử dụng lao động trẻ em thời gian gần đây chỉ sau khi bị phát hiện và gây hậu quả nghiêm trọng mới bị xử phạt và mức phạt này cũng chỉ mang tính tượng trưng từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng/lần, bà Thanh Minh cho biết thêm.

Bên cạnh đó, theo ông Huỳnh Công Hùng, Ban Văn hóa - Xã hội (UBND TP Hồ Chí Minh): Để giải quyết vấn đề này, thứ nhất phải tuyên truyền từ trung ương đến địa phương, tập trung các hội phụ nữ, thanh niên, mặt trận... cùng tham gia tuyên truyền với cán bộ trẻ em tại phường xã. Công tác này phải làm hàng tháng, hàng năm để “mưa dầm thấm lâu”. Khi doanh nghiệp vi phạm thì phải xử phạt thật nghiêm, nhẹ thì xử lý bằng hành chính, khi hành chính vẫn chưa đủ sức răn đe cần xử lý bằng biện pháp kinh tế như: Cấm kinh doanh, hoạt động sản xuất...

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN