Giải pháp ngăn chặn tình trạng chống người thi hành công vụ

Liên tiếp trong thời gian qua, trên địa bàn cả nước, vụ việc chống người thi hành công vụ diễn ra ngày càng nghiêm trọng, nhiều vụ ngang nhiên, công khai, trắng trợn. Có những vụ, đối tượng tấn công lại ngay cả khi lực lượng chức năng nổ súng cảnh cáo. Có nhiều vụ tội phạm ngang nhiên hành hung lực lượng chức năng, giải cứu đồng bọn, cướp lại tang vật, gây thương vong cho cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ. Tình trạng này không chỉ trở thành nỗi lo thường trực đối với lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ mà còn thể hiện sự coi thường kỷ cương, pháp luật và trật tự xã hội của một nhóm người thiếu ý thức, nhất là giới trẻ.

Nhiều kiểu vi phạm chống người thi hành công vụ?

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 10 năm (từ 2001 - 2010), tội phạm chống người thi hành công vụ có chiều hướng gia tăng cả về số vụ, tính chất nguy hiểm và mức độ phạm tội, thủ đoạn ngày càng manh động và liều lĩnh hơn với trung bình khoảng 900 vụ xảy ra mỗi năm. Tính chất nguy hiểm và thiệt hại do loại tội phạm này gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, gây thương vong rất lớn cho lực lượng thi hành pháp luật. Theo báo cáo của công an các địa phương, 6 tháng đầu năm 2011 xảy ra 364 vụ chống người thi hành công vụ, tăng 5 vụ so với 6 tháng đầu năm 2010. Trong đó có 97 vụ chống lại lực lượng cảnh sát, chiếm 26,6%.

Gần đây nhất và nghiêm trọng nhất là vụ chống người thi hành công vụ, bắn chết cảnh sát xảy ra vào chiều tối 19/7 tại Đồng Nai. Hai đối tượng đèo nhau bằng xe máy đã dùng súng bắn bị thương một công an viên xã Xuân Đường, rồi tiếp tục bắn sượt trán một người dân khác để cướp xe máy. Một chiến sĩ cảnh sát lao vào khống chế đối tượng cũng bị trúng đạn, tử vong.

Cảnh sát giao thông xử lý hành vi không đội mũ bảo hiểm.

Cũng gây thương vong nghiêm trọng là vụ đối tượng buôn bán ma túy ở xã Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình xả súng vào lực lượng truy bắt khiến 3 chiến sỹ Công an tỉnh Hòa Bình hy sinh và 4 đồng chí khác bị thương. Vụ đối tượng phạm tội ma túy khi bị vây bắt tại khu vực giáp biên giới đã sử dụng súng tiểu liên bắn bị thương 3 sỹ quan phòng chống ma túy Công an tỉnh Nghệ An; vụ một nhóm 7 đối tượng tấn công lực lượng cảnh sát đang dẫn giải đối tượng truy nã tại Hải Phòng…

Đáng báo động là trong vài năm gần đây, số tội phạm chống người thi hành công vụ chiếm tới 1,5% trong tổng số tội phạm hình sự. Đối tượng bị tấn công chủ yếu là các cán bộ, chiến sỹ công an đang làm nhiệm vụ, trong đó đại đa số là lực lượng cảnh sát và công an xã. Công cụ, phương tiện mà đối tượng sử dụng để chống lại người thi hành công vụ cũng rất đa dạng, từ vũ khí nóng (súng, lựu đạn, mìn) cho đến vũ khí tự chế, vũ khí thô sơ, gạch, đá, tay không hoặc sử dụng phương tiện giao thông đâm trực tiếp vào cảnh sát hoặc thanh tra giao thông.

Vụ việc mới đây ở Hà Nội là minh chứng rõ nét cho thấy lỗi cố ý và ý chí thực hiện hành vi phạm tội đến cùng của loại tội phạm này. Một nhóm côn đồ đã tấn công lực lượng cảnh sát hình sự, lái ôtô đâm thẳng vào cán bộ khám nghiệm hiện trường, dùng hung khí chém cảnh sát ngay trên phố Hồng Mai (Hà Nội) vào rạng sáng 10/7. Vụ tấn công này đã làm ba cán bộ cảnh sát hình sự bị trọng thương, hiện đang điều trị tại bệnh viện. Đáng chú ý, trong vụ án này các nghi can ngang nhiên gây án trước sự có mặt của lực lượng công an mặc cảnh phục.

Luật sư Phùng Quang Huy cho rằng, tội phạm chống người thi hành công vụ có dấu hiệu trẻ hóa và chuyển từ các đối tượng không nghề nghiệp sang những người có công ăn việc làm ổn định. Con số thống kê của Công an TP.Hà Nội cho thấy, từ năm 2007 đến tháng 6/2011, chỉ riêng Hà Nội đã có 254 vụ tấn công người thi hành công vụ, làm bị thương 59 cán bộ chiến sĩ. Cơ quan công an đã khởi tố điều tra 190 vụ với 309 bị can. Các đối tượng phạm tội bị xử lý chủ yếu là nam giới, có độ tuổi 18-35 và 50% số này có nghề nghiệp ổn định.

Nguyên nhân

Theo phân tích từ phía cơ quan Công an, nguyên nhân tình trạng chống người thi hành công vụ, một phần là do tội phạm có bản chất lưu manh chuyên nghiệp, bản chất liều lĩnh nên rất manh động, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống lại các lực lượng thực thi nhiệm vụ nhằm trốn tránh pháp luật. Mặt khác cũng phải nói đến phía người thi hành công vụ, một số cán bộ khi thực thi nhiệm vụ có thái độ ứng xử chưa đúng mực, khả năng thuyết phục quần chúng và các đối tượng khác không cao hoặc có biểu hiện cửa quyền, hách dịch, gây ức chế cho người dân, dẫn đến một số vụ chống người thi hành công vụ. Cá biệt, có một số trường hợp người thi hành công vụ không chấp hành đúng quy định, quy trình công tác, thậm chí vi phạm pháp luật, khiến người dân phản ứng. Ngoài ra, phương tiện, công cụ hỗ trợ lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ còn thiếu và lạc hậu nên khi sử dụng trong khi thi hành công vụ không uy hiếp tức thì được đối tượng.

Theo Thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng, trường Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện chúng ta chưa có hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ cán bộ, chiến sỹ khi sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ nên có sự chùn tay (sợ làm chết người, sợ vi phạm pháp luật) không đủ uy lực trấn áp, đè bẹp sự phản kháng của tội phạm. Các chế tài pháp luật về xử lý hành vi chống người thi hành công vụ còn nhẹ, do đó tính răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung còn hạn chế.
Trong thực tế, các vụ chống người thi hành công vụ cũng chưa được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, chỉ những vụ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người thi hành công vụ thì mới bị xử lý hình sự, còn các vụ gây hậu quả ít nghiêm trọng thường chỉ giải quyết bằng biện pháp hành chính.

Giải pháp ngăn chặn

Trước vấn nạn chống người thi hành công vụ, Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước, mở chiến dịch đấu tranh với loại tội phạm này. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã yêu cầu Giám đốc Công an thành phố xử lý nghiêm các đối tượng chống người thi hành công vụ trên địa bàn. Ban lãnh đạo Công an thành phố đã quyết định triển khai 15 tổ công tác đặc biệt nhằm chấn chỉnh tình trạng vi phạm luật giao thông đường bộ, nhất là tình trạng vi phạm về đội mũ bảo hiểm và chống người thi hành công vụ.

Theo Thạc sỹ Luật học Văn Khắc Hùng, hạn chế tình trạng chống người thi hành công vụ thì ngay trong lực lượng cảnh sát, nhất là cảnh sát giao thông cũng phải thực hiện nhiều biện pháp điều chỉnh hành vi, tác phong, cách thức giao tiếp, ứng xử để có những kỹ năng giải quyết mâu thuẫn giữa người thực thi pháp luật và người vi phạm để giảm thiểu nguy cơ gây ức chế, tránh xảy ra các hành vi chống đối.

Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm - cho biết, lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp trấn an nhằm giảm thiểu tình trạng chống người thi hành công vụ. Cùng với việc thẳng tay đối với tội phạm, lực lượng cảnh sát sẽ tăng cường chấn chỉnh thực hiện các quy trình công tác, thay đổi tác phong làm việc với nhân dân, xử lý nghiêm các trường hợp có sai phạm, tiêu cực. Bộ Công an cũng sẽ phối hợp với các lực lượng có liên quan (kiểm lâm, biên phòng, thanh tra giao thông...) tổng kết chuyên đề về tình hình công tác đấu tranh phòng chống tội phạm chống người thi hành công vụ để rút kinh nghiệm và đề ra các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, hợp đồng tác chiến có hiệu quả. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ, pháp luật, quân sự, võ thuật, kỹ năng sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ cho cán bộ chiến sĩ đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác. Bộ cũng sẽ siết chặt kỷ cương, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trong lực lượng, nhất là tham nhũng, tiêu cực, sai phạm về tác phong, thái độ ứng xử, kỷ luật công tác; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân lập thành tích xuất sắc.

Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN