Đường làm xong, chưa dùng đã hỏng

Tiến độ thi công Dự án đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc quá chậm trễ đang ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư phát triển công nghiệp nói riêng cũng như kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc nói chung. Điều đáng quan tâm là một số đoạn đã hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp do thi công ẩu, nếu đưa vào sử dụng dễ xảy ra tai nạn giao thông.

Cầu bắc qua sông Cà Lồ, gói thầu số 11 trên đường Nguyễn Tất Thành, thị xã Phúc Yên.


Hình ảnh con đường chưa đưa vào sử dụng có biểu hiện trên đang gây bức xúc cho giới quản lý và người dân địa phương.

Dự án đường Nguyễn Tất Thành dự án do UBND thị xã Phúc Yên làm chủ đầu tư có chiều dài 7,4 km, đường rộng 42 m (Tính cả hành lang vỉa hè). Tổng diện tích đất phải thu hồi cho Dự án là 39,5 ha, chủ yếu là đất canh tác và có trên dưới 1.000 hộ dân bị ảnh hưởng khi thực hiện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng cho công trình. Tổng vốn đầu tư cho toàn bộ Dự án sau điều chỉnh là hơn 411 tỷ đồng. Khối lượng xây lắp công trình được chia thành 13 gói thầu (10 gói thầu thi công nền mặt đường, 1 gói thầu thi công cầu và 2 gói thầu thi công điện chiếu sáng). Tính đến thời điểm hiện tại, có 13/13 gói thầu xây lắp đã thi công. Khối lượng thi công xây lắp hoàn thành của các gói thầu đến hết quý I/2013 đạt khoảng 163 tỷ đồng, tương đương 61% khối lượng công việc và tính đến thời điểm hiện nay đạt khoảng 70%. Hiện tại, các gói thầu số 1, 2, 4, 6, 7 đã cơ bản hoàn thành; các gói thầu khác hiện đều đã hết hạn về thời gian thi công nhưng vẫn chưa hoàn thành khối lượng theo dự toán.

Theo báo cáo của chủ đầu tư, Dự án đường Nguyễn Tất Thành khi xây dựng xong được nối Quốc lộ 2A qua 4 khu công nghiệp và là dự án trọng điểm của tỉnh nằm trên địa bàn thị xã Phúc Yên. Khi hoàn thành đóng một vai trò lớn là thuận lợi về giao thông khu vực, phát triển công nghiệp thuận lợi, kết nối đô thị, dịch vụ của thị xã Phúc Yên, huyện Bình Xuyên Bình Xuyên, huyện Tam Đảo và TP.Vĩnh Yên.

Tuyến đường này khởi công từ năm 2007, dự kiến hoàn thành năm 2012, nhưng đến nay vẫn ngổn ngang, nhiều nơi chưa giải phóng được mặt bằng. Đặc biệt, quan sát toàn tuyến những gói thầu, những điểm đã giải phóng mặt bằng nhưng rất ít công nhân, xe cơ giới thi công, có gói thầu thi công được khoảng 50% khối lượng công việc đã tạm dừng và đòi bổ sung nhà thầu phụ... nhưng nằm ngoài quy định cho phép.

Ông Tạ Quang Trung, Phó Ban QLDA Đầu tư và Xây dựng thị xã Phúc Yên, cho biết: Do năng lực các nhà thầu yếu và công tác giải phóng mặt bằng chậm đã ảnh hưởng tới tiến độ. Cũng theo ông Trung thì tổng diện tích còn lại của Dự án chưa giải phóng được là 2.300 m2; trong đó đất nông nghiệp là 2.000 m2, số diện tích còn lại là đất thổ cư của 2 hộ gia đình. Ngoài ra, hàng chục ngôi mồ trong nghĩa trang họ giáo thôn Minh Đức, xã Nam Viêm (Phúc Yên) đã được thỏa thuận bồi thường nhưng đang đợi quy hoạch xây dựng nơi di chuyển mới...

Đầu tháng 3/2013, ông Hà Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đi kiểm tra tiến độ thi công của dự án và yêu cầu chủ đầu tư tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, đặc biệt là gói thầu số 11 (cầu qua sông Cà Lồ) nhằm đưa các hạng mục công trình hoàn thành vào khai thác sử dụng, từng bước phát huy hiệu quả. Đồng thời, phải tập trung toàn lực cho công tác đền bù, giải tỏa và thi công đường Nguyễn Tất Thành nối Quốc lộ 2A qua 4 khu công nghiệp.

Ông Thân Hà Nhất Thống, Giám đốc Công ty TNHH MTV 508 - Quảng Ninh (đơn vị thi công cầu) và 2 đoạn đường đầu cầu lý trình Km2+712.69 đến Km2+899.57 đảm bảo rằng sẽ tập trung thi công, phấn đấu trước 30-4-2013 sẽ lao xong dầm cầu và cuối tháng 5-2013 sẽ thông xe kỹ thuật cầu bắc qua sông Cà Lồ.

Tuy nhiên, qua khảo sát hiện trường của chúng tôi thì đến cuối tháng 7/2013 gói thầu thi công cầu qua sông Cà Lồ vẫn chưa xong, còn rất nhiều công việc phải làm.

Ngược lên các gói thầu khác, những đoạn đường mà Ban Quản lý Dự án cho rằng đã được thi công cơ bản hoàn thành thuộc địa phận xã Nam Viêm, TX. Phúc Yên, chúng tôi thấy rằng rất nhiều chỗ thi công ẩu, xuống cấp cho dù chưa đưa vào sử dụng bởi chưa thông tuyến, kết nối với các trục đường khác. Một số nơi xuất hiện tình trạng sụt, lún nặng ở phía hành lang; một số đoạn cây cỏ mọc um tùm và dễ cây, cỏ dại lớn dần cũng làm cong vênh gạch lát... ảnh hưởng chất lượng bề mặt công trình.

Một số đoạn đường qua vùng trũng, sình lầy mưa lớn thường xuyên có nước, do hai bên không được kè đá đang có nguy cơ sạt lở cao và trên thực tế đã có chỗ bị lún, sụt nghiêm trọng. Nếu các đoạn đường này đưa vào sử dụng, nhất là khi có nhiều xe ô tô tải hạng nặng đi lại những nơi này phải gánh chịu sự đè nén, độ rung động lớn thì nhanh xuống cấp hoặc dễ có thể xảy ra sự cố khó lường.

Nhiều điểm, nhiều đoạn gạch ốp lát ở hai bên hành lang đường Nguyễn Tất Thành bung khỏi nền đường.


Ông Nguyễn Quốc Hương, Trưởng Ban QLDA đầu tư và xây dựng thị xã Phúc Yên cho biết: Tất cả các gói thầu của dự án đường Nguyễn Tất Thành nối Quốc lộ 2A qua 4 KCN hiện đều đã hết hạn về thời gian thi công. Khi được hỏi về nhiều đoạn đường chưa đưa vào sử dụng đã xuống cấp, ông Hương nói: Sự việc đường Nguyễn Tất Thành mới xây đã lún, sụt là có thật và nó thường ở những chỗ cận kề kênh, mương, ao...có nước. Các gói thầu Dự án đường Nguyễn Tất Thành đã hoàn thành nhưng chưa làm thủ tục nghiệm thu thì vấn đề xuống cấp, hư hỏng lỗi do các chủ thầu, chủ thi công và chỉ khi họ khắc phục được những yếu kém của các đoạn đường này thì thị xã Phúc Yên - đơn vị Chủ đầu tư mới nhận và thanh quyết toán.

Không riêng gì Đường Nguyễn Tất Thành trên địa bàn thị xã Phúc Yên mà còn không ít công trình, dự án giao thông khác ở Vĩnh Phúc vừa làm xong đưa vào sử dụng đã xuống cấp nặng, gây lãng phí tiền bạc, đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông, gây mất an toàn của các phương tiện qua lại những tuyến đường yếu kém này.



Tin, ảnh: Nguyễn Trọng Lịch
Dân khổ vì đường xuống cấp

Đi dọc theo tuyến đường mới thấy nỗi khổ của người dân nơi đây bởi con đường đã bị biến dạng hoàn toàn. Mặt đường bị cày xới, dập nát, lởm chởm đá, nhiều chỗ tạo thành vũng sâu tới hơn mét; trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN