Đề xuất bán đấu giá rượu lậu bị tịch thu để tăng thu ngân sách nhà nước

Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 vừa đề xuất cơ chế xử lý đối với mặt hàng rượu nhập lậu bị tịch thu theo hướng hạn chế việc xử lý tiêu hủy, thay vào đó sẽ tăng quy định cho phép bán đấu giá rượu bị tịch thu để tăng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) và tránh lãng phí.

Theo BCĐ 389 tỉnh Quảng Ninh, thời gian qua, số lượng rượu tịch thu trong một vụ vi phạm trên địa bàn tỉnh chủ yếu dưới 100 đơn vị sản phẩm. Theo quy định tại điểm b, khoản 1, điều 5 Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BTC-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC hướng dẫn xử lý vi phạm về kinh doanh rượu nhập lậu, sản phẩm thuốc lá và nguyên liệu thuốc lá nhập lậu thì với số lượng rượu tịch thu này buộc phải tiêu hủy.

Trong ảnh: Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra số hàng rượu lậu thu giữ. Ảnh: Đức Duy/TTXVN.

Tính từ năm 2015-2016, hoạt động kinh doanh, vận chuyển rượu nhập lậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh diễn ra nhỏ lẻ, số lượng rượu bị tịch thu trong một số vụ vi phạm chủ yếu dưới 100 đơn vị sản phẩm. Để vận chuyển vào nội địa, các đối tượng thường cất giấu rượu nhập lậu trong các hầm đã gia cố, hoán cải tyển các phương tiện hoặc cất giấu xen lẫn với hàng hóa khác nhằm qua mặt các lực lượng chức năng. Trong nội địa, do làm tốt công tác tuyên truyền, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nên đã hạn chế được tình trạng bày bán công khai rượu nhập lậu. Tuy nhiên, do lợi nhuận cao, một số đối tượng vẫn lén lút bán khi khách có yêu cầu hoặc đưa vào các nhà hàng, quán bar, vũ trường để tiêu thụ.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Quảng Ninh, theo quy định, trước khi lấy mẫu giám định rượu nhập lậu, các lực lượng chức năng cần có thông tin của nhà sản xuất chính thống, xác định có phải là rượu do cơ sở sản xuất hay không? Bởi nếu đúng do cơ sở xuất mới lấy mẫu gửi giám định để đối chứng với tiêu chuẩn chất lượng rượu cùng loại, cùng nhãn hiệu của nhà sản xuất và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng của Việt Nam hoặc quy định an toàn thực phẩm đối với sản phẩm. Tuy nhiên thực tế, một số nhà sản xuất rượu chính thống không đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam nên việc tra cứu thông tin hoặc liên hệ với nhà sản xuất là rất khó khăn.

Đại diện BCĐ 389 tỉnh An Giang cũng nêu vướng mắc về quy định đối với rượu nhập lậu bị tịch thu trong một vụ vi phạm có số lượng dưới 100 đơn vị sản phẩm thì không giám định chất lượng, buộc phải tiêu hủy. Trên thực tế, các vụ bắt giữ, tịch thu rượu nhập lậu thường có số lượng dưới 100 chai nên khó khăn trong công tác xử lý.

Vì vậy, BCĐ 389 tỉnh An Giang đề xuất giảm số lượng tối thiểu được giám định chất lượng xuống còn 20 chai/vụ; nâng tỷ lệ lấy mẫu giám định ít nhất 15% số lượng rượu bị tịch thu; cho phép cộng dồn các vụ tịch thu rượu có cùng ký mã hiệu, cùng chủng loại, cùng dung tích, cùng nhà máy sản xuất, được đóng gói thống nhất như nhau, có hình thức bên ngoài giống nhau…để giám định chất lượng trước khi bán đấu giá.

Minh Phương/Báo Tin Tức
Quản lý thị trường Hà Nội tịch thu gần 30.000 lít rượu lậu
Quản lý thị trường Hà Nội tịch thu gần 30.000 lít rượu lậu

Hơn 10 ngày qua, lực lượng quản lý thị thường TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn, đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN