Để xảy ra buôn lậu nghiêm trọng, lãnh đạo phụ trách phải chịu trách nhiệm

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo (BCĐ) 389 Quốc gia cho biết: Nếu địa bàn nào để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận thì cán bộ phụ trách phải chịu trách nhiệm. Trường hợp buông lỏng, cấu kết với đối tượng xấu thậm chí sẽ bị xử lý hình sự.

Ngoài yếu tố cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ, điều kiện, phương tiện làm việc chưa đáp ứng tốt yêu cầu thì vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt. Có nơi thiếu quan tâm, kiểm tra, đôn đốc, triển khai các nôi dung chỉ đạo của Chính phủ, BCĐ 389 Quốc gia.

Ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Ảnh: Minh Phương.

Đáng chú ý là một bộ cán bộ, chiến sỹ thừa hành công vụ thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu rèn luyện phẩm chất đạo đức dẫn đến tha hóa, biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Theo Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia, vấn đề quan trọng nhất vẫn là con người. BCĐ 389 luôn quán triệt, xác định trách nhiện của các tập thể, cá nhân trên địa bàn. “Năm nay, Ban 389 đã chỉ đạo xây dựng quy chế trách nhiện tới từng cán bộ, công chức, sỹ quan quản lý, phụ trách địa bàn, lĩnh vực và người đứng đầu đơn vị, địa phương nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu đồng chí phụ trách địa bàn lĩnh vực mà để xảy ra các vụ buôn lậu gian lận nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận phải xem xét trách nhiệm, nếu có tài liệu chứng minh sự buông lỏng, cấu kết với đối tượng xấu đều bị xử lý trách nhiệm, thậm chí là xử lý hình sự”, ông Thế nói.

Trong những năm qua, có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ đã bị xử lý nghiêm, đặc biệt là vụ việc một số cán bộ hải quan tỉnh An Giang, đã khởi tố, bắt tạm giam và truy tố nhiều cán bộ hải quan. Với những vụ việc bị phát hiện có biểu hiện tiếp tay, bảo kê, chống lưng của cán bộ, lực lượng chức năng thì đều bị thẩm tra, xác minh. Trường hợp không đủ căn cứ chứng minh phạm tội liên quan nhưng có dấu hiệu tiềm ẩn thì đều được các đơn vị phụ trách quản lý tính toán điều động, luân chuyển cán bộ kịp thời, đảm bảo giữ cán bộ không sai phạm, đảm bảo đấu tranh có hiệu quả.

Liên quan tới đường dây nóng tố giác tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, đại diện Văn phòng Thường trực BCĐ 389 Quốc gia cho hay: BCĐ 389 đã chỉ đạo Văn phòng thường trực lập, các BCĐ tỉnh, địa phương thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận xử lý, phân loại các thông tin kịp thời.

“Riêng Văn phòng thường trực có 2 số điện thoại nóng: 0981.389.389; 0961.389.389, tiếp nhận xử lý thông tin 24/24 giờ; luôn tiếp nhận qua đơn thư; trực tiếp gặp gỡ người dân, nắm bắt các thông tin qua kênh báo chí, phân loại thông tin để chuyển cơ quan chức năng nhằm ngăn chặn xử lý ngay; có thông tin báo cáo lãnh đạo, phối hợp với lực lượng chức năng thẩm tra, xử lý. Chúng tôi nghiên cứu nhận diện xây dựng kế hoạch, phòng ngừa ngăn chặn, từ đường dây nóng thì tham mưu tháo gỡ chính sách, gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Chánh văn phòng BCĐ 389 nói.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tiếp nhận hàng trăm tin báo, qua phân tích đã chuyển 114 tin báo có cơ sở đến các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc thẩm quyền để xử lý theo quy định. Điển hình: Chuyển Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm buôn lậu phía Nam (C74B) kiểm tra, bắt giữ 90.000 bao thuốc lá lậu hiệu Jet và Hero tại xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; chuyển Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan điều tra, xác minh đối với 21 container (chứa trên 10 triệu bao) thuốc lá ngoại có dấu hiệu vi phạm tại cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Trong năm 2016, dưới sự chỉ đạo của BCĐ 389 Quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 223.262 vụ việc vi phạm (tăng 8,23% so với năm 2015); số thu nộp ngân sách Nhà nước NSNN từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh tra, kiểm tra, truy thu thuế đạt trên 21.556 tỷ đồng (tăng 59,23% so với năm 2015); khởi tố 1.560 vụ đối với 1.863 đối tượng.

Kết quả này đã góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo an ninh trật tự, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội (riêng 2 tháng đầu năm 2017 (dịp Tết Nguyên đán), phát hiện, xử lý 27.327 vụ vi phạm, trong đó đã khởi tố 304 vụ với 389 đối tượng liên quan).

Minh Phương
Lực lượng chống buôn lậu bị tội phạm theo dõi gắt gao
Lực lượng chống buôn lậu bị tội phạm theo dõi gắt gao

Theo Phó cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) Đỗ Ngọc Toàn, các đối tượng buôn lậu tại địa phương biết mặt, thậm chí còn theo dõi ngược lại lực lượng, cán bộ chiến sỹ nên công tác đấu tranh với hoạt động tội phạm ngày càng khó khăn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN