Đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Nuôi con nuôi

Luật Nuôi con nuôi ra đời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hệ thống luật pháp về nuôi con nuôi của Việt Nam. Lần đầu tiên vấn đề nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi nước ngoài được điều chỉnh thống nhất trong một đạo luật, góp phần xóa bỏ khoảng cách giữa hai lĩnh vực này, tăng cường các biện pháp bảo đảm cho trẻ em làm con nuôi trong nước; việc cho trẻ em làm con nuôi nước ngoài chỉ là biện pháp thay thế cuối cùng sau khi đã áp dụng các biện pháp cần thiết mà không thể thu xếp được cho trẻ em làm con nuôi trong nước.


Một trong những điểm mới của Luật Nuôi con nuôi là cho phép đăng ký đối với trường hợp nuôi con nuôi phát sinh trên thực tế giữa công dân Việt Nam với nhau (nuôi con nuôi thực tế) mà chưa đăng ký trước ngày Luật này có hiệu lực. Mặc dù các Nghị định của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch đã quy định việc nuôi con nuôi không được đăng ký, thì không được công nhận giá trị pháp lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nên thực tiễn cho thấy còn tồn tại nhiều trường hợp nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau mà chưa đăng ký. Do đó, để bảo vệ quyền lợi của các bên trong quan hệ nuôi con nuôi, nhất là quyền lợi của trẻ em, Điều 50 Luật Nuôi con nuôi đã có quy định cụ thể về vấn đề này: Việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực mà chưa đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thì được đăng ký trong thời hạn 5 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực, nếu các bên có đủ điều kiện đăng ký theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quan hệ nuôi con nuôi; đến thời điểm luật có hiệu lực mà quan hệ cha, mẹ và con vẫn đang tồn tại và cả 2 bên còn sống; giữa cha, mẹ nuôi và con nuôi có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha mẹ và con. Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định cụ thể các thủ tục đăng ký con nuôi đối với các trường hợp này.


Tuy nhiên trong quá trình triển khai thi hành Luật Nuôi con nuôi, tình hình đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của luật chưa có sự chuyển biến rõ rệt. Nguyên nhân cơ bản của tình trạng này được Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) chỉ ra là do tâm lý chung của người Việt Nam là e ngại, không muốn công khai mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi; do nhận thức đơn giản, ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Đặc biệt tại các tỉnh miền núi như Lai Châu, Sơn La, Điện Biên… ý thức của người dân về pháp luật nuôi con nuôi còn rất hạn chế, chủ yếu chịu ảnh hưởng và bị chi phối nhiều bởi các phong tục tập quán của dân tộc, dòng họ. Việc thực hiện thủ tục nuôi con nuôi chủ yếu theo phong tục tập quán (như buộc chỉ cổ tay, cúng ma…) hoặc thường là sự thỏa thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi mà không đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác đăng ký con nuôi thực tế nói riêng và công tác đăng ký nuôi con nuôi nói chung...


Trước tình hình này, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế theo quy định của Luật Nuôi con nuôi. Trong đó, lưu ý các địa phương đối với công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật phải được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, nội dung phù hợp; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể địa phương vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện xuyên suốt trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch.

 

Việc tuyên truyền phải đảm bảo cho người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi, các quyền và nghĩa vụ của người nhận nuôi và người được nhận làm con nuôi được pháp luật bảo vệ khi việc nuôi con nuôi được đăng ký trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Công tác rà soát, thống kê, báo cáo đánh giá thực trạng nuôi con nuôi thực tế của cơ quan chức năng trên phạm vi toàn quốc phải được thực hiện nghiêm túc, chính xác và thực hiện từ cấp cơ sở là UBND cấp xã. Việc hướng dẫn lập hồ sơ và triển khai thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi đối với các trường hợp nuôi con nuôi thực tế cần được tiến hành song song với quá trình rà soát, thống kê về các trường hợp nuôi con nuôi thực tế tại địa phương, không chờ đến khi thống kê rà soát xong mới thực hiện việc hướng dẫn lập hồ sơ và đăng ký việc nuôi con nuôi đối với các trường hợp này. Cơ quan chức năng chỉ thực hiện việc đăng ký nuôi con nuôi đối với các trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi/con nuôi có nguyện vọng đăng ký nuôi con nuôi. Đối với các trường hợp nuôi con nuôi thực tế mà cha mẹ nuôi chưa có/không có nguyện vọng đăng ký, thì không được ép buộc người dân đăng ký. UBND cấp xã cần cử cán bộ tiếp xúc, tư vấn, động viên, giải thích cho cha, mẹ nuôi về ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi và vận động người dân tự nguyện đăng ký việc nuôi con nuôi; không được công bố hoặc công khai các thông tin về nuôi con nuôi thực tế của cá nhân, gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý và cuộc sống bình thường của người dân...

 

Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN