Đằng sau giấy nghỉ bệnh giả

Từ đầu năm đến nay, tại khu vực giáp ranh giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương rộ lên tình trạng người lao động tại các doanh nghiệp sử dụng giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả để hợp thức hóa ngày nghỉ. Sự việc đã được các doanh nghiệp tại địa bàn báo với cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) và cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc công nhân muốn trục lợi quỹ BHXH. Thế nhưng, trên thực tế, công nhân không hưởng lợi được bao nhiêu.

Khó phân biệt giả thật

Trong vai người cần mua giấy nghỉ bệnh, chúng tôi có mặt tại Khu chế xuất Linh Trung. Sau khi hỏi chuyện chủ một cửa hiệu tạp hóa, chúng tôi được giới thiệu đến hẻm 180, quốc lộ 1A. Đi sâu vào chừng hơn 100m, các cửa hàng photocopy, tạp hóa, rửa xe kiêm dịch vụ làm hồ sơ hiện ra.

Giấy chứng nhận nghỉ bệnh giả đã được nộp cho Cơ quan Bảo hiểm xã hội.


Khi thấy chúng tôi hỏi mua giấy chứng nhận nghỉ bệnh, những người ở đây có thái độ dò xét, thậm chí xua đuổi. Tuy nhiên, sau đó, chủ một cửa hàng nói nhỏ: “Ở đây chỉ nhận làm trọn bộ hồ sơ xin việc với giá 170.000 đồng, gồm cả giấy khám sức khỏe có dấu của bệnh viện. Còn giấy chứng nhận nghỉ bệnh thì thời gian này đang… bị động, nghe đâu phía công an đang có ý định truy quét”.


Theo lời các tài xế xe ôm gần đó, với giấy khám sức khỏe thì các cửa hàng ở đây bán dễ dàng hơn, bởi không liên quan đến việc chi trả BHXH, còn với giấy chứng nhận bệnh phải là khách quen mới mua được. Khi chúng tôi yêu cầu được dẫn đi mua thì những tài xế này cho biết, “cò” mấy hôm nay…về quê, “nếu cần thì tuần sau quay lại”.

Làm việc với cơ quan BHXH chúng tôi được cho biết, rất khó phân biệt đâu là giấy chứng nhận bệnh giả hay thật. Bởi giấy giả có hình thức, nội dung tương đương giấy thật. Có nhiều loại giấy giả: Loại giấy người bệnh giả, chữ ký, con dấu của bác sĩ là giả hay loại giấy người bệnh giả nhưng chữ ký, con dấu của bác sĩ là thật.
Sau khi nhận được thông tin từ phía BHXH Thành phố Hồ Chí Minh phát hiện khoảng 400 giấy chứng nhận nghỉ bệnh hưởng BHXH có dấu hiệu giả, các cơ quan chức năng đã vào cuộc để điều tra làm rõ.

Người lao động được lợi gì?

Có thể nói, việc công nhân mua giấy chứng nhận bệnh giả là sai trái và tiếp tay cho những kẻ trục lợi bất chính. Tuy nhiên, mục đích của công nhân không phải xuất phát từ việc muốn được thanh toán tiền BHXH. Khi tiến hành điều tra việc phát hiện giấy nghỉ bệnh giả tại Công ty TNHH Sun Shin Việt Nam, hầu hết công nhân đều khai nhận, vì có việc không thể đừng, nên buộc họ phải nghĩ ra cách này. Nếu đường đường chính chính xin phép công ty, chắc chắn họ sẽ bị từ chối. Một nữ công nhân (sinh năm 1990) làm việc tại đây tức tưởi cho biết: “Cha em bị bệnh nặng, muốn vào bệnh viện thăm cha, nhưng công ty không cho nghỉ, nên em phải mua giấy nghỉ bệnh thì mới được công ty chấp thuận…”. Cuối cùng cha của nữ công nhân này cũng đã tử vong. Chúng tôi đã liên lạc với phía Công ty TNHH Sun Shin Việt Nam để tìm hiểu sự việc, nhưng chỉ nhận được trả lời từ Phòng nhân sự: “Chúng tôi đã giải quyết xong xuôi nên sẽ dừng lại mọi việc ở đây”.

Trao đổi với chúng tôi về việc này, ông Cao Văn Sang - Giám đốc BHXH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Với số lương cơ bản rất thấp của công nhân hiện nay, thì số tiền BHXH phải chi trả là không đáng kể. Trong khi đó để mua được giấy chứng nhận bệnh giả, họ phải bỏ ra từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng (phụ thuộc số ngày nghỉ). Do vậy, nếu cho rằng công nhân có mục đích trục lợi từ BHXH là không thuyết phục. Thực chất là họ không hề có ý định hưởng số tiền BHXH từ giấy nghỉ bệnh giả này, mà thực chất là họ muốn xin nghỉ. Doanh nghiệp siết quá thì họ phải làm liều.

Lan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN