Dân khổ vì ô nhiễm môi trường

Gần 10 năm nay, hàng trăm hộ dân ở xã Minh Đức, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên đã phải sống cùng mùi hôi thối nồng nặc tỏa ra từ khu xử lý rác thải Đồng Hầm. Rất nhiều kiến nghị của người dân đã được gửi đến chính quyền xã và huyện, nhưng hiện nay, tình hình ô nhiễm môi trường ở nơi đây vẫn không có sự chuyển biến.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Theo phản ánh của người dân, từ năm 2005, huyện Phổ Yên đã có chủ trương xây dựng bãi rác thải tại khu vực Đồng Hầm, nay thuộc xóm 2, xã Minh Đức. Việc xây dựng bãi xử lý rác nhằm mục đích thu gom, xử lý rác thải của toàn bộ huyện Phổ Yên. Ban đầu, khi triển khai khu xử lý rác này, bà con được thông báo, khu vực chôn lấp rác sẽ có 3 bể chứa, đảm bảo nước thải thoát ra ngoài được xử lý, không gây ô nhiễm. Thế nhưng, thực tế, kể từ khi bãi rác đi vào hoạt động, chỉ có một cái hố được đào xuống, lót bạt sơ sài. Các xe thu gom rác của 2 hợp tác xã môi trường (Trung Thành và Ba Hàng) mà huyện Phổ Yên thuê khoán thu gom, xử lý rác trong huyện tự ý đổ rác trong khu vực bãi rác mà không cần chôn lấp, dùng hóa chất khử mùi.

Rác thải không qua xử lý, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở xã Minh Đức, Phổ Yên.



Sau nhiều năm tích tụ, bãi rác Đồng Hầm trở thành nơi phát tán mùi xú uế ra khắp vùng. Bị ảnh hưởng nặng nhất là các khu dân cư: Xóm 2, xóm 10, xóm Đậu, xóm Cầu Dao, Cao Phong, Tân Lập… Những năm gần đây, bãi rác Đồng Hầm không chỉ tiếp nhận rác thải sinh hoạt mà còn có cả rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn Phổ Yên. Cách xử lý của những người thu gom, xử lý rác ở đây là đốt. Khói bụi, mùi hôi từ bãi rác Đồng Hầm càng thêm khó chịu, đặc quánh và người dân chỉ còn cách chống chọi duy nhất là đóng kín cửa nhà.

Ông Lương Thanh Tuấn, Bí thư chi bộ Đoàn Kết (bao gồm 4 xóm gần bãi rác) cho biết: “Người dân đã nhiều lần kiến nghị với huyện, với xã và được huyện trả lời, đây là khu bãi thải chứ không phải khu xử lý nên việc phát tán mùi từ rác thải là tất nhiên. Dân chúng tôi đã gần như không thể chịu nổi nữa rồi, đề nghị các cấp chính quyền địa phương phải có ngay hệ thống xử lý để ngăn chặn mùi hôi thối, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Không chỉ phát tán mùi hôi thối, từ khi có bãi rác, người dân Minh Đức còn phải chống chọi với ruồi, nhặng. Những ngày nắng, ruồi nhặng bám đầy cây cối, nhà cửa. Nhiều năm nay, người dân trong vùng khi ăn cơm cũng phải mắc màn để tránh ruồi. Đáng lo ngại hơn, khói bụi từ quá trình đốt rác, nước thải từ bãi rác chảy xuống khiến nhiều thửa ruộng xung quanh khu vực bãi rác Đồng Hầm không cho thu hoạch. Các loại cây ăn quả như vải, nhãn, táo… không đậu quả mà nếu có đậu quả thì cũng bị ám muội, không ăn được.

Bà Đỗ Thị Liên, người dân ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức cho biết thêm: “Những hôm nắng nóng, mùi khét, mùi hôi từ bãi rác càng thêm phần khó chịu, người dân phải dùng khăn mỏng để bịt mũi mới ngủ được. Do khâu xử lý rác thủ công, nên ruồi nhặng quá nhiều, nhà tôi nhiều lần phải ăn cơm trong màn, dùng màn để ngồi ăn cơm, nhà nền trắng nhìn cứ như phơi đỗ đen. Do không chôn lấp, xử lý rác thải tràn lan khắp tất cả các đồi, các núi chứ không phải là một khu bãi thải nữa. Hơn lúc nào hết, bà con đề nghị chính quyền có biện pháp xử lý cho chúng tôi, để đời sống của bà con đỡ khổ”.

Cần xử lý triệt để

Người dân đã phản ánh vấn đề này nhiều lần qua các cuộc họp, cuộc tiếp xúc cả tri các cấp, nhưng không rõ vì nguyên nhân gì mà nhiều năm qua, chính quyền huyện và xã đếu không có biện pháp xử lý triệt để. Lãnh đạo chính quyền xã cho rằng, việc xử lý vượt thẩm quyền nên xã cũng chỉ biết kiến nghị lên tỉnh, lên huyện.

Ông Triệu Thế Lực, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Đức thừa nhận: “Vấn đề ô nhiễm môi trường của bãi rác thải Đồng Hầm là có thực. Hai hợp tác xã môi trường nhiều khi đổ bừa bãi, nên việc ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Từ đầu năm 2014 đến nay, huyện đã thành lập Ban quản lý về môi trường. Để xử lý tình trạng ô nhiễm, Ban quan lý đã cho múc rác đổ không đúng nơi quy định đổ vào các hố để chôn lấp và cũng đang xây dựng nhà bảo vệ, để khi có rác thải đổ về đấy là phải đổ đúng nơi quy định thì mới cho phép đổ và chỉ được đổ những loại rác thải được phép đổ. Xã cũng đề nghị với các cấp có thẩm quyền từ tỉnh xuống huyện đi kiểm tra nhiều lần, mỗi một lần đoàn về kiểm tra thấy ô nhiễm, một là nhắc nhở, hai là ra các quyết định xử phạt, nhưng vẫn chưa khắc phục triệt để được trong việc ô nhiễm môi trường. Trong thời gian tới, huyện cũng đang mở rộng, xây dựng thêm các hố chôn lấp theo đúng như quy trình, thiết kế để giảm thiếu nhất việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng tới đời sống của bà con”.

Mới đây, huyện Phổ Yên đã có thông báo và thực hiện dự án bãi rác ở xã Minh Đức. Trong quá trình thi công mở rộng, một số bà con vì quá bức xúc trước việc ô nhiễm môi trường ở đây đã ngăn cản thi công. Sự lo ngại của bà con hoàn toàn có cơ sở, bởi thực tế, việc mở rộng bãi rác Đồng Hầm chỉ đơn thuần là san gạt mặt bằng lấy chỗ đổ rác, mà ít có dấu hiệu cho thấy việc xây dựng khu xử lý quy mô, có hệ thống phân loại rác, lò đốt, hố chôn lấp, hệ thống xử lý nước thải… Hơn lúc nào hết, người dân xã Minh Đức đang rất cần các cơ quan chức năng của huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vào cuộc, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nơi đây, đảm bảo cuộc sống ổn định cho bà con.

Bài và ảnh: Hoàng Thảo Nguyên
Thái Nguyên: Dân đổ rác thải chất đống trụ sở Ủy ban xã
Thái Nguyên: Dân đổ rác thải chất đống trụ sở Ủy ban xã

Một số người dân xã Tân Cương, tỉnh Thái Nguyên đã tự ý đưa rác thải công nghiệp vào trụ sở UBND xã Tân Cương để gây sức ép với chính quyền liên quan sai phạm của HTX thương mại và dịch vụ Phúc Lợi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN