Đà Nẵng truy quét khai thác vàng trái phép

Trước tin đồn có nhóm người trúng đậm 16 kg vàng khai thác tại khu vực Khe Đương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng), rất nhiều người đổ về đây khai thác vàng trái phép. Tình trạng này khiến rừng núi Khe Đương bị cày xới tan hoang, gây mất an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, kéo theo nhiều hệ lụy không thể lường trước.

 

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Thông tin nhóm người trúng đậm 16 kg vàng tại khu vực Khe Đương đã khiến nhiều người dân đổ xô lên tiểu khu 27, 29 của khu vực này để khai thác vàng trái phép, biến Khe Đương trở thành "điểm nóng”. UBND xã chỉ đạo lực lượng công an, kiểm lâm phối hợp cùng Công an huyện Hòa Vang, Công an thành phố Đà Nẵng tổ chức truy quét. Lực lượng kiểm lâm, công an xã được bố trí chốt chặn tuyến đường độc đạo dẫn lên bãi vàng Khe Đương. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng mỏng, đồng thời những người khai thác vàng trái phép thông thuộc địa bàn nên khi lực lượng chức năng truy quét thì những người này chỉ tạm rút, đến tối lại khai thác trái phép.


Mất hơn một giờ đồng hồ băng rừng với sự giúp đỡ của một người dân địa phương, chúng tôi đã đột nhập vào bãi đào vàng Khe Đương. Tại đây các hầm, lò đổ nát nham nhở, có khoảng 10 lán lớn nhỏ, 1 hầm chính và hàng chục hầm, hố nhỏ khác của Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Sơn để lại. Nhiều hầm đào sâu đến cả trăm mét, chia nhiều ngã rẽ khác nhau. Đa phần các hầm này rất thô sơ, có thể sập bất cứ lúc nào. Khoảng 20 phu vàng tất bật đào, xới, căng mắt đãi vàng. Biết nguy hiểm đến tính mạng nhưng vì không có việc làm nên họ vẫn lên đây "mót" vàng. Nếu lao động tích cực, mỗi ngày cũng kiếm được 300.000 - 400.000 đồng/người.


Theo phản ánh của bà con 2 thôn Giàn Bí và Tà Lang (chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu), tình trạng khai thác vàng trái phép tại tiểu khu 27 và 29 đã làm ô nhiễm nguồn nước. Từ năm 2012 đến nay, người dân ở đây phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm, có nhiều cát lắng đọng, rất nhiều người dân mắc các bệnh về đường tiêu hóa.


Ngày 26/10/2007, trên cơ sở đề xuất của Hội đồng xét thầu (do Sở Công nghiệp, nay là Sở Công Thương chủ trì), UBND thành phố Đà Nẵng cấp phép cho Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Sơn được lập dự án khai thác, chế biến vàng tại mỏ vàng Khe Đương. Đến tháng 3/2008, UBND thành phố đã cấp giấy phép cho Công ty khai thác mỏ vàng Khe Đương trên khu vực 22 ha trong thời gian 36 tháng. Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị có thể gia hạn thêm 2 năm nếu công ty thực hiện tốt các quy định trong khai thác và chế biến. Như vậy, theo giấy phép của UBND thành phố Đà Nẵng cũng như đề xuất của Sở Tài nguyên - Môi trường, đến tháng 3/2013, Công ty TNHH Trường Sơn phải hoàn trả lại bãi vàng, đồng thời có trách nhiệm hoàn thổ, trồng lại rừng theo quy định. Tuy nhiên, đến tháng 6/2014, Công ty TNHH Trường Sơn mới rút hẳn, nhưng việc hoàn thổ, trồng lại diện tích rừng lại chưa thực hiện.


Trước thực trạng trên, UBND huyện Hòa Vang đã liên tục chỉ đạo các ngành chức năng tích cực quản lý, bảo vệ khoáng sản và tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, giải tỏa hoạt động khai thác vàng trái phép. Ông Hồ Tăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết: Sau hơn 10 ngày truy quét, các lực lượng chức năng đã tiêu hủy 6 lán trại, 4 hầm mỏ, 1 máy nổ, 2 máy nghiền, 2 máy hơi, hơn 300 mét ống dẫn nước, dây điện cùng nhiều nhu yếu phẩm của những người khai thác vàng trái phép. Đến thời điểm này, tình trạng khai thác trái phép ở Khe Đương đã giảm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc quản lý vì những đối tượng này có rất nhiều thủ đoạn. UBND xã cũng như các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng giám sát, yêu cầu Công ty TNHH Trường Sơn hoàn trả lại mặt bằng, hủy hết số hầm còn lại; đồng thời, sớm bàn giao cho các bên có thẩm quyền quản lý khu vực bãi vàng Khe Đương. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, không tiếp tay, không tham gia khai thác để bảo vệ cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội.


Đinh Nhiều

Núp bóng trang trại khai thác vàng trái phép
Núp bóng trang trại khai thác vàng trái phép

Đã một thời gian dài, 84 hộ dân tộc Giáy ở bản Nà Sài, xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu phải gánh chịu hậu quả nặng nề và trực tiếp từ một bãi khai thác khoáng sản núp bóng trang trại phía đầu nguồn suối của bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN